A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum chỉ đạo xử lý vi phạm hành lang an toàn đường bộ đến năm 2020

Trong năm 2019, 2020 kiên quyết xử lý đối với các trường hợp vi phạm trật tự hành lang an toàn đường bộ trên các tuyến Quốc lộ, Tỉnh lộ từ năm 2013 trên địa bàn tỉnh – Là một nội dung chỉ đạo của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Kon Tum chỉ đạo xử lý vi phạm hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn tỉnh.

Tháo dỡ công trình vi phạm hành lang an toàn giao thông (ảnh minh họa)

Thời gian qua, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyền truyền các quy định pháp luật giao thông, quy định về đảm bảo trật tự hành lang an toàn đường bộ trong Nhân dân và tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ đối với các trường hợp vi phạm hành lang an toàn đường bộ các tuyến Quốc lộ, Tỉnh lộ và đã đạt được một số kết quả tích cực: Tổng số trường hợp vi phạm hành lang an toàn đường bộ từ năm 2014 đến nay là 1.501; trong đó, đã tuyên truyền, vận động tực giác tháo dỡ 848 trường hợp, cưỡng chế tháo dỡ 70 trường hợp, còn tồn tại 583 trường hợp góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ giai đoạn 2014-2020 trên địa bàn tỉnh và tiếp tục triển khai thực hiện Kết luận số 45-KL/TW ngày 01/02/2019 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông; Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 21/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch xử lý vi phạm hành lang an toàn đường bộ đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh.

Với mục tiêu duy trì kết quả đã thực hiện được trong giai đoạn 2014 đến nay, và tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm thực hiện việc lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ đối với hệ thống đường Quốc lộ, Tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh đảm bảo hiệu quả, phù hợp với thực tế và các quy định của pháp luật hiện hành; nâng cao nhận thức của toàn xã hội về tầm quan trọng của hành lang, quản lý hành lang an toàn đường bộ và lập lại trật tự, kỷ cương theo quy định của pháp luật trong việc quản lý, bảo vệ hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn tỉnh; tổ chức cưỡng chế, giải tỏa các công trình xây dựng trái phép trong hành lang an toàn đường bộ và các đường nhánh đấu nối trái phép vào các tuyến Quốc lộ, Tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh. Nội dung của Kế hoạch tập trung vào những nội dung sau:

Thứ nhất, Các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác quản lý, bảo vệ hành lang an toàn đường bộ để người dân biết, tự giác chấp hành.

Thứ hai, UBND các huyện, thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan giải tỏa triệt để đối với các trường hợp vi phạm hành lang an toàn đường bộ từ năm 2013 đã được lực lượng Thanh tra Giao thông lập Biên bản vi phạm hành chính và chuyển cho UBND các huyện, thành phố xử lý theo quy định; chỉ đạo các phòng, ban liên quan và chính quyền địa phương cấp xã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời ngăn chặn và xử lý đối với trường hợp vi phạm, không để phát sinh trường hợp vi phạm mới.

Thứ ba, Sở Giao thông vận tải phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, rà soát các mốc lộ giới để xác định giới hạn phần đất của đường bộ, phần đất hàng lang an toàn đường bộ trên đường Hồ Chí Minh, các Quốc lộ 24, 40, 14C, 40B và các Tỉnh lộ để lập dự toán kinh phí cắm mốc lộ giới bổ sung trình Tổng cục Đường bộ Việt Nam (đối với Quốc lộ) và UBND tỉnh (đối với Tỉnh lộ) xem xét, quyết định làm cơ sở để triển khai thực hiện; tổ chức cắm bổ sung mốc lộ giới, bàn giao cho UBND các xã có đường Quốc lộ, Tỉnh lộ đi qua địa bàn để quản lý và làm cơ sở xử lý vi phạm theo đúng quy định.

Thái Ngân