A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kon Tum: Tiến hành Tổng rà soát, kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh

Từ ngày 15/10/2022 đến ngày 15/12/2022, lực lượng chức năng Công an tỉnh tiến hành Tổng rà soát, kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh.

 

 

 

 

Lực lượng chức năng kiểm tra công tác PCCC và CNCH tại cơ sở

 

Ngày 12/10/2022, Công an tỉnh ban hành Kế hoạch Tổng rà soát, kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh.

Kế hoạch nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH trên địa bàn tỉnh, ngăn chặn, không để xảy ra cháy gây hậu quả đặc biệt nghiệm trọng. Xử lý triệt để các cơ sở không đủ điều kiện an toàn về PCCC và CNCH, chưa được thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC nhưng vẫn hoạt động, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự (ANTT) hoặc cơ sở không đủ điều kiện nhưng vẫn được thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC.

Đánh giá đúng thực trạng về PCCC và CNCH đối với các cơ sở trên địa bàn tỉnh; kiểm tra, xử lý 100% hành vi vi phạm về PCCC và CNCH, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động theo đúng quy định tại Điều 17 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ. Bắt buộc các cơ sở khắc phục tất cả các tồn tại, vi phạm về PCCC và CNCH theo quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC tương ứng với thời điểm cơ sở đưa vào hoạt động, kiên quyết không để các cơ sở vi phạm về PCCC và CNCH, có nguy cơ cháy, nổ cao hoạt động...

Đối tượng kiểm tra là các cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP; khu dân cư.

Thời gian kiểm tra: Từ ngày 15/10/2022 đến ngày 15/12/2022.

Nội dung kiểm tra gồm:

Trách nhiệm về PCCC và CNCH của người đứng đầu cơ quan, tổ chức theo quy định tại Điều 5 Luật PCCC và Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 của Chính phủ.

Điều kiện an toàn PCCC và CNCH đối với cơ sở theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP và Điều 12 Nghị định số 83/2017/NĐ-CP, tập trung kiểm tra về: Hồ sơ theo dõi, quản lý về PCCC và CNCH của cơ sở; duy trì các yêu cầu đường giao thông dành cho xe chữa cháy, khoảng cách an toàn PCCC và nguồn nước chữa cháy; mặt bằng, công năng sử dụng; giải pháp ngăn chặn cháy lan, giải pháp thoát nạn; trang bị và duy trì hoạt động của hệ thống, thiết bị PCCC và CNCH, các hệ thống kỹ thuật khác có liên quan... theo quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng với thời điểm cơ sở đưa vào hoạt động (hoạt động trước khi Luật PCCC năm 2001 có hiệu lực thi hành; trong thời gian tiêu chuẩn TCVN 2622-1995, QCVN 06:2010/BXD, QCVN 06:2021/BXD có hiệu lực thi hành và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật khác có liên quan); quản lý, sử dụng hệ thống thiết bị điện, nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt, hóa chất dễ cháy nổ; hoạt động của lực lượng PCCC cơ sở, chuyên ngành, các biện pháp phòng ngừa sự cố, tai nạn; đối với loại hình cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường cần tập trung kiểm tra về đường, lối thoát nạn; chống tụ khói, ngăn cháy lan, nhất là việc sử dụng vật liệu trang trí nội thất, cách âm bảo đảm tính chịu lửa theo quy định, trang bị hệ thống chữa cháy, báo cháy tự động và kết nối liên động để tự động ngắt hệ thống điện của dàn âm thanh tại các phòng, phòng hát khi có tín hiệu báo cháy.

Rà soát, kiến nghị khắc phục các tồn tại, vi phạm về PCCC và CNCH, trong đó làm rõ, cụ thể các tồn tại, vi phạm trong quá trình đầu tư xây dựng dự án, công trình, hoạt động của cơ sở.

 


Tác giả: Đội Công tác Phòng cháy
Tin liên quan