A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tập trung xử lý nghiêm vi phạm quy định về nồng độ cồn, điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong cơ thể có chất ma túy

Vi phạm quy định về nồng độ cồn, điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong cơ thể có chất ma túy đã và đang là những nguyên nhân gây ra những vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận xã hội.

http://mt.gov.vn/Images/editor/images/HOA/2019/manh-tay-xu-ly-vi-pham-nong-do-con.png

Lực lượng CSGT kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông (ảnh minh họa)

Theo báo cáo của Cục CSGT, trong 03 năm (từ 2016-2018) lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) toàn quốc đã xử phạt 481.845 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; 06 tháng đầu năm 2016, lực lượng CSGT đã kiểm tra, phát hiện 254 trường hợp người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma tuý và 78.117 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Cũng trong 06 tháng đầu năm 2019, lực lượng CSGT đã trực tiếp và phối hợp phát hiện 33 vụ mua bán, vận chuyển trái phép chất ma tuý, thu giữ 962 bánh heroin, 14,93 kg ma tuý đá, 34 kg ma tuý tổng hợp, 03 kg  và gần 100 nghìn viên ma tuý tổng hợp các loại; riêng lực lượng CSGT Công an tỉnh Kon Tum đã phát hiện 03 vụ tàng trữ trái phép chất ma túy thu 03 gói bột màu trắng (nghi là mua túy), 01 vụ sử dụng trái phép chất ma túy (thu giữ 01 bộ dụng cụ sử dụng ma túy);

Trong thời gian qua, lực lượng CSGT cả nước đã không ngừng nỗ lực, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Chính phủ, Bộ công an giao phó; qua đó, góp phần làm giảm 03 tiêu chí TNGT (số vụ, số người chết, số người bị thương). Tuy nhiên, trong Quý I năm 2019, liên tục xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người mà nguyên nhân xảy ra là do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia, ma túy. Điển hình: Khoảng 15h30 ngày 02/01/2019, tài xế Phạm Thành Hiếu (ngụ xã Thạnh Đức, Bến Lức, Long An) điều khiển xe container tới ngã tư Bình Nhựt (Bến Lức, Long An) đã lao thẳng vào 20 xe máy đang dừng đèn đỏ; hậu quả, làm 03 người tử vong tại chỗ, 01 người tử vong tại bệnh viện, 18 người bị thương, hư hỏng 21 xe máy, kết quả xét nghiệm tài xế Hiếu dương tính với ma túy.

Theo các nghiên cứu gần đây cho thấy: Uống rượu, bia trước khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện dễ hưng phấn, chạy xe với tốc độ cao; rượu bia là nguyên nhân trực tiếp làm giảm tốc độ phản ứng của lái xe từ 10-30%, làm giảm khả năng điều khiển tự chủ, phản xạ…; sử dụng các chất ma túy sẽ bị hưng phấn quá độ, dễ mất kiểm soát về thần kinh dẫn đến gia tăng mức độ rủi ro và TNGT.

Việc các lái xe sử dụng ma túy khi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ là hành vi bị cấm, được quy định trong Luật giao thông đường bộ năm 2008. Theo quy định tại khoản 7 Điều 8 Luật này thì nghiêm cấm hành vi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà trong cơ thể có chất ma túy. Nếu bị phát hiện hành vi sử dụng chất ma túy, người điều khiển xe sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7 Nghị định 46/2016/NĐ-CP.

(1) Đối với người điều khiển, người được chở trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô mà trong cơ thể có chất ma túy sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng (trong trường hợp có Giấy phép lái xe) hoặc phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng (trong trường hợp không có Giấy phép lái xe hoặc có nhưng đang bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe).

(2) Đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy thì sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng (trong trường hợp có Giấy phép lái xe) hoặc phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng (trong trường hợp không có Giấy phép lái xe hoặc có nhưng đang bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe).

(3) Đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 22 tháng đến 24 tháng (trong trường hợp có Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ) hoặc phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng (trong trường hợp không có Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ hoặc có nhưng đang bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ) khi điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy.

Đối với hành vi vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông cũng sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7 Nghị định 46/2016/NĐ-CP

(1) Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô:

– Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng. Trong trường hợp gây ra tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 đến 04 tháng.

– Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 03 tháng đến 05 tháng.

– Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; Hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ. Người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 04 tháng đến 06 tháng.

(2) Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy:

–  Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Hình phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.

– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với người điều khiển xe không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy, nồng độ cồn của người thi hành công vụ; Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Hình phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 03 tháng đến 05 tháng

(3) Đối với người điều khiển xe máy kéo, xe máy chuyên dùng:

– Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Hình phạt bổ sung bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 01 tháng đến 03 tháng.

– Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Hình phạt bổ sung bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 01 tháng đến 03 tháng. Trong trường hợp gây ra tai nạn thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 02 tháng đến 04 tháng.

– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy, nồng độ cồn của người thi hành công vụ. Hình phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 02 tháng đến 04 tháng.

Mặc dù các lực lượng chức năng đã nỗ lực kéo giảm tai nạn trên cả 03 tiêu chí nhưng vẫn xảy ra những vụ TNGT hết sức đau lòng; do đó các lực lượng chức năng cần phải tập trung đẩy mạnh hơn nữa các mặt công tác đảm bảo TTATGT. Tại Hội nghị tham gia ý kiến về các giải pháp phòng ngừa ngăn chặn tình trạng chống người thi hành công vụ trong công tác bảo đảm TTATGT, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn cũng chỉ rõ cần tập trung xử lý nhóm hành vi vi phạm gây nguy hiểm cho xã hội và cho chính CSGT như sử dụng ma tuý, rượu bia khi tham gia giao thông; vượt quá tốc độ quy định.

Vì vậy, để kéo giảm TNGT, các lực lượng chức năng cần phải huy động mọi lực lượng, triển khai đồng bộ các biện pháp công tác; trong đó, tập trung ở các giải pháp xử lý các hành vi vi phạm về nồng độ cồn, điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong có thể có chất ma túy.

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục về TTATGT. Trong đó, chú ý tuyên truyền tác hại của ma túy, việc lạm dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với các hình thức phù hợp như treo panô, áp phích, đăng tải các tin, bài, xây dựng các phóng sự, giao lưu, nói chuyện chuyên đề đi đôi với xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật về nồng độ cồn, sử dụng ma túy. Hướng dư luận vào việc lên án các hành vi sử dụng ma túy, lạm dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông nhằm tạo hiệu ứng xã hội đồng tình ủng hộ trong việc xử lý các vi phạm này.

Hai là, nâng cao hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát giao thông, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn đối với lái xe trong các dịp nghỉ lễ dài ngày, các thời kỳ cao điểm về hoạt động lễ hội, du lịch tại từng địa phương; bảo đảm các điều kiện trang thiết bị, vật dụng phục vụ công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn và chất ma túy.

Ba là, lực lượng CSGT đường bộ phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra, kiên quyết điều tra làm rõ và xử lý nghiêm về pháp luật các vụ việc người điều khiển phương tiện vi phạm quy định về nồng độ cồn, điều khiển phương tiện mà trong cơ thể có chất ma túy gây TNGT. Phối hợp với các cơ quan chức năng xét xử lưu động các vụ án điển hình.

Bốn là, đề xuất nâng mức phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong cơ thể có chất ma túy để đảm bảo tính răn đe, giáo dục trong Nhân dân.

Thái Ngân