A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kiểm tra, xử lý phương tiện giao thông không đảm bảo điều kiện lưu hành trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum, tình trạng người dân sử dụng phương tiện giao thông không đảm bảo điều kiện lưu hành còn tiếp diễn, ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông (TTATGT) và gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, nhất là ở khu vực biên giới, khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự vào cuộc của các ngành, các cấp, công tác tuyên truyền, vận động, kiểm tra, xử lý xe hết niên hạn sử dụng; xe độ chế, xe thô sơ, xe công nông, máy cày không đảm bảo điều kiện tham gia giao thông (gọi chung là các phương tiện không đảm bảo điều kiện lưu hành) đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào công tác đảm bảo TTATGT trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng người dân sử dụng các loại phương tiện không đảm bảo điều kiện lưu hành, nhất là tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới; đặc biệt là việc người dân thường sử dụng các phương tiện không đảm bảo điều kiện lưu hành để vận chuyển lâm sản, hàng hóa trái quy định. Đó là một trong những nguyên nhân gây mất TTATGT và xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh.

Kết quả hình ảnh cho xe máy độ chế

Người dân sử dụng phương tiện không đảm bảo điều kiện lưu hành trên đường

Mặc dù các lực lượng chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, nhưng việc phát hiện, xử lý người điều khiển phương tiện không đảm bảo điều kiện lưu hành vẫn gặp nhiều khó khăn. Điều đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó tập trung chủ yếu là do người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm đa số tập trung ở các khu vực nông thôn; người dân thường sử dụng phương tiện không đảm bảo điều kiện lưu hành để vận chuyển hàng hóa và lâm sản trái phép hoạt động trong các đường làng, đường vào nương rẫy, đường vào rừng nên rất khó phát hiện. Khi các lực lượng chức năng tổ chức tuần tra, kiểm soát thì người dân thường né tránh, đưa phương tiện đi cất giấu, sau khi cơ quan chức năng hết thực hiện nhiệm vụ thì tiếp tục đưa ra hoạt động và sử dụng.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo các lực lượng chức năng có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng phương tiện không đảm bảo điều kiện lưu hành. Trong đó, tập trung kiểm tra, kiểm soát người và phương tiện ra vào những nơi giáp ranh giữa khu vực rừng và các tuyến đường tại các huyện biên giới, nơi đang có các hoạt động khai thác lâm, khoáng sản…

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Công an tỉnh đã xây dựng kế hoạch Tăng cường kiểm tra, xử lý phương tiện không đảm bảo điều kiện lưu hành để chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tiến hành nắm tình hình, đồng thời phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các lực lượng liên quan tiến hành rà soát, thống kê, phát hiện và xử lý triệt để tình trạng người điều khiển phương tiện không đảm bảo điều kiện lưu hành, các phương tiện vận chuyển lâm sản trái phép. Công an tỉnh đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện và các trang thiết bị cần thiết để tiến hành tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm; kiên quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp có hành vi cản trở, chống đối lực lượng thi hành nhiệm vụ; đối với những phương tiện không đảm bảo điều kiện lưu hành bị tịch thu và xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Trong năm 2018, các lực lượng của Công an tỉnh đã phát hiện 178 trường hợp người điều khiển phương tiện không đảm bảo điều kiện lưu hành (trong đó có: 6 ô tô, 166 mô tô, 04 máy cày, 02 máy kéo vi phạm); xử phạt vi phạm hành chính 10 trường hợp với số tiền 43.000.000 đồng; tước giấy phép lái xe 02 tháng đối với 03 trường hợp; tịch thu 133 phương tiện.

Thời gian tới, để ngăn chặn, hạn chế hoạt động trái phép của các phương tiện giao thông không đảm bảo điều kiện lưu hành, công tác tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm về TTATGT cần được thực hiện thường xuyên, liên tục. Đẩy mạnh kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân đưa vào lưu thông các phương tiện không đảm bảo điều kiện lưu hành tại các tuyến đường. Trong đó, tập trung kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến quốc lộ đoạn đi qua trung tâm các huyện, thành phố, các tuyến tỉnh lộ, đường giao thông nông thôn, các tuyến ra vào khu vực biên giới, khu vực có các hoạt động khai thác lâm sản, khoáng sản… Qua đó, nhằm góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về TTATGT và kiềm chế tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh.

Trần Kiên