A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Các quy định trong xử lý vi phạm hành chính về lấn chiếm lòng, vỉa hè, lề đường

Vấn nạn lấn chiếm lòng vỉa hè, lòng lề đường không còn quá xa lạ với người dân hiện đang sinh sống tại địa bàn tỉnh Kon Tum. Bàn về vấn nạn trên, không những gây mất cảnh quan khu đô thị mà còn cản trở giao thông và ùn tắc ở những tuyến đường trung tâm trong những giờ cao điểm. Sự quá tải về hạ tầng, thiếu sự quy hoạch, kết nối đồng bộ giữa đường giao thông với vỉa hè và các khu vực xung quanh; tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường để trông giữ xe, buôn bán diễn ra thường xuyên, chưa được xử lý triệt để,… đã tạo nên bộ mặt vỉa hè nhếch nhác, lộn xộn, không đáp ứng được mục đích, chức năng vốn có của nó là không gian dành cho người đi bộ, nhất là tại những tuyến phố khu vực trung tâm.

Lòng vỉa hè, lòng lề đường được chưng dụng để bày bán các mặt hàng hoá của các tiểu thương và có hộ gia đình kinh doanh nhỏ, lẻ

Hiện nay, việc lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường đang là tình trạng rất phổ biến tại các đô thị lớn trong cả nước không riêng gì địa bàn tỉnh Kon Tum. Vỉa hè được sử dụng để đỗ xe, để các bảng hiệu, bàn ghế hàng ăn, giải khát, thậm chí là trải các mặt hàng ra để bán một cách lộn xộn với đủ muôn hình vạn trạng. Chúng ta không thể không nhắc đến sự tiện lợi của mua, bán trên vỉa hè. Chỉ cần tấp xe vào lề đường là có thể mua được đồ ăn hoặc mọi thứ hàng hoá cần thiết,… Song, sự tiện lợi này có thể phát sinh ra những vấn đề tuy nhỏ nhưng vẫn đang nhức nhối hằng ngày. Đó chính là sự tuỳ tiện, bát nháo trong trách nhiệm người tham gia giao thông, người tham gia giao thông lúc đi nhanh, lúc đi chậm, có khi lại thắng đột ngột, tạt ngang, tạt ngữa,… chỉ để ngó nghiêng tìm kiếm thứ mình cần.

Thực tế cho thấy, đa số những đối tượng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường để buôn bán đều ý thức được hành vi vi phạm pháp luật của mình. Song, họ vẫn cố tình vi phạm, điều này cho thấy, chế tài xử lý vẫn chưa thích đáng nên một bộ phận người dân còn khá xem thường pháp luật. Vẫn biết việc kinh doanh, buôn bán liên quan đến cuộc sống mưu sinh của người dân. Tuy nhiên, trước tình trạng mua bán, lấn chiếm lòng vỉa hè, lòng đường lộn xộn và vi phạm trật tự như hiện nay, thì những nhận thức và ý thức của người dân càng phải được nâng cao hơn để bảo đảm kinh doanh, buôn bán đúng nơi quy định, hạn chế việc lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường gây mất cảnh quan khu đô thị.

Việc sử dụng lòng đường, lề đường hay vỉa hè làm nơi buôn bán, kinh doanh là hành vi bị nghiêm cấm. Theo đó người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính và buộc phải dỡ bỏ công trình xây dựng trái phép hoặc thu dọn rác, vật tư, vật liệu, hàng hóa, máy móc và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi vi phạm gây ra.

