Nhớ lời Bác Hồ căn dặn “Phải thường xuyên thật sẵn sàng”
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đặc biệt đến công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và lực lượng Cảnh sát PCCC. Năm 1954, sau khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, công tác này đã được Đảng, Nhà nước quan tâm và đưa vào khẩu hiệu hành động với “3 phòng”: “Phòng gian - Phòng hỏa - Phòng tai nạn”.
Ngày 01/01/1955, một tiểu đội chữa cháy Hà Nội được cử tham gia bảo vệ lễ đài trên Quảng trường Ba Đình nhân dịp mít tinh chào mừng Đảng và Chính phủ trở về thủ đô. Ngay sau đó, Bác Hồ đã đến thăm đơn vị, bắt tay từng người và chúc: "Nhân dịp năm mới, Bác chúc các chú thất nghiệp”. Từ đó, lời chúc vui vẻ của Người đối với lực lượng Cảnh sát PCCC vừa là lời động viên vừa là mục tiêu, nhiệm vụ.
Năm 1961, trong quá trình lấy ý kiến về dự thảo Pháp lệnh Quy định việc quản lý nhà nước đối với công tác PCCC, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đổi cụm từ "phòng hỏa, cứu hỏa” thành cụm từ "phòng cháy, chữa cháy” khi dự thảo được trình lên Bác. Ngày 04/10/1961, Bác đã ký sắc lệnh số 53/SL ban hành khi Pháp lệnh này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 27/9/1961.
Năm 1966, trong Thư khen gửi cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát PCCC Hà Nội ngày 03/8/1966, sau thành tích chiến đấu dũng cảm dập tắt đám cháy ở kho xăng dầu Đức Giang bị trúng bom giặc, Bác đã căn dặn lực lượng Cảnh sát PCCC bốn điều:
Bốn điều Bác Hồ căn dặn lực lượng Cảnh sát PCCC
1. Phải luôn luôn nâng cao cảnh giác, chớ chủ quan, tự mãn.
2. Phải thường xuyên thật sẵn sàng để nhanh chóng làm tròn nhiệm vụ bất kỳ trong tình hình nào để bảo vệ tài sản của Nhà nước và nhân dân.
3. Phải không ngừng học tập, nghiên cứu, phát huy sáng kiến, tổng kết kinh nghiệm để tiến bộ hơn nữa trong công việc PCCC.
4. Phải thường xuyên hướng dẫn và bồi dưỡng về nghiệp vụ cho lực lượng dân phòng ngày càng tiến bộ, để họ trở thành người giúp việc thật đắc lực cho các đồng chí.
Ngày 31/5/1991, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Chỉ thị số 175/LCT về công tác PCCC, trong đó quy định lấy Ngày 04 tháng 10 hàng năm là “Ngày truyền thống toàn dân PCCC”.
Ngày 04/6/1996, Chính phủ ký ban hành Quyết định 369/QĐ-TTg xác định hàng năm lấy Ngày 04 tháng 10 là “Ngày PCCC toàn dân”. Quyết định nêu rõ: “Việc tổ chức ngày này nhằm nâng cao ý thức PCCC cho toàn dân, huy động được đông đảo quần chúng tham gia vào các hoạt động thiết thực, bổ ích trong công tác này; biểu dương, khen thưởng đối với những tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích trong phong trào toàn dân PCCC”
Qua tổng kết 35 năm thi hành Pháp lệnh, ngày 12/7/2001, Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ký Lệnh số 08/2001/L-CTN công bố ban hành Luật PCCC được Quốc hội khóa X thông qua ngày 29/6/2001 tại kỳ họp thứ 9 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 04/10/2001, tại Điều 11 của Luật PCCC quy định: “Ngày 04 tháng 10 hàng năm là Ngày toàn dân phòng cháy và chữa cháy”.
Lời căn dặn của Bác Hồ đối với lực lượng Cảnh sát PCCC “Phải thường xuyên thật sẵn sàng” được xem là định hướng trong công tác PCCC. Bởi cháy, nổ, sự cố, tai nạn có thể xảy ra ở bất kỳ đâu, với bất kỳ ai, vào bất kỳ lúc nào, chỉ bất cẩn nhỏ cũng có thể để lại hậu quả lớn. Tinh thần này đã được thể hiện thành phương hành động về PCCC và CNCH gồm “3 sẵn sàng”: Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả; và “4 tại chỗ”: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ. Những yêu cầu này không chỉ được nhắc trong dịp “Ngày toàn dân PCCC” hay “Tháng an toàn phòng cháy, chữa cháy” mà phải được thực hiện trong tất cả các ngày, tất cả các tháng.
