A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vấn đề quyền con người được quy định rõ nét trong Luật An ninh mạng

Ngày 12/6/2018, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV thông dự án Luật An ninh mạng với tỷ lệ đại biểu tán thành 86.86%. Những nội dung quan trọng của Luật An ninh mạng về bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân trên không gian mạng là điểm nhấn quan trọng thể hiện rõ nét tính chất ưu việt của Luật trong bảo vệ quyền con người ở Việt Nam.

Luật An ninh mạng gồm 07 chương, 43 điều quy định những nội dung cơ bản về bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng; triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng và quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Song, sự ra đời và chế tài áp dụng của Luật An ninh mạng cũng chính là rào cản cho hoạt động lợi dụng không gian mạng chống Đảng, Nhà nước của nhiều phần tử chống đối. Vì vậy, chúng bày ra nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để vu khống, xuyên tạc tính chất ưu việt của Luật An ninh mạng, kích động, kêu gọi người dân xuống đường biểu tình phản đối Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng với các luận điệu bịa đặt như: Luật An ninh mạng đang “chống lại loài người”, “bịt miệng dân chủ”, “đàn áp bất đồng chính kiến”, “tạo rào cản kinh doanh”, “tăng chi phí cho doanh nghiệp”, “thêm giấy phép con”, “lạm quyền”, “cấm sử dụng Facebook, Google”… Và khi nghiên cứu, nhận thức rõ về Luật An ninh mạng, chúng ta thấy rõ Luật An ninh mạng không có những quy định nêu trên, không tạo rào cản, không tăng thủ tục hành chính, không cấp giấy phép con và không cản trở hoạt động bình thường, đúng luật của các tổ chức, cá nhân mà trái lại Luật đang bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trên không gian mạng, bởi lẽ:

Thứ nhất, sự cần thiết phải ban hành Luật An ninh mạng. Trên thế giới, từ lâu, nhiều quốc gia đã nhận thức rõ về những mối đe dọa đối với an ninh mạng, coi đây là thách thức mới có tầm quan trọng và nguy hiểm cao nên đã cụ thể hóa thành các văn bản chính sách, văn bản pháp luật như luật hoặc văn bản dưới luật tại hơn 80 quốc gia, tổ chức, liên minh quốc tế như Mỹ, Anh, Đức, Hà Lan, Pháp, Canada, Hàn Quốc, NATO… nhằm tạo ra các thiết chế, cơ sở pháp lý chống lại các nguy cơ đe dọa đến an ninh quốc gia từ không gian mạng; thành lập lực lượng chuyên trách về an ninh mạng, tình báo mạng, chiến tranh mạng, phòng chống khủng bố mạng và tội phạm mạng. Chỉ trong vòng 06 năm trở lại đây, đã có 23 quốc gia trên thế giới ban hành trên 40 văn bản luật về an ninh mạng. Theo thống kê, Việt Nam là nước đứng thứ 13 trong top 20 quốc gia có dân số sử dụng Internet cao nhất trên thế giới, đồng thời cũng là quốc gia nằm trong nhóm bị tấn công mạng nhiều nhất. Chỉ trong hai tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã ghi nhận hơn 1.500 cuộc tấn công mạng. Cùng với đó, các thế lực thù địch và bọn tội phạm triệt để lợi dụng tính năng tiện ích của Internet, đặc biệt là mạng xã hội tiến hành hoạt động xâm phạm an ninh, trật tự, gây bất ổn trong dư luận. Trong khi đó, hiện nay, Việt Nam chưa có luật quy định về công tác an ninh mạng; các quy định hiện có về an toàn thông tin mạng chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn các hành vi vi phạm trên không gian mạng. Chính vì vậy, việc xây dựng, ban hành Luật An ninh mạng là phù hợp với xu thế của thế giới, góp phần đắc lực trong việc triển khai bảo đảm an ninh mạng cũng như công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hoạt động sử  dụng Internet để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Kết quả hình ảnh cho luật an ninh mạng cam nhung gi

Xuyên tạc Luật An ninh mạng vi phạm quyền con người là thủ đoạn tinh vi của thế lực thù địch

Thứ hai, trước khi hoàn thành dự thảo và đưa ra thảo luận để Quốc hội thông qua, Luật An ninh mạng đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, với sự tham gia đóng góp ý kiến của các bộ, ngành chức năng, hơn 30 doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin lớn trong nước như VNPT, FPT, BKAV; nhiều chuyên gia, tập đoàn kinh tế, viễn thông trong và ngoài nước, trong đó có Facebook, Google, Apple, Amazon, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN, Hiệp hội điện toán đám mây Châu Á; các cơ quan đại diện nước ngoài như Mỹ, Canada, Úc, Nhật Bản… và ý kiến rộng rãi của quần chúng nhân dân. Do đó, chúng ta thấy rõ tính khách quan, ưu việt của Luật An ninh mạng trong đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trên không gian mạng được thể hiện cụ thể qua từng điều luật hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tiễn tại Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế và các quy định về khoa học công nghệ thông tin có liên quan.

Thứ ba, quy định về những hành vi bị nghiêm cấm trên không gian mạng không hạn chế hay bác bỏ quyền của cá nhân, tổ chức hoạt động trên môi trường mạng.

