A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn

Tình trạng người điều khiển phương tiện gây tai nạn giao thông (TNGT) sau khi đã sử dụng rượu, bia vẫn còn diễn ra phổ biến trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Để nâng cao hiệu quả công tác xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn, hạn chế tình trạng TNGT do sử dụng rượu, bia, Công an tỉnh đã xây dựng kế hoạch, mở đợt cao điểm kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm đối với người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ vi phạm quy định về nồng độ cồn.

Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn tỉnh Kon Tum luôn được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt của lãnh đạo Công an tỉnh. Lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) đã triển khai thực hiện nhiều kế hoạch, giải pháp nhằm kiềm chế TNGT, do đó tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Trong 6 tháng đầu năm 2018, TNGT giảm cả ba mặt (giảm 9 vụ, giảm 10 người chết, giảm 02 người bị thương); lực lượng CSGT toàn tỉnh đã ra quân, phát hiện và xử lý 11.535 trường hợp vi phạm, trong đó đã tạm giữ 4.539 phương tiện (32 xe ô tô, 4.501 xe mô tô, xe gắn máy; 6 loại phương tiện khác), 4.553 giấy tờ xe các loại, xử phạt với tổng số tiền là: 6.714.907.000 đ (sáu tỷ bảy trăm mười bốn triệu chín trăm linh bảy nghìn đồng). Qua công tác tuần tra, kiểm soát đã phát hiện 08 vụ vận chuyển pháo các loại; 02 vụ lưu hành phương tiện không rõ nguồn gốc; 03 vụ vận chuyển sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, xuất xứ; 01 vụ cướp tài sản; 01 vụ tàng trữ trái phép chất ma túy; 01 vụ tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng.

Thực hiện theo Kế hoạch số 118/KH-UBATGTQG, ngày 05/4/2018 của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; Kế hoạch số 1252/KH-C67-P9, ngày 13/4/2018 của Cục Cảnh sát giao thông về việc tuyên truyền, xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ năm 2018, Công an tỉnh đã xây dựng kế hoạch “Tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ của lực lượng CSGT năm 2018”.

Sau khi xây dựng kế hoạch, lãnh đạo Công an tỉnh đã chỉ đạo Phòng CSGT phối hợp với Công an các huyện, thành phố đồng loạt ra quân, tăng cường lực lượng, phương tiện tập trung xử lý người điều khiển phương tiện giao thông sau khi sử dụng rượu, bia và chất kích thích. Công tác này sẽ được duy trì kiểm tra thường xuyên, liên tục trong năm 2018 và quý I năm 2019, được chia làm 3 đợt gồm: Đợt 1 từ ngày 16/4 đến 15/5; Đợt 2 từ 16/8 đến 15/9 và Đợt 3 từ ngày 16/12/2018 đến 15/02/2019. Các tuyến đường được tập trung kiểm tra là các tuyến quốc lộ, nội thành phố, thị trấn, các khu vực, tuyến đường có nhiều nhà hàng, quán ăn, karaoke…; thời gian cao điểm tập trung kiểm tra, xử lý từ 12h30’đến 15h00′ và từ 18h00’đến 22h00′ trong ngày. Trong quá trình thực hiện, lực lượng CSGT sẽ kiên quyết cưỡng chế thi hành đối với các trường hợp vi phạm có hành vi cản trở, chống đối, kích động, gây ảnh hưởng đến hoạt động tuần tra, kiểm soát; những trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, lực lượng CSGT sẽ kết hợp với việc tuyên truyền giáo dục, phòng ngừa vi phạm đến các cơ quan, ban ngành và rộng rãi trong quần chúng nhân dân, qua đó góp phần nâng cao ý thức và tự giác chấp hành luật Giao thông đường bộ của mọi người.

Theo thống kê của Phòng CSGT, trong đợt 01 cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 53 trường hợp vi phạm nồng độ cồn vượt quá 0,4mg/1 lít khí thở. Bên cạnh việc kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm, lực lượng CSGT đã phối hợp chặt chẽ với Đài phát thanh truyền hình tỉnh, Báo Kon Tum, Đài phát thanh truyền hình các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền về chuyên đề tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn, tác hại của việc sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện, hậu quả của các vụ TNGT nghiêm trọng do sử dụng rượu, bia gây ra…trong đó, nhấn mạnh các quy định về việc cấm sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông nhằm thay đổi nhận thức, hành vi của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Qua đó, đa số người dân đều nắm được các quy định xử phạt và có ý thức hơn khi điều khiển phương tiện lưu thông trên đường, đặc biệt là không điều khiển các loại phương tiện tham gia giao thông sau khi sử dụng rượu, bia.

Thói quen sử dụng rượu, bia trong giao tiếp, sinh hoạt của người dân còn phổ biến nên tình trạng vi phạm về nồng độ cồn trong khi tham gia giao thông còn cao. Để giảm nguy cơ TNGT nói chung và TNGT do sử dụng rượu, bia nói riêng, thời gian tới, lực lượng CSGT sẽ phối hợp với các cơ quan, ban ngành tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm theo kế hoạch đã đề ra. Bên cạnh đó, hơn ai hết, mỗi người khi tham gia giao thông cần nâng cao ý thức “đã uống rượu bia thì không lái xe”, từ đó nhằm góp phần kiềm chế, giảm thiểu TNGT.


Trung Kiên