A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phòng, chống tác hại rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông

Luật phòng, chống tác hại của rượu bia ra đời là chế tài xử lý nghiêm khắc đối với ảnh hưởng, tác động có hại của rượu, bia đối với sức khỏe con người, gia đình, cộng đồng, an toàn giao thông, trật tự, an toàn xã hội, kinh tế và các vấn đề xã hội khác. Trong đó, điểm nhấn này sẽ góp phần quan trọng giảm thiểu tình trạng tai nạn giao thông do rượu bia đang là vấn đề khá nan giải ở Việt Nam hiện nay.

C:\Users\Administrator\Desktop\tải xuống.jpg

Từ ngày 01/01./2020, người điều khiển phương tiện giao thông không được uống rượu bia trước và trong khi lưu thông

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á về số người chết do tai nạn giao thông. Thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy năm 2018, toàn quốc có gần 25.000 người bị chết do tai nạn giao thông; 4 tháng đầu năm 2019, cả nước xảy ra 5.453 vụ tai nạn giao thông, làm 2.570 người chết, gần 4.200 người bị thương. Đáng nói trong số đó có đến 40% số vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia, có những vụ việc đã trở thành nỗi ám ảnh cho cộng đồng.

Tác hại của “thần men” khi tham gia giao thông là không thể lường trước được. Nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra do rượu, bia đã trở thành nỗi đau của nhiều gia đình và cộng đồng xã hội. Trong khi đó, trong đời sống hằng ngày, rượu bia đã trở thành thức uống xuất hiện phổ biến trong các bữa cơm, tiệc tùng, liên hoan, nhất là dịp Lễ, Tết. Vì vậy, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông do rượu, bia luôn “rình rập” trên những tuyến đường giao thông.

Từ những yêu cầu bức thiết của tình hình thực tiễn, ngày 14/6/2019, kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia gồm 07 chương, 36 điều quy định biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia; biện pháp quản lý việc cung cấp rượu, bia; biện pháp giảm tác hại của rượu, bia; điều kiện bảo đảm cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Tại khoản 8 Điều 8, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chỉ nghiêm cấm:

– Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

– Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở.

Như vậy, trước đây, người đi xe máy uống rượu, bia có nồng độ cồn dưới 50mg/100ml máu hoặc 0,25mg/lít khí thở; người đi xe đạp, xe xích lô… uống rượu, bia thì không bị coi là vi phạm pháp luật và không bị xử phạt.

Hiện nay, tại Điều 5, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia, trong đó đáng lưu ý với hành vi “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”; khoản 1, Điều 21 tiếp tục khẳng định lại “Người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông”. Theo đó từ ngày 01-01-2020, chỉ có người đi bộ mới được tham gia giao thông sau khi uống rượu, bia.

Sự ra đời của Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia; đặc biệt, quy định cụ thể về hành vi nghiêm cấm uống rượu bia đối với người điều khiển phương tiện giao thông trước và trong khi lưu thông là hết sức cần thiết hiện nay, giúp nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông đường bộ của mỗi người dân, góp phần quan trọng giảm nhẹ những “nỗi lo” tham gia giao thông của mỗi gia đình và cả cộng đồng xã hội.

Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả áp dụng của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01-01-2020, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung quy định của Luật bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như tuyên truyền lưu động trên đường phố; thông qua các buổi sinh hoạt chính trị tại khu dân cư; qua các buổi phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc… Lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra kiểm soát trên các tuyến giao thông, siết chặt việc kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện giao thông, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh, xử lý hành vi vi phạm theo luật định.

Khánh Vi