Kết quả thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, phát hiện và xử lý hoạt động tín dụng đen trên địa bàn tỉnh
Ủy ban nhân dân tỉnh đã quán triệt Công điện 766/CĐ-TTg ngày 24 tháng 8 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, phát hiện và xử lý hoạt động tín dụng đen trên địa bàn tỉnh đến toàn thể các sở, ban ngành, địa phương; chỉ đạo triển khai thực hiện. Qua đó, các sở, ban ngành và UBND các huyện, thành phố đã triển khai thực hiện nghiêm túc và đạt được nhiều kết quả tích cực. Điển hình như:
Các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" đến toàn thể người dân trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao nhận thức của người dân; cập nhật, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng tội phạm liên quan như lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm, cho vay lãi nặng... nhằm nâng cao ý thức phòng ngừa và trách nhiệm trong việc phát hiện, tố giác, hỗ trợ lực lượng chức năng điều tra, xử lý các đối tượng phạm tội; phát động đoàn viên, thanh niên tháo gỡ, xóa bỏ các quảng cáo, rao vặt liên quan đến kinh doanh tài chính, cho vay lãi nặng…
Tăng cường công tác thông tin, phổ biến các chính sách, chương trình tín dụng đến người dân, doanh nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn dễ dàng tiếp cận nguồn vốn; nhất là phổ biến các quy định của pháp luật về huy động vốn, ủy quyền, chuyển nhượng tài sản nhằm phòng ngừa tội phạm.
Đài Phát thanh và Truyền hình tinh, Báo Kon Tum và các cơ quan thông tấn, báo chí đứng chân trên địa bàn tỉnh thường xuyên phát sóng các chuyên mục, phóng sự và đưa tin, đăng tải các bài viết liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản... để người dân biết, phòng ngừa.
Tổ chức đối thoại với công nhân, viên chức, người lao động trên địa bàn tỉnh để thông tin, phổ biến các thủ đoạn hoạt động của tội phạm trên không gian mạng, hoạt động núp bóng “tín dụng đen” thông qua vay qua app, vay ngân hàng...
Các sở, ban ngành chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể cho toàn thể cán bộ, công chức và người lao động tại cơ quan, đơn vị trực thuộc nghiêm túc triển khai thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” thuộc lĩnh vực, ngành do đơn vị quản lý. Phối hợp, tham gia cùng lực lượng Công an thực hiện hiệu quả đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”, đồng thời phối hợp với các ban ngành liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra các tổ chức tín dụng, công ty tài chính... để kịp thời xử lý nghiêm các hành vi có liên quan đến “tín dụng đen".
Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực viễn thông, an toàn thông tin nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xóa bỏ các bài viết, nội dung, hình ảnh quảng cao trái phép, các trang Web, đường dẫn, ứng dụng có liên quan đến "tín dụng đen", rà soát, phát hiện vi phạm, xử lý hoặc đề xuất, phối hợp xử lý các hành vi vi phạm trên không gian mạng, trong đó