A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người lái xe cần phải khám sức khỏe định kỳ

Để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện hay tài xế (người làm nghề lái xe ô tô) phải thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về khám sức khỏe định kỳ.

Xe++ - Lái xe ô tô có phải khám sức khỏe định kỳ không?

Người lái xe khám sức khỏe định kỳ (ảnh minh họa)

Hàng năm trên cả nước nói chung và địa bàn tỉnh Kon Tum nói riêng xảy ra hàng loạt các vụ tai nạn giao thông (TNGT) do xe tải, xe khách gây nên; trong đó, có nguyên nhân do các tài xế điều khiển phương tiện trong tình trạng buồn ngủ, mệt mỏi, chạy quá sức hoặc sử dụng chất kích thích, ma túy… dẫn đến ảo giác, không làm chủ được tốc độ…

Theo quy định tại Thông tư liên tịch 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT ngày 21/8/2015 của liên Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khỏe cho người lái xe thì người lái xe phải có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực về tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh tật của bản thân; tuân thủ các hướng dẫn, chỉ định của nhân viên y tế trong quá trình thực hiện khám sức khỏe; chủ động khám lại sức khỏe sau khi điều trị bệnh, tai nạn gây ảnh hưởng đến việc lái xe và chấp hành yêu cầu khám định kỳ, đột xuất của cơ quan quản lý nhà nước về y tế hoặc cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vận tải hoặc của người lao động.

Đồng thời, người sử dụng lao động lái xe ô tô có trách nhiệm phải “Tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lái xe ô tô thuộc quyền quản lý theo đúng quy định của pháp luật về lao động”. Nếu người sử dụng lao động lái xe ô tô có hành vi không khám sức khỏe định kỳ cho người lái xe thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm quy định về vận tải đường bộ quy định tài Điểm k Khoản 2 Điều 28 Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt như sau: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng – 2.000.000 đồng đối với cá nhân, 2.000.000 – 4.000.000 đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải và còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.

Như vậy, sức khỏe của người lái xe là một vấn đề quan trọng cần được quan tâm và bắt buộc các tài xế phải kiểm tra sức khỏe định kỳ vì sự an toàn của chính mình, của những người tham gia giao thông và đảm bảo TTATGT.

Trên địa bàn tỉnh Kon Tum, nhằm đảm bảo công tác khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe được thực hiện thường xuyên, đúng pháp luật, đảm bảo TTATGT, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo ngành Y tế thực hiện nghiêm túc việc khám sức khỏe, cấp cấp giấy chứng nhận sức khỏe cho các đối tượng thi giấy phép lái xe các loại, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác này, quy định bắt buộc về kiểm tra nồng độ cồn, các chất kích thích thần kinh trong máu đối với người bị TNGT vào cấp cứu, khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế; quản lý và theo dõi sức khỏe, hồ sơ sức khỏe của lái xe…

Các lực lượng chức năng Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải tỉnh tăng cường tuần tra, kiểm soát, tuần tra lưu động; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, phương án sử dụng thiết bị ghi hình của các tổ chức được giao quản lý và xử lý các hành vi vi phạm quy định về TTATGT, xử lý hành vi điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn, vi phạm quy định tốc độ, sử dụng điện thoại di động, không thắt dây an toàn khi ngồi trên ô tô, không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy, vi phạm quy định về an toàn, kỹ thuật và tải trọng của xe ô tô thực hiện đúng, nghiêm túc các quy định về an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông. Xây dựng quy chế phối hợp giữa Công an tỉnh và Sở Giao thông vận tải để trao đổi các thông tin phục vụ quản lý nhà nước và kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về TTATGT. Chỉ đạo các cơ sở kinh doanh vận tải tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ cho lái xe theo quy định…

Và hơn hết, bản thân người lái xe cần chủ động định kỳ khám sức khỏe của mình, giữ gìn sức khỏe (không lái xe trong tình trạng buồn ngủ, chạy quá sức hay cơ thể mệt mỏi), chấp hành nghiêm quy định của Luật giao thông (không sử dụng các chất kích thích, ma túy… khi tham gia giao thông).

Thái Ngân