A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phòng CSGT Kon Tum – Năm mới cùng nhiệm vụ mới

 

Lực lượng CSGT Phòng tỉnh Kon Tum đã đề ra những kế hoạch cụ thể để ứng phó kịp thời với các hành vi vi phạm luật giao thông có thể xảy ra sắp tới.

Làm nhiệm vụ của những người canh giữ các cung đường, không chỉ là tập trung kiểm tra xử phạt, mà quan trọng hơn hết nhiệm vụ của một người CSGT là sẵn sàng giúp đỡ người dân tham gia giao thông trong các trường hợp khẩn cấp gần như liên tục tiếp nối nhau. Đối với lực lượng CSGT tỉnh Kon Tum, khó khăn lại như nhân lên mấy lần, do đó, để theo kịp tình hình, Phòng CSGT Kon Tum đã đề ra kế hoạch về kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn.

phong-csgt-pc67-kon-tumnam-moi-cung-nhiem-vu-moi

Đại tá Lê Đình Toàn – Trưởng phòng CSGT Kon Tum.

Để đối phó với tình hình giao thông có thể trở nên phức tạp trong khoảng thời gian tới, Phòng CSGT kon Tum nhanh chóng xây dựng kế hoạch kiểm soát, xử lý vi phạm dựa trên việc thực hiện Kế hoạch số 226/KH-BCA-C67 ngày 01/8/2016 của Bộ Công an, Kế hoạch số 1554/KH-CAT-PC67 ngày 22/8/2016 của Công an tỉnh về tuyên truyền, vận động và xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ giai đoạn 2016-2020 của lực lượng CAND; Kế hoạch số 1778/KH-CAT-PC67 ngày 26/9/2016 của Công an tỉnh về kiểm soát, xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ.

Mục đích của kế hoạch cũng như nhiệm vụ này là phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, tạo chuyển biến về nhận thức và hành động của người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ, góp phần ổn định tình hình TTATGT, kiềm chế các vụ TNGT có liên quan đến sử dụng rượu bia.

Bên cạnh việc xử lý nghiêm vi phạm, thì mục tiêu chính của lực lượng CSGT Kon Tum là có thể tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của quần chúng nhân dân và người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ trong công tác xử lý vi phạm của lực lượng Công an, tự giác chấp hành, không vi phạm quy định về nồng độ cồn, góp phần cùng cơ quan chức năng giữ ổn định tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh.

Nói như vậy, bởi vì so với việc xử lý vi phạm chỉ giải quyết được phần ngọn, thì nâng cao nhận thức, tạo sự ủng hộ của nhân dân chính là giải quyết từ gốc rễ vấn đề, đưa lại hiệu quả về lâu dài, đây là nhận định đúng đắn và sáng suốt của lãnh đạo phòng CSGT.

Đồng thời, lãnh đạo đơn vị, chỉ huy các đội, trạm cũng tăng cường công tác chỉ đạo, quán triệt CBCS nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của đợt xử lý chuyên đề này, nâng cao tinh thần trách nhiệm, chấp hành nghiêm quy trình, quy định công tác, giữ vững lễ tiết tác phong, kiên quyết và linh hoạt khi giải quyết vụ việc.

Có thể nói, công việc của người CSGT là rất nhạy cảm, khó khăn và hay bị nhân dân chú ý. Các chiến sĩ CSGT hằng ngày phải tiếp xúc với nhân dân, lại ở khía cạnh liên quan đến việc hướng dẫn, xử phạt, giải quyết tranh chấp giao thông… Ranh giới của đúng, sai có những điều rất mong manh, tế nhị, rất thấu đáo về luật, mới minh tường trong vận dụng, thông suốt. Phải nói, đây là một công việc rất khó.

Vì vậy, trong khi làm nhiệm vụ, các CBCS CSGT Kon Tum luôn được quán triệt tự mình nâng cao tinh thần trách nhiệm, không lơ là gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh người CSGT. Để đảm bảo hoàn thành kế hoạch đã đề ra, đối với chuyên đề xử lý vi phạm về nồng độ cồn, lực lượng CSGT Kon Tum tập trung tổ chức điều tra cơ bản, nắm tình hình, khảo sát địa bàn, tuyến giao thông và các điểm có nhiều quán ăn uống, nhà hàng, điểm dừng chân… nắm quy luật về thời gian, tuyến đường có nhiều người tham gia giao thông sau khi sử dụng rượu, bia, từ đó xác định thời gian để tiến hành kiểm tra (tập trung vào khoảng thời gian sau bữa ăn sáng, trưa, tối…), lựa chọn vị trí trên tuyến giao thông thuận lợi cho việc tổ chức triển khai kiểm soát xử lý vi phạm, đảm bảo các điều kiện về mặt bằng rộng để khi dừng phương tiện kiểm soát không gây ùn tắc giao thông.

Trong quá trình làm nhiệm vụ, lực lượng CSGT quán triệt tinh thần, thực hiện xử lý nghiêm hành vi người điều khiển ô tô sử dụng rượu bia, người điều khiển mô tô, xe gắn máy sử dụng rượu bia quá nồng độ quy định.

Về địa bàn, tập trung xử lý tại các tuyến, địa bàn phức tạp về tình hình này như: nội thành phố, thị trấn, các khu vực, tuyến đường kinh doanh nhà hàng, ăn uống, karaoke; thời gian cao điểm sau bữa ăn sáng, trưa, chiều. Kiên quyết cưỡng chế thi hành đối với các trường hợp người vi phạm cố tình cản trở, chống đối.

Bên cạnh đó, để nâng cao nhận thức người dân, hỗ trợ cho quá trình làm nhiệm vụ, phòng Kon Tum phối hợp chặt chẽ với Đài PTTH tỉnh, Báo Kon Tum, Trang thông tin điện tử Công an tỉnh, Đài PTTH các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyên về chuyên đề TTKS, XLVP quy định về nồng độ cồn; tác hại của việc sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện; hậu quả của các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do sử dụng rượu, bia gây ra…; tuyên truyền tại các chốt kiểm tra nồng độ cồn đến người dân.

Mỗi người dân tham gia giao thông đều cần đến vai trò của người CSGT, đặc biệt là trong những hoàn cảnh khó khăn, ngặt nghèo, bởi không có ai là ngoại lệ, bất kì rủi ro nào cũng có thể xảy ra.

Để bảo vệ cho sự bình yên trên các cung đường, các chiến sĩ CSGT luôn chủ động, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả trong công tác, chiến đấu. Mỗi người dân, cần phải có cái nhìn cận cảnh về công việc vất vả, đầy áp lực cũng không kém phần hiểm nguy để có thể cảm thông, chia sẻ và ghi nhận những đóng góp của các anh trong sự nghiệp bảo vệ bình yên cuộc sống cho nhân dân. Bởi công việc vất vả này thường xuyên đối mặt với nguy hiểm, đặc biệt là dễ gặp phải sự chống trả của các đối tượng vi phạm đến mức báo động.

Năm mới lại đến, nhiệm vụ càng nhiều, hy vọng trong thời gian tới, các CBCS CSGT Kon Tum có thể luôn giữ vững tinh thần, không sợ khó khăn, luôn là điểm tựa vững chắc cho nhân dân khi tham gia giao thông.


Theo Bảo Phương/KD&PL 

Giadinhphapluat.vn