A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông của lực lượng Cảnh sát giao thông giai đoạn 2019-2021

“Cảnh sát giao thông vì bình yên những tuyến đường” là chủ đề xuyên suốt trong công tác tuyên truyền của lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) giai đoạn 2019-2021.

http://www.csgt.vn/lib/ckfinder/images/Nam%202019/Thang%206/26-6/hanoi.jpg

Hình ảnh đẹp của lực lượng CSGT trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 (nguồn: csgt.vn)

Với mục đích đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT), vận động toàn dân tham gia bảo đảm TTATGT gắn với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông; nâng cao vai trò, vị trí của lực lượng CSGT trong hoạt động quản lý nhà nước về bảo đảm TTATGT, tạo thiện cảm và đồng thuận của dư luận, Nhân dân đối với toàn lực lượng CSGT…, giai đoạn 2019-2021, công tác tuyên truyền tập trung vào 03 nhóm đối tượng gồm: Người điều khiển xe khách; xe tải chở hàng, container; mô tô, xe gắn máy.

Nội dung tuyên truyền bám sát chủ đề của năm An toàn giao thông do Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phát động, thường xuyên cập nhật những văn bản quy phạm pháp luật về giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa; chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an, Cục CSGT, Ủy ban nhân dân, Ban An toàn giao thông địa phương đối với công tác bảo đảm TTATGT; căn cứ vào tình hình thực tiễn hoạt động TTATGT trong cả nước và nổi lên tại địa bàn để lựa chọn các chủ đề tuyên truyền pháp luật giao thông phù hợp. Ngoài những nội dung tuyên truyền chung, giai đoạn 2019-2021 tập trung vào những nội dung sau:

Đối với đường bộ, tuyên truyền về trách nhiệm của công dân và ý thức thượng tôn pháp luật của người lái xe thông qua phân tích các hành vi vi phạm TTATGT phổ biến; nguyên nhân, hậu quả của những vụ TNGT điển hình; những nhận thức về tác hại của rượu bia, ma túy đối với người điều khiển phương tiện cơ giới khi tham gia giao thông, nguy hiểm khi chạy quá tốc độ quy định khi tham gia giao thông và không giữ khoảng cách an toàn, tác dụng của đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy…; hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm của lực lượng CSGT, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trên các tuyến giao thông của lực lượng CSGT…

Đối với đường sắt, tuyên truyền an toàn khi vượt qua đường sắt, đường ngang không có cảnh giới; giữ gìn hành lang an toàn giao thông đường sắt…

Đối với đường thủy, tuyên truyền phương tiện tham gia giao thông đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; mặc áo phao, sử dụng dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân khi đi trên phương tiện chở khách ngang sông, phòng chống tai nạn đuối nước…

Hình thức tuyên truyền phải phù hợp với từng đối tượng, địa bàn cụ thể; trong đó, có phối hợp, xen kẽ giữa hình thức tuyên truyền truyền thống (thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức hội thi, tọa đàm; vận động người dân ký cam kết đảm bảo TTATGT…) với nghiên cứu, triển khai những hình thức mới như: Tăng cường ghi nhận và trao đổi thông tin về công tác bảo đảm TTATGT, hoạt động của lực lượng CSGT qua tin nhắn điện thoại, internet, mạng xã hội; tuyên truyền trên Trang thông tin điện tử của Cục CSGT, Công an tỉnh, thành phố hoặc Phòng CSGT (nếu có)…; xây dựng Trang thông tin điện tử CSGT (gồm Cục CSGT và CSGT các địa phương) đáp ứng yêu cầu thông tin của người dân từ pháp luật, kỹ năng, kỹ thuật điều khiển phương tiện tham gia giao thông, cải cách hành chính của lực lượng CSGT; xây dựng video ngắn (20-30 phút), mỗi video chuyển tải một thông điệp về TTATGT, mời người nổi tiếng, người có ảnh hưởng đến cộng đồng (hoa hậu, cầu thủ, diễn viên…) tham gia đóng trong video để chuyển tải thông điệp tạo sức lan tỏa trong cộng đồng; xây dựng bộ “Kỹ năng tham gia giao thông an toàn” để truyền thông tới các nhóm đối tượng định sẵn (giai đoạn 2019-2021 tập trung xây dựng kỹ năng cho 03 nhóm đối tượng là người điều khiển xe khách; xe tải chở hàng, container; mô tô, xe gắn máy)

Bên cạnh đó, tập trung tuyên truyền xây dựng hình ảnh lực lượng CSGT: Biên soạn nội dung ngắn gọn, súc tích về vai trò, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của lực lượng CSGT để tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội; thiết kế, in logo thông tin số điện thoại trực ban, địa chỉ đơn vị CSGT dán trên phương tiện giao thông, nơi công cộng… giúp mọi người hiểu về lực lượng CSGT với toàn bộ chức năng, nhiệm vụ, từ đó cảm thông, chia sẻ với những khó khăn, nguy hiểm, vất vả, tinh thần dũng cảm của lực lượng CSGT; đẩy mạnh tuyên truyền gương người tốt, việc tốt của lực lượng CSGT với phương châm “CSGT vì bình yên những tuyến đường”…

Chủ đề truyền thông hàng năm được xác định như sau: Năm 2019 triển khai các hoạt động truyền thông theo chủ đề phòng ngừa vi phạm về nồng độ cồn và ma túy, đi đúng tốc độ, làn đường, tránh vượt đúng quy định đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông; năm 2020 truyền thông phòng ngừa những vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông, kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống của lực lượng CSGT (21/02/1946-21/02/2021); năm 2021 tiếp tục truyền thông phòng ngừa, ngăn chặn những vi phạm về TTATGT nổi lên tại thời điểm, đưa những hình ảnh đẹp, việc làm tốt của lực lượng CSGT tới cộng đồng.

Thái Ngân