Luật An ninh mạng bao gồm 07 chương, cụ thể: Chương 1-Những quy định chung, Chương 2-Bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, Chương 3-Phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng, Chương 4-Hoạt động bảo vệ an ninh mạng, Chương 5-Bảo đảm hoạt động bảo vệ an ninh mạng, Chương 6-Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trong đó, tại Điều 8-Chương 1, Luật quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng bao gồm:

1. Sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi sau đây:

– Sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội bao gồm:

+ Đăng tải, phát tán thông tin trên không gian mạng có nội dung quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 16 và hành vi quy định tại khoản 1 Điều 17 của Luật này;

+ Chiếm đoạt tài sản; tổ chức đánh bạc, đánh bạc qua mạng Internet; trộm cắp cước viễn thông quốc tế trên nền Internet; vi phạm bản quyền và sở hữu trí tuệ trên không gian mạng;

+ Giả mạo trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân; làm giả, lưu hành, trộm cắp, mua bán, thu thập, trao đổi trái phép thông tin thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng của người khác; phát hành, cung cấp, sử dụng trái phép các phương tiện thanh toán;

+ Tuyên truyền, quảng cáo, mua bán hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục cấm theo quy định của pháp luật;

+ Hướng dẫn người khác thực hiện hành vi vi phạm pháp luật;

+ Hành vi khác sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

– Tổ chức, hoạt động, câu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

– Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc;

– Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế – xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác;

– Hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng;

– Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội.

2. Thực hiện tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; gây sự cố, tấn công, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.

3. Sản xuất, đưa vào sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, phương tiện điện tử; phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, phương tiện điện tử; xâm nhập trái phép vào mạng viễn thông, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu, phương tiện điện tử của người khác.

4. Chống lại hoặc cản trở hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh mạng; tấn công, vô hiệu hóa trái pháp luật làm mất tác dụng biện pháp bảo vệ an ninh mạng.

5. Lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi.

6. Hành vi khác vi phạm quy định của Luật này”.

Như vậy, Luật An ninh mạng không có quy định cấm Facebook, Google hoặc các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài hoạt động tại Việt Nam; không ngăn cản quyền tự do ngôn luận, quyền bày tỏ quan điểm của công dân; không cấm công dân sử dụng các dịch vụ mạng xã hội như Facebook, Google; không cấm công dân tham gia hoạt động trên không gian mạng hoặc truy cập, sử dụng thông tin trên không gian mạng; không cấm công dân khởi nghiệp, sáng tạo hay trao đổi, triển khai ý tưởng sáng tạo của mình trên không gian mạng. Do đó, công dân hoàn toàn có quyền sử dụng, hoạt động trên không mạng theo mục đích cá nhân với điều kiện không vi phạm các quy định của Luật về các hành vi bị nghiêm cấm. Điều này bác bỏ hoàn toàn các luận điệu xuyên tạc cho rằng Luật An ninh mạng vi phạm quyền tự do, dân chủ của công dân trên không gian mạng, cấm sử dụng Facebook, Google, tạo rào cản kinh doanh… Rõ ràng, đây chỉ là chiêu trò lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền của các đối tượng chống đối nhằm xuyên tạc, phá hoại dự án luật quan trọng của Nhà nước ta.

Thứ tư, các nội dung của Luật An ninh mạng quy định rõ về việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên không gian mạng.

Luật An ninh mạng được xây dựng trên cơ sở có tính thống nhất cao với hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam, trong đó phản ánh trực tiếp hoặc gián tiếp một số nội dung theo 29 điều của Bộ luật Hình sự; có liên quan tới các quy định về bảo vệ quyền con người trong Hiến pháp, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự và các văn bản khác có liên quan; đồng thời liên quan chặt chẽ tới Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành. Do đó, trong từng chương, các điều luật đều xoay quanh mục đích bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên không gian mạng; đồng thời đưa ra những quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để gắn chặt quyền-nghĩa vụ công dân đối với vấn đề bảo vệ an toàn, an ninh mạng. Cụ thể, tại Chương 3-Phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng, quy định rõ việc bảo vệ thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trên không gian mạng.

Chương 4-Hoạt động bảo vệ an ninh mạng đưa ra các quy định về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, đây là điểm rất tiến bộ của Luật An ninh mạng nhằm tạo điều kiện cho trẻ em được tiếp cận, phát triển toàn diện cả về kiến thức và kỹ năng trên môi trường mạng; bảo vệ trẻ em trước nguy cơ đe dọa xâm hại sự phát triển của trẻ trên môi trường mạng; đồng thời Luật siết chặt các quy định về trách nhiệm của chủ quản hệ thống thông tin, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng; cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động không gian mạng, cơ quan, tổ chức, cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và cá nhân khác liên quan; lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng và các cơ quan chức năng nhằm phát huy trách nhiệm, nghĩa vụ, ý thức tự giác, tích cực và sức mạnh tổng hợp của gia đình và cộng đồng xã hội trong bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ bị xâm hại trên không gian mạng.

Luật An ninh mạng bảo vệ quyền con người, quyền, lợi ích hợp của công dân, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên môi trường mạng. Mỗi người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác không nghe theo lời kích động, xúi giục của các đối tượng xấu với những luận điệu xuyên tạc, thù địch về tính chất ưu việt của Luật; nghiên cứu, nắm vững các quy định của Luật về những hành vi bị nghiêm cấm, về quyền, lợi ích được Luật bảo vệ để qua đó chủ động phòng ngừa, không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng, đồng thời góp phần phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh với các hành vi xâm phạm an toàn, an ninh mạng.

Khánh Vi


Tin liên quan