A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô

Trước tình trạng nắng nóng đang diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước chung và địa bàn tỉnh Kon Tum nói riêng, nguy cơ cháy rừng rất cao; do đó, Chính phủ, các bộ ngành, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Kon Tum đã có nhiều văn bản chỉ đạo về công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.

 

 

Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô (ảnh: baochinhphu.vn)

 

Đáng chú ý là Công điện số 441/CĐ-TTg ngày 22/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng; Công văn số 1185/UBND-NNTN ngày 25/4/2023 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh; Công văn số 687/BCĐ-TGV ngày 15/3/2023, Ban Chỉ đạo công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng tỉnh chỉ đạo tiếp tục tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị số 07 ngày 30/12/2022 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2023 trên địa bàn tỉnh Kon Tum và gần đây nhất là Kế hoạch số 58/KH-SNN ngày 25/5/2023 khắc phục các hạn chế và tăng cường công tác quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng và trồng rừng trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; chủ động ứng phó với các nguy cơ cháy rừng, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, bảo vệ tài nguyên rừng và giữ vững môi trường sinh thái, các cơ quan, đơn vị liên quan cần thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp như sau:

Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về công tác quản lý bảo vệ rừng, đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia quản lý bảo vệ rừng và tố giác các hành vi vi phạm; xây dựng Kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện đảm bảo mục tiêu đề ra, thiết thực và có hiệu quả, công tác tuyên truyền phải xây dựng tài liệu và thực hiện phù hợp với từng đối tượng được tuyên truyền. Chú trọng việc phát hiện, nêu gương, nhân rộng điển hình trong phong trào toàn dân tham gia bảo vệ rừng. Biểu dương kịp thời các tổ chức, cá nhân tiêu biểu, có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng nhằm tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội.

Xác định công tác quản lý, bảo vệ rừng là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; phát huy vai trò của người đứng đầu trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động công vụ của lực lượng làm nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng; quán triệt, nghiêm túc tổ chức xem xét kiểm điểm trách nhiệm đối với từng tổ chức, cá nhân khi để xảy ra các vụ phá rừng, cháy rừng, mất rừng trên địa bàn quản lý; đặc biệt là việc buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý và tiếp tay cho các đối tượng phá rừng trái pháp luật.

Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong việc tiếp nhận nắm bắt và xử lý thông tin về tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp; bảo đảm lực lượng, trang thiết bị sẵn sàng phối hợp ứng phó, xử lý các tình huống cấp bách trong bảo vệ rừng. Yêu cầu các đơn vị chủ rừng cần hết sức chủ động trong công tác phối hợp với chính quyền địa phương các cấp, các cơ quan đơn vị đóng chân trên địa bàn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng.

Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, triệt phá các tụ điểm phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật. Khẩn trương điều tra, kiên quyết xử lý nghiêm các vụ vi phạm, sớm đưa ra xét xử đối với các vụ án đến mức phải khởi tố hình sự, gắn với công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để tăng tính răn đe, giáo dục.

Rà soát, xử lý dứt điểm các loại phương tiện dùng để khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật trên địa bàn, nhất là phương tiện độ chế.

Bố trí lực lượng theo dõi, giám sát hoạt động của các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn quản lý, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp tàng trữ, mua bán, tiêu thụ gỗ không rõ nguồn gốc, gỗ khai thác trái phép theo quy định.

Tăng cường quản lý về hộ tịch, hộ khẩu; theo dõi, quản lý chặt chẽ các đối tượng tạm trú, tạm vắng, dân di cư tự do sống gần rừng và các đối tượng có khả năng xâm hại đến tài nguyên rừng. Quản lý chặt chẽ người và phương tiện ra vào các khu vực biên giới, khu vực có rừng, không để xảy ra tình trạng lợi dụng việc ra vào rừng để thực hiện các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp.

Quan tâm, động viên đối với lực lượng bảo vệ rừng, cán bộ, chiến sỹ và chăm lo đáp ứng các nhu cầu về vật chất và tinh thần cho các lực lượng xa nhà phải ở lại làm nhiệm vụ bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng tại hiện trường, các chốt, trạm... vào các dịp nghỉ Lễ, Tết trong năm.

Đặc biệt trong mùa khô, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng phải được thực hiện thường xuyên, trong đó chú trọng việc phát dọn vật liệu cháy, bố trí lực lượng phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định, tuần tra canh gác lửa rừng; đầu tư trang thiết bị cho công rác phòng cháy, tăng cường hệ thống cảnh báo; tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy rừng; luôn sẵn sàng về lực lượng, phương tiện, dụng cụ để tham gia ứng cứu khi có cháy rừng xảy ra; tổ chức diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng...

 

 


Tác giả: Bá Tuấn
Tin liên quan