A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Từ ngày 01/01/2020, nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn

Ngày 14/6/2019, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia bao gồm 07 chương, 36 điều và có hiệu lực từ ngày 01/01/2020.

Description: CSGT kiểm tra nồng độ cồn “siêu nhanh”

Lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện giao thông (nguồn: baoquangninh.com.vn)

Luật này quy định biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia; biện pháp quản lý việc cung cấp rượu, bia; biện pháp giảm tác hại của rượu, bia; điều kiện bảo đảm cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Theo đó, Luật quy định những hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia là: Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi; sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập; quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên; cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khỏe; khuyến mại trong hoạt động kinh doanh rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên; sử dụng rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức; sử dụng nguyên liệu, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến không được phép dùng trong thực phẩm; nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không bảo đảm chất lượng và không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sản xuất, pha chế rượu, bia; kinh doanh rượu không có giấy phép hoặc không đăng ký; bán rượu, bia bằng máy bán hàng tự động; kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển rượu, bia giả, nhập lậu, không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhập lậu rượu, bia… Đáng chú ý là quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông khi trong máu hoặc hơi thở có chứa nồng độ cồn.

Như vậy, không chỉ việc cấm điều khiển ôtô khi có nồng độ cồn theo các quy định trước đây, kể từ ngày 01/01/2020, mọi hành vi điều khiển phương tiện phương tiện giao thông, bao gồm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (ôtô, máy kéo, xe máy, xe máy điện, môtô) và phương tiện giao thông thô sơ đường bộ (xe đạp, xích lô, xe lăn, xe súc vật kéo) cũng sẽ bị nghiêm cấm.

Việc chính thức ban hành “Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia” cũng đã dẫn tới việc phải sửa đổi một số quy định hiện hành. Theo đó, Điều 8, Khoản 8 của Luật Giao thông đường bộ 2008 được sửa đổi thành: Nghiêm cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Xây dựng và ban hành Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia là một yêu cầu cấp thiết để góp phần hạn chế gánh nặng do tác hại của rượu, bia gây ra đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.

Thái Ngân