9 tháng đầu năm 2024, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh Kon Tum đã chủ động trong công tác thường trực sẵn sàng chữa cháy và CNCH, kịp thời xuất 26 lượt xe cùng 157 lượt CBCS tham gia cứu chữa 15 vụ cháy, bảo vệ hàng trăm mét vuông nhà ở, công trình lân cận, không để xảy ra cháy lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản; xuất 20 lượt xe cùng 119 lượt CBCS tham gia CNCH 09 vụ sự cố, tai nạn, tìm được 13 thi thể nạn nhân, khắc phục 01 sự cố, cứu được 01 người bị mắc kẹt ra ngoài. Làm tốt công tác rà soát, xây dựng phương án chữa cháy và phương án cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh đảm bảo phù hợp với đặc điểm tình hình thực tế và loại hình cơ sở có nguy hiểm cháy nổ cao; phối hợp với các đơn vị, cơ sở, khu dân cư tổ chức 01 phương án chữa cháy của khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao, 33 phương án chữa cháy của cơ quan Công an đối với cơ sở nguy hiểm về cháy nổ, 13 phương án theo loại hình sự cố, tai nạn được quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 83/2017/NĐ-CP.
Tổ chức thực tập phương án chữa cháy của cơ quan Công an tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương – Chi nhánh Kon Tum
Bên cạnh đó, đã tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác PCCC và CNCH để kịp thời phát hiện, kiến nghị khắc phục dứt điểm những tồn tại, vi phạm về công tác bảo đảm an toàn PCCC và CNCH, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật về PCCC và CNCH nhằm nâng cao nhận thức của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở, chủ hộ gia đình. Làm tốt công tác thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC, góp phần loại trừ, hạn chế thấp nhất nguyên nhân gây ra cháy, nổ tại các dự án, công trình xây dựng thuộc diện quản lý về PCCC. Thường xuyên đổi mới phương pháp, cách thức trong công tác huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy và CNCH theo hướng chuyên sâu, chuyên nghiệp, tăng nội dung huấn luyện thực hành gắn với tình hình cháy, sự cố, tai nạn trên địa bàn phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện hiện có của đơn vị.
Đồng thời, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã tập trung xây dựng phong trào Toàn dân PCCC phát triển, lớn mạnh làm nòng cốt trong công tác PCCC và CNCH ở các đơn vị, cơ sở, khu dân cư. Có thể nói phong trào Toàn dân PCCC đã huy động được sự tham gia của đông đảo các tầng lớp Nhân dân, trở thành “cánh tay nối dài” của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH ở các đơn vị, cơ sở, khu dân cư, góp phần quan trọng cùng lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tổ chức có hiệu quả công tác phòng ngừa và chữa cháy, CNCH, kiềm chế số vụ và thiệt hại do cháy, nổ, sự cố, tai nạn gây ra. Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã xây dựng và duy trì 199 “Tổ liên gia an toàn về phòng cháy, chữa cháy”; tiếp tục nhân rộng, phát huy hiệu quả mô hình “Cửa hàng xăng dầu kiểu mẫu về an ninh trật tự và an toàn phòng cháy, chữa cháy” tại các cơ sở thuộc Chi nhánh xăng dầu Kon Tum và thí điểm triển khai xây dựng mô hình “Trường học văn minh, học sinh hiểu biết, đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy” trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các nội dung về công tác PCCC và CNCH trên nền tảng mạng xã hội Zalo, Facebook với các hình ảnh, video trực quan, sống động, dễ hiểu, dễ tiếp cận đến Nhân dân.
Tổ chức tuyên truyền, trải nghiệm thực hành chữa cháy và CNCH cho học sinh, giáo viên và người dân
Thấm nhuần sâu sắc Bốn điều Bác Hồ căn dặn lực lượng Cảnh sát PCCC, phát huy truyền thống vẻ vang, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH; cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh Kon Tum không ngừng rèn luyện, phấn đấu, trau dồi phẩm chất chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp, quyết tâm xây dựng lực lượng ngày càng lớn mạnh.