A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kết quả thực hiện Nghị quyết số 99 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về phòng cháy và chữa cháy, giai đoạn 2020-2022

Từ tháng 01/2020 đến tháng 12/2022, toàn tỉnh xảy ra 41 vụ cháy tại nhà dân, nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh, cơ sở sản xuất, công trình công cộng và công trình khác.

Thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14 ngày 27 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về phòng cháy và chữa cháy, giai đoạn 2020-2022, cấp ủy, chính quyền địa phương đã kịp thời phổ biến quán triệt, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả các văn bản của Trung ương về lĩnh vực PCCC và CNCH trên địa bàn tỉnh. Trong những năm qua, công tác PCCC và CNCH đã có nhiều chuyển biến tích cực, tình hình cháy, nổ có xu hướng giảm về số vụ cháy, không để xảy ra vụ cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương và các doanh nghiệp, tổ chức xã - hội trên địa bàn tỉnh đã tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về PCCC. Hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về PCCC được nâng lên, công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm quy định về PCCC được tăng cường. Các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn cháy lớn được đẩy mạnh; công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC được chú trọng đổi mới cả về nội dung lẫn hình thức và biện pháp; cán bộ, nhân dân và người đứng đầu cơ sở đã ý thức rõ hơn về trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với công tác PCCC.

Công an tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai tuyên truyền công tác PCCC và CNCH bằng hình thức tuyên truyền trực tiếp, huấn luyện nghiệp vụ về PCCC và CNCH; lồng ghép trong các cuộc họp, sinh hoạt và công tác nghiệp vụ (kiểm tra, cấp căn cước công dân...); phát trên loa phát thanh, màn hình nơi công cộng; tuyên truyền lưu động; viết tin, bài gửi Trang thông tin điện tử Công an tỉnh, mạng xã hội (facebook, zalo của đơn vị); phát tờ rơi, tài liệu, khuyến cáo đến người dân. Bên cạnh đó, quán triệt cán bộ chiến sĩ thường xuyên tương tác, chia sẻ nội dung và thực hiện tốt việc đảm bảo an ninh thông tin, giao tiếp, điều lệnh khi tham gia tuyên truyền trên không gian mạng. Giai đoạn 2020 - 2022, đã tuyên truyền trực tiếp 7.209 lượt với 145.712 người tham gia; tổ chức 45 lớp bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ PCCC và CNCH với 2.969 người tham gia; đăng phát 138 lượt phát thanh, màn hình công cộng; phát 12.120 tờ rơi, tài liệu, khuyến cáo an toàn PCCC; 119 lượt tuyên truyền lưu động; viết 566 tin, bài, video đăng trên Trang thông tin điện tử Công an tỉnh, mạng xã hội, 03 tin trên Trang thông tin điện tử Cục Cảnh sát PCCC và CNCH; ký 131.381 lượt cam kết đảm bảo an toàn PCCC.

https://congan.kontum.gov.vn/upload/105000/fck/thaingan/2023_05_15_15_17_175.png

Lực lượng chức năng Công an tỉnh tổ chức thực tập Phương án PCCC và CNCH cho lực lượng PCCC cơ sở

https://congan.kontum.gov.vn/upload/105000/fck/thaingan/2023_01_11_22_47_501.jpg

Hình ảnh cán bộ đang hướng dân công dân ký cam kết đảm bảo an toàn PCCC

Triển khai sử dụng ứng dụng App “Báo cháy 114” với số lượt cài đặt App “Báo cháy” là 3.195 lượt và vận động người dân quan tâm tài khoản Zalo “Cục Cảnh sát PCCC và CNCH”.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức treo 1.712 pano, khẩu hiệu, khuyến cáo về PCCC và CNCH; xây dựng 18 phóng sự, 09 tin tuyên truyền về công tác PCCC và CNCH phát trên chuyên mục “An ninh Kon Tum”; 18 bài viết đăng trên Báo Kon Tum; thực hiện in và phát hành 29.438 tờ rơi tuyên truyền về PCCC và CNCH đối với các đối tượng là hộ gia đình, hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh; phối hợp với Công ty điện lực Kon Tum gửi 115.343 lượt tin nhắn SMS về đảm bảo an toàn điện đến người dân; dán 12.000 bản hướng dẫn đảm bảo an toàn PCCC và CNCH trên các sản phẩm của doanh nghiệp…

Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã chỉ đạo, phát động phong trào toàn dân tham gia công tác PCCC gắn với xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và phương châm bốn tại chỗ (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ), đưa công tác PCCC và CNCH trở thành nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Trên địa bàn tỉnh đã thành lập và duy trì hoạt động của 756 Đội dân phòng thuộc 756 thôn, tổ dân phố với 7.698 thành viên; 1.112 Đội PCCC cơ sở với 5.123 thành viên; 03 Đội PCCC chuyên ngành với 117 đội viên.

Xây dựng và duy trì hoạt động 05 mô hình phong trào toàn dân tham gia PCCC; 89 tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh…

 

https://congan.kontum.gov.vn/upload/105000/fck/thaingan/2023_04_24_14_31_032.png

Lực lượng chức năng Công an tỉnh tuyên truyền công tác PCCC và CNCH tại các trường học

https://congan.kontum.gov.vn/upload/105000/fck/thaingan/2023_05_24_02_25_491.png

Lực lượng chức năng Công an tỉnh hướng dẫn nhân dân cách sử dụng các phương tiện chữa cháy ban đầu tại các "Điểm chữa cháy công cộng"

Công tác thanh tra, kiểm tra PCCC được chú trọng. Thành lập 03 Đoàn thanh tra về việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC tiến hành thanh tra, kiểm tra tổng số 44 lượt đơn vị, cơ sở; tham gia 02 Đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra tổng số 26 lượt cơ sở trên địa bàn tỉnh. Qua đó đã giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn tại, thiếu sót, xử lý những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong công tác phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở. Tổ chức kiểm tra an toàn PCCC và CNCH đối với 4.190 lượt cơ sở, lập 4.190 biên bản kiểm tra, phát hiện tổng số 7.505 lượt tồn tại, thiếu sót. Qua kiểm tra, lập 127 biên bản vi phạm hành chính về phòng cháy, chữa cháy, phạt tiền 780,708 triệu đồng nộp vào ngân sách Nhà nước, ban hành 05 quyết định tạm đình chỉ, 03 quyết định đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy.

Việc cải tạo, quy hoạch, xây dựng mới khu công nghiệp, đô thị, khu dân cư, chợ, chung cư cao tầng, trung tâm thương mại đã được các sở, ban, ngành chức năng quan tâm và có sự phối hợp chặt chẽ với lực lượng Cảnh sát PCCC thẩm định, phê duyệt về thiết kế và thiết bị PCCC trước khi xây dựng theo quy định của pháp luật. Thực hiện rà soát các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước Luật PCCC, các cơ sở chưa được nghiệm thu đã đưa vào hoạt động. Qua rà soát, trên địa bàn tỉnh không có cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC đã đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC năm 2001 có hiệu lực; có 18 dự án, công trình chưa được nghiệm thu đã đưa vào sử dụng, đến nay 03 công trình đã khắc phục và đưa vào hoạt động, 15 công trình đã cam kết khắc phục trong thời gian tới. Thực hiện đăng tải thông tin 15 công trình vi phạm trên Trang thông tin điện tử Công an tỉnh; xử phạt vi phạm hành chính đối với 04 công trình, tạm đình chỉ hoạt động 03 công trình, đình chỉ hoạt động 01 công trình và phục hồi hoạt động 02 công trình.

