A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nỗ lực giảm thiểu tai nạn giao thông trên những tuyến đường

Ngày 01-01-2020, Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực thi hành. Cùng với đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đảm bảo phù hợp quy định của Luật.

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia ra đời là cơ sở pháp lý vững chắc nhằm phòng ngừa, ngăn chặn tác hại của rượu, bia đối với đời sống xã hội, trong đó có vấn đề về an toàn giao thông. Quy định của Luật chỉ rõ hành vi bị nghiêm cấm “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” (khoản 6, Điều 5); “Người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông; người đứng đầu cơ sở kinh doanh vận tải, chủ phương tiện giao thông vận tải có trách nhiệm chủ động thực hiện biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn người điều khiển phương tiện vận tải uống rượu, bia ngay trước và trong khi tham gia giao thông; cơ quan, người có thẩm quyền có trách nhiệm kiểm tra nồng độ cồn trong máu, hơi thở của người điều khiển phương tiện giao thông đang tham gia giao thông hoặc gây ra tai nạn giao thông” (khoản 2, khoản 3 Điều 21) là một trong những giải pháp quyết liệt, triệt để giúp giảm thiểu tai nạn giao thông xảy ra do rượu, bia.

Kết quả hình ảnh cho chống tác hại của rượu bia

Nghiêm cấm hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Nguồn: Internet

Từ 01-01-2020, Luật chính thức có hiệu lực thi hành với sự đồng thuận cao trong xã hội. Việc đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội về hành vi nghiêm cấm đã uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông đã tạo làn sóng nhận thức trong cộng đồng, hầu hết người dân đều đã biết đến quy định của Luật và nâng cao ý thức chấp hành.

Tại khoản 8 Điều 8, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chỉ nghiêm cấm:

– Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

– Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở.

Như vậy, trước đây, người đi xe máy uống rượu, bia có nồng độ cồn dưới 50mg/100ml máu hoặc 0,25mg/lít khí thở; người đi xe đạp, xe xích lô… uống rượu, bia thì không bị coi là vi phạm pháp luật và không bị xử phạt. Theo đó, Nghị định 46/2016/NĐ-CP, ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt chưa có quy định cấm và xử phạt đối với người điều khiển xe máy có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/1l khí thở và chưa có quy định cấm người đi xe đạp có nồng độ cồn.

Hiện nay, để đảm bảo phù hợp quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 bổ sung quy định xử phạt đối với hành vi cấm điều khiển phương tiện giao thông khi đã uống rượu, bia, ngày 30-12-2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 100/2019/NĐ-CP thay thế Nghị định số 46/2016/NĐ-CP. Với thủ tục rút gọn nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, ngày 01-01-2020, cùng với Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP cũng chính thức có hiệu lực thi hành chỉ sau 02 ngày ban hành.

Một trong những điểm mới đáng chú ý của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP là điều chỉnh tăng mức xử phạt đối với 218 hành vi, nhóm hành vi về quy tắc giao thông; 18 hành vi, nhóm hành vi vi phạm quy định về phương tiện, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; 29 hành vi, nhóm hành vi vi phạm quy định về vận tải đường bộ; 22 hành vi, nhóm hành vi vi phạm về trách nhiệm của chủ phương tiện, đăng kiểm phương tiện…. Đây đều là những hành vi có tính chất nguy hiểm, là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông. Đặc biệt, đối với hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, mức xử phạt cao nhất đối với người điều khiển xe ôtô từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng; đối với người điều khiển xe môtô từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng; người điều khiển xe đạp, xe thô sơ từ 400-600 nghìn đồng nhằm đảm bảo tính răn đe, nâng cao hiệu quả việc chấp hành quy định của pháp luật về giao thông đường bộ.

Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông-Bộ Công an, tính đến ngày 03/01/2020, kết quả 02 ngày đầu xử phạt theo Nghị định mới, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã kiểm tra, phát hiện xử lý 6.527 trường hợp vi phạm; phạt tiền 6 tỷ 214 triệu đồng; tạm giữ 926 xe môtô, tước 824 giấy phép lái xe các loại. Theo báo cáo chưa đầy đủ, xử lý 248 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền 545 triệu đồng.

Có thể thấy, sự nỗ lực, quyết liệt trong áp dụng quy định của Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP đã tạo tính răn đe, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân khi tham gia giao thông nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe của chính mình và những người xung quanh. Thời gian tới, cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật và Nghị định đến đông đảo quần chúng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, báo đài, mạng xã hội, tuyên truyền miệng… Đồng thời, lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, chốt chặn và kiểm tra nồng độ cồn trên các tuyến giao thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi vi phạm theo quy định. Có như vậy, mới đảm bảo Luật và Nghị định thực sự đi sâu và phát huy tác dụng trong thực tiễn đời sống, đảm bảo tính nghiêm minh, răn đe, tạo chuyển biến tích cực rõ nét đối với tình trạng đã sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông, hạn chế sự hoành hành của “thần men” kéo theo những tai nạn thương tâm không đáng có.

Khánh Vi