A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đảm bảo công tác hậu cần, quản lý phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

Thời gian qua, số vụ cháy trên địa bàn tỉnh giảm cả về số lượng và quy mô, không để xảy ra cháy lớn, gây hiệu quả đặc biệt nghiêm trọng. Để đạt được thành quả trên, bên cạnh việc làm tốt công tác phòng ngừa và tổ chức chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ (CNCH) nhanh chóng, hiệu quả; công tác tài chính, hậu cần cũng đóng vai trò rất quan trọng trong công tác chữa cháy, CNCH.

Công tác hậu cần kỹ thuật phục vụ chữa cháy và CNCH là việc kiểm tra tình trạng hoạt động của các trang thiết bị, phương tiện chữa cháy và CNCH; bổ sung nhiên liệu, chất chữa cháy; bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện chữa cháy và CNCH hư hỏng khi lực lượng Cảnh sát chữa cháy và CNCH trở về đơn vị sau khi hoàn thành công tác chữa cháy và CNCH. Bên cạnh đó, đảm bảo kinh phí, phục vụ tốt công tác hậu cần, quản lý quân tư trang, bếp ăn tập thể và các phương tiện và tài sản khác của đơn vị.

Tổ chức kiểm tra, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện chữa cháy và CNCH

Hiện nay, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH được trang bị 15 xe chữa cháy (trong đó có 13 xe chữa cháy có téc nước, 01 xe trạm bơm, 01 xe thang chữa cháy cao 14 m), 02 xe cứu nạn, cứu hộ, 01 xe bán tải, 01 xe tải chở phương tiện, 02 xe chở quân, 03 cano, 03 xuồng cao su cứu hộ và các trang thiết bị khác phục vụ công tác chữa cháy và CNCH. Đây là những phương tiện, thiết bị đặc thù, có tần suất sử dụng cao, phục vụ đắc lực nhiệm vụ chữa cháy và CNCH trên địa bàn tỉnh, do đó, việc quản lý, kiểm tra, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị chữa cháy và CNCH cũng có yêu cầu cao hơn so với các phương tiện khác. Do đó, trong những năm qua, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã duy trì và thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện, thiết bị chữa cháy và CNCH, chủ động kiểm tra, sửa chữa các sự cố, hư hỏng để bảo đảm phương tiện phục vụ tốt công tác thường trực sẵn sàng chiến đấu 24/24 giờ.

Tiếp nhận xe chữa cháy Maz Belarus do Cục Cảnh sát PCCC và CNCH cấp

Tại trụ sở đơn vị, các phương tiện xe chữa cháy, xe CNCH, máy bơm chữa cháy,… được đặt trong các gara xe có mái che; các trang thiết bị, phương tiện chữa cháy và CNCH được bảo quản tại kho, sắp xếp gọn gàng, khoa học trên các giá, kệ vật tư. Việc xuất, nhập phương tiện được thực hiện nghiêm túc, các sổ sách theo dõi phương tiện được cập nhật thường xuyên, đúng quy định. Năm 2023, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã tiếp nhận mới 02 xe chữa cháy do Cục Cảnh sát PCCC và CNCH cấp. Đồng thời, phối hợp với Công ty TNHH HSE Việt Nam tổ chức kiểm tra, bảo quản, bảo dưỡng và hướng dẫn sử dụng mặt nạ Drager cho cán bộ, chiến sĩ tại đơn vị; tổ chức sửa chữa 15 lượt phương tiện chữa cháy. Công tác sửa chữa, bảo dưỡng được thực hiện đúng quy định, đảm bảo chất lượng và công khai về tài chính.

Tổ chức thực tập phương án chữa cháy và CNCH

Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác hậu cần, quản lý phương tiện chữa cháy và CNCH, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH sẽ tập trung làm tốt một số nhiệm vụ cụ thể như sau:

Một là, Thường xuyên phổ biến kiến thức cho cán bộ, chiến sĩ làm công tác hậu cần nắm vững kiến thức nghiệp vụ để khi đến đám cháy, sự cố, tai nạn có thể đánh giá được đặc điểm nguy hiểm cháy, nổ, dự đoán được khả năng phát triển đám cháy, đánh giá được đặc điểm của từng loại sự cố, tai nạn; nắm bắt được loại chất cháy (đặc biệt là các loại hóa chất) và chất chữa cháy phù hợp với từng loại chất cháy để từ đó có thể tham mưu cho chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ việc điều động, huy động lực lượng, phương tiện, chất chữa cháy để tổ chức chữa cháy và CNCH hiệu quả nhất;

Hai là, Khi đến hiện trường đám cháy, sự cố, tai nạn: cán bộ làm công tác Hậu cần cần phải nhanh chóng nắm bắt các thông tin về tính chất, đặc điểm nguy hiểm về cháy, nổ, độc, địa hình, địa vật tại cơ sở, khu dân cư, phương tiện, nơi xảy ra cháy, sự cố tại để kịp thời báo cáo chỉ huy và đề xuất việc sử dụng trang thiết bị, phương tiện, chất chữa cháy để tổ chức chữa cháy và CNCH.

Ba là, Đối với các điều kiện đảm bảo an toàn cho CBCS: cán bộ làm công tác Hậu cần phải nắm rõ trang phục, phương tiện, trang thiết bị bảo hộ cá nhân của đơn vị (mặt nạ phòng độc cách ly, quần, áo, khẩu trang, găng tay, mũ, ủng,…) để kịp thời cung cấp, bổ sung, thay thế cho CBCS khi phải làm việc trong thời gian dài; khi CBCS phải trực tiếp chữa cháy và CNCH trong môi trường khói khí độc thì việc tính toán nạp khí cho các bình khí thở phải thực hiện liên tục nhằm đảm bảo lượng bình ô xy dự phòng cung cấp đầy đủ cho CBCS trong suốt quá trình tổ chức chữa cháy và CNCH.

 

 


Tác giả: Như Ý
Tin liên quan