Theo đó, từ tháng 01/2020 đến tháng 12/2022, toàn tỉnh xảy ra 41 vụ cháy tại nhà dân, nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh, cơ sở sản xuất, công trình công cộng và công trình khác; trong đó: 29 vụ do lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (viết tắt là PCCC và CNCH) tham gia cứu chữa và 12 vụ cháy do lực lượng tại chỗ tự dập tắt, 07 vụ cháy rừng. Thiệt hại do cháy gây ra: làm 02 người chết, 05 người bị thương; thiệt hại 14,552 tỷ đồng và 35,04 ha rừng. So sánh với cùng kỳ 2017-2019: Số vụ cháy giảm 07 vụ (- 14,6%, 41/48 vụ), số vụ cháy rừng giảm 04 vụ (-57,2%, 03/07 vụ). Thiệt hại: Số người chết tăng 02 người (+100%, 02/0 người), số người bị thương tăng 05 người (+100%, 05/0 người) và thiệt hại về tài sản ước tính tăng 2,392 tỷ đồng (+19,7%, 14,552/12,16 tỷ đồng).

Phân tích tình hình cháy cho thấy: Nguyên nhân: Do sơ xuất, bất cẩn trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt 10 vụ; do vi phạm quy định về PCCC 02 vụ; do sự cố hệ thống, thiết bị điện 23 vụ; do cháy lan 01 vụ; do sét đánh 02 vụ; nguyên nhân khác 01 vụ; chưa rõ nguyên nhân 02 vụ. Địa bàn: Thành thị 23 vụ (chiếm 56%) và nông thôn 18 vụ (chiếm 44%). Thành phần kinh tế: Nhà nước 04 vụ và tư nhân 37 vụ; Về loại hình xảy ra cháy: Nhà ở đơn lẻ 15 vụ; cơ sở sản xuất, kinh doanh 09 vụ; nhà để ở kết hợp kinh doanh 05 vụ; phương tiện giao thông 01 vụ; rừng 07 vụ; loại hình khác 11 vụ. Tổng số vụ sự cố liên quan tới cháy: 29 vụ

Tình hình nổ: Không xảy ra. So sánh với cùng kỳ năm 2018, 2019 không tăng, giảm.

Đánh giá tình hình cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng: Xảy ra 04 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng (chiếm 8,33%, 04/48 vụ), làm 02 người chết, 02 người bị thương, thiệt hại về tài sản khoảng 09 tỷ đồng (chiếm 61,85%, 9/14,552 tỷ đồng); không xảy ra vụ cháy lớn. Các vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng thường xảy ra ở nhà dân, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh nên khi cháy thường gây thiệt hại về người và tài sản. Bên cạnh đó, các vụ cháy thường xảy ra vào thời điểm người dân đi ngủ hoặc không có người hoạt động bên trong; nguyên nhân chủ yếu do sơ xuất, bất cẩn trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt (đốt lửa sưởi ấm để ngủ) hoặc do chập cháy thiết bị điện trong nhà gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Tình hình sự cố, tai nạn: Xảy ra 34 vụ tai nạn, sự cố; trong đó: 25 vụ sự cố, tai nạn dưới nước; 01 vụ sự cố, tai nạn hang, hầm, giếng sâu, công trình ngầm; 06 vụ sự cố, tai nạn giao thông đường bộ; 02 vụ sự cố, tai nạn khác. Thiệt hại: làm 36 người chết, 02 người bị thương; làm hư hỏng 06 phương tiện giao thông đường bộ. Điều động 55 lượt xe cùng 419 lượt chiến sỹ, cán bộ tham gia trực tiếp cứu nạn, cứu hộ 27 vụ tai nạn, sự cố xảy ra.

Công tác cứu nạn, cứu hộ do lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH trực tiếp xử lý được thực hiện một cách kịp thời, hiệu quả với tinh thần nhiệt tình, năng động, trong quá trình thực hiện CNCH đảm bảo an toàn, chất lượng, có phương án xử lý phù hợp với từng loại hình tai nạn, sự cố; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng tại chỗ triển khai lực lượng, phương tiện phục vụ CNCH góp phần nâng cao hiệu quả, rút ngắn thời gian thực hiện công tác CNCH đến thấp nhất, giúp người dân an tâm tư tưởng và nhận được nhiều thư cảm ơn đến lực lượng PCCC và CNCH.

https://congan.kontum.gov.vn/upload/105000/fck/thaingan/2023_02_13_09_50_031.jpg

Thư cảm ơn của các công dân, tổ chức cảm ơn lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Kon Tum