Theo quy định tại Điều 35 Luật giao thông đường bộ 2008: Lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông. Trong một số trường hợp vẫn cho phép tổ chức một số hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội trên đường bộ. Trường hợp đặc biệt, việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác phải do UBND cấp tỉnh quy định nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông. Đặc biệt, nghiêm cấm các hành vi sau: Họp chợ, mua, bán hàng hóa trên đường bộ; phơi thóc, lúa, rơm rạ, nông sản hoặc để vật khác trên đường bộ; đặt biển quảng cáo trên đất của đường bộ; đổ rác hoặc phế thải không đúng nơi quy định; xây, đặt bục, bệ trái phép trên đường; … Thực tế hiện nay vỉa hè hành cho người đi bộ đang bị lấn nghiêm nghiêm trọng. Nhiều biển hiệu kinh doanh được đặt ngay vị trí vốn dĩ phần đường dành cho người đi bộ, nhiều gánh hàng rong mọc lên tùy ý, tự do trên vỉa hè,… rồi xe máy, xe đạp cứ ùn ùn kéo lên lối dành cho người đi bộ để chạy,… Tất cả những hành vi đó đều là hành vi vi phạm, bị nghiêm cấm thế nhưng người vi phạm vẫn cứ vi phạm.

Nghị định 46/2016/NĐ – CP đưa ra mức xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm như sau:

1. Phạt tiền từ 100.000 đồng – 200.000 đồng đối với cá nhân và từ 200.000 đồng – 400.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi sau:

Bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng; phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản trên đường bộ; đặt máy tuốt lúa trên đường bộ.

2. Phạt tiền từ 300.000 đồng – 400.000 đồng đối với cá nhân và từ 600.000 đồng – 800.000 nghìn đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi sau:

Sử dụng, khai thác tạm thời trên đất hành lang an toàn đường bộ vào mục đích canh tác nông nghiệp ảnh hưởng đến an toàn công trình đường bộ và an toàn giao thông; trồng cây trong phạm vi đất dành cho đường bộ làm che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện giao thông; chiếm dụng dải phân cách giữa của đường đôi làm nơi: bày, bán hàng hóa; để vật liệu xây dựng; họp chợ, mua, bán hàng hóa trong phạm vi đất của đường bộ ở đoạn đường ngoài đô thị; đổ rác, xả nước ra đường bộ không đúng nơi quy định.

3. Phạt tiền từ 500.000 đồng – 1.000.000 đồng đối với cá nhân và từ 1.000.000 đồng – 2.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi sau:

Sử dụng đường bộ trái quy định để tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội; dựng cổng chào hoặc các vật che chắn khác trái quy định trong phạm vi đất dành cho đường bộ gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông đường bộ; treo băng rôn, biểu ngữ trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông đường bộ; đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo trên đất của đường bộ ở đoạn đường ngoài đô thị chiếm dụng dải phân cách giữa của đường đôi làm nơi để xe, trông, giữ xe; sử dụng trái phép đất của đường bộ ở đoạn đường ngoài đô thị làm nơi sửa chữa phương tiện, máy móc, thiết bị; rửa xe, bơm nước mui xe gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông đường bộ.

4. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng – 3.000.000 đồng đối với cá nhân và từ 4.000.000 đồng – 6.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi sau:

Dựng rạp, lều quán, cổng ra vào, tường rào các loại, công trình tạm thời khác trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ; sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để: họp chợ; kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày, bán hàng hóa; sửa chữa phương tiện, máy móc, thiết bị; rửa xe; đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo; xây, đặt bục bệ; làm mái che hoặc thực hiện các hoạt động khác gây cản trở giao thông; chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố dưới 05m2 làm nơi trông, giữ xe; chiếm dụng phần đường xe chạy hoặc lề đường của đường ngoài đô thị dưới 20m2 làm nơi trông, giữ xe.

5. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng – 6.000.000 đồng đối với cá nhân và từ 8.000.000 đồng – 12.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi sau:

Đổ, để trái phép vật liệu, chất phế thải trong phạm vi đất dành cho đường bộ; tự ý đào, đắp, san, lấp mặt bằng trong: Hành lang an toàn đường bộ, phần đất dọc hai bên đường bộ dùng để quản lý, bảo trì, bảo vệ công trình đường bộ; tự ý gắn vào công trình báo hiệu đường bộ các nội dung không liên quan tới ý nghĩa, mục đích của công trình đường bộ; sử dụng trái phép đất của đường bộ hoặc hành lang an toàn đường bộ làm nơi tập kết hoặc trung chuyển hàng hóa, vật tư, vật liệu xây dựng, máy móc, thiết bị, các loại vật dụng khác; dựng rạp, lều quán, công trình tạm thời khác trái phép trong khu vực đô thị tại hầm đường bộ, cầu vượt, hầm cho người đi bộ, gầm cầu vượt; bày, bán máy móc, thiết bị, vật tư, vật liệu xây dựng hoặc sản xuất, gia công hàng hóa trên lòng đường đô thị, hè phố; chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố từ 05m2 đến 10m2 làm nơi trông, giữ xe; xả nước thải xây dựng từ các công trình ra đường phố; chiếm dụng phần đường xe chạy hoặc lề đường của đường ngoài đô thị từ 20m2 trở lên làm nơi trông, giữ xe.

6. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng – 8.000.000 đồng đối với cá nhân và từ 12.000.000 đồng – 16.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố từ 10m2 đến dưới 20m2 làm nơi trông, giữ xe.

7. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng – 15.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 20.000.000 đồng – 30.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau:

Chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố từ 20m2 trở lên làm nơi trông, giữ xe; dựng biển quảng cáo trên đất hành lang an toàn đường bộ khi chưa được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản hoặc dựng biển quảng cáo trên phần đất dọc hai bên đường bộ dùng để quản lý, bảo trì, bảo vệ công trình đường bộ.

8. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng – 20.000.000 đồng đối với cá nhân và từ 30.000.000 đồng – 40.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau:

Xây dựng nhà ở, công trình kiên cố khác trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ; mở đường nhánh đấu nối trái phép vào đường chính.

Tập quán, thói quen kinh doanh trên vỉa hè đã ăn sâu vào trong tiềm thức của người Việt và đã trở thành một thói quen không thể thay đổi một sớm một chiều. Và để tạo nên sự thay đổi trên, không chỉ kêu gọi suông hay tuyên truyền đối với bản thân người dân, các hộ dân sinh sống, kinh doanh hai bên vỉa hè mà cần những biện pháp quản lý hiệu quả từ bộ máy chính quyền, để giữ cho vỉa hè không bị chiếm dụng sai mục đích.

Trước vấn nạn trên cơ quan chức năng đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân chấp hành tốt quy định sử dụng vỉa hè, bảo đảm TTATGT, trật tự đô thị, các quy định, quy ước về nếp sống văn minh đô thị. Phát động phong trào xây dựng văn hoá cộng đồng trong nhân dân. Nhanh chóng tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương xây dựng, triển khai các kế hoạch ra quân, dọn dẹp lòng đường, vỉa hè; phối hợp chặt chẽ với lực lượng dân quân tự vệ, lực lượng tổ dân phố, Công an các xã, phường, thị trấn và cấp uỷ, chính quyền các xã, phường, thị trấn thông báo rộng rãi đến bà con nhân dân, phổ biến, tuyên truyền giáo dục quy định tại Điều 35 Luật giao thông đường bộ 2008 liên quan đến việc chiếm lòng lề đường, vỉa hè để sử dụng làm mục đích riêng.

Và hơn hết, “cuộc chiến” vấn nạn trên không chỉ là trách nhiệm của riêng bất kỳ tổ chức hay cơ quan nào, mà mỗi người trong chính chúng ta cần thay đổi ý thức. Thay đổi ý thức ở đây, chính là thay đổi cả ý thức người bán hàng và cả người có nhu cầu mua hàng ở vỉa hè. Hãy cùng chung tay, góp phần dựng xây tỉnh Kon Tum giàu đẹp, vững mạnh và văn minh, góp phần nâng cao ý thức cá nhân đối với cộng đồng, và trả lại đúng mục đích của vỉa hè, lòng lề đường theo quy định của pháp luật./.

Quang Thành