Bên cạnh đó, việc thực hiện Nghị quyết 99 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Các phương tiện phục vụ cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về PCCC và CNCH chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn công tác. Hiện nay, một số trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác chữa cháy và CNCH còn lạc hậu, tình trạng hoạt động ở mức trung bình vẫn được đưa vào công tác thường trực nên hiệu quả chữa cháy và CNCH chưa cao; trụ sở làm việc của Lực lượng Cảnh sát PCCC chật, chưa có sân bãi đủ kích thước theo tiêu chuẩn (50x125 mét) và bể tập luyện dưới nước phục vụ công tác CNCH nên công tác huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy và CNCH còn khó khăn.

Địa bàn quản lý Nhà nước về PCCC rộng, giao thông đi lại khó khăn, trong khi đó các đơn vị Cảnh sát PCCC và CNCH mới chỉ được bố trí ở 02 địa điểm (thành phố Kon Tum và huyện Ngọc Hồi) và từ trụ sở đơn vị Cảnh sát PCCC và CNCH đến các địa bàn xa nhất lên tới hơn 60 km nên việc xử lý các vụ cháy, nổ, tai nạn, sự cố xảy ra tại địa bàn các huyện gặp nhiều khó khăn.

Tỷ lệ xảy ra cháy ở khu dân cư, cháy rừng còn cao. Việc tổ chức triển khai thực hiện chức năng quản lý nhà nước về PCCC và CNCH ở cấp xã còn yếu; năng lực tham mưu và tổ chức triển khai thực hiện về công tác PCCC và CNCH của Công an xã chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra; tình trạng lấn chiếm đất rừng, đốt phá hoại rừng làm nương rẫy để trồng cây ngắn ngày trái phép vẫn chưa được xử lý triệt để.

Tại các cơ sở thuộc diện quản lý Nhà nước về PCCC trên địa bàn tỉnh, một số người đứng đầu chưa nghiêm túc trong tự kiểm tra, giám sát, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm trong công tác PCCC; chưa chú trọng việc xây dựng và nhân rộng mô hình, điển hình về PCCC; số đội PCCC Dân phòng, cơ sở và chuyên ngành được thành lập còn quá ít so với quy định; nhận thức của một bộ phận quần chúng nhân dân, cán bộ, công nhân viên đối với công tác PCCC và CNCH còn hạn chế; nhiều Đội Dân phòng, PCCC cơ sở hoạt động chỉ mang tính hình thức, tổ chức chữa cháy ban đầu còn lúng túng, kém hiệu quả và chưa có chế độ chính sách cho lực lượng này; trang bị phương tiện của lực lượng Dân phòng và PCCC cơ sở còn thiếu về số lượng và kém về chất lượng ... ảnh hưởng đến hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo về công tác PCCC trên địa bàn toàn tỉnh.

Hệ thống các văn bản pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn về CNCH chưa đồng bộ, chưa hoàn thiện, thường xuyên thay đổi; hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC và CNCH khi xây dựng các đô thị, khu dân cư chưa đầy đủ, cụ thể: Chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn về CNCH khi xây dựng các dự án, công trình; đối với các dự án khu đô thị, khu dân cư phân lô, bán nền, thiết kế xây dựng nhà ở riêng lẻ hoặc chuyển đổi công năng sử dụng của nhà ở hiện nay đang thiếu tiêu chuẩn quy định điều kiện về PCCC nên khi xảy ra cháy thường gây hậu quả nghiêm trọng về người…

Để triển khai thực hiện hiệu quả Luật Phòng cháy và chữa cháy; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và các quy định của pháp luật hiện hành trong lĩnh vực cứu nạn, cứu hộ trong thời gian tới; Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã đề nghị Uỷ ban Quốc phòng và An ninh - Quốc hội kiến nghị Quốc hội đề nghị Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy, theo hướng quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân khi để xảy ra cháy, nổ, tai nạn, sự cố thuộc phạm vi quản lý làm cơ sở triển khai thực hiện.

 

 


Tác giả: Bá Tuấn
Tin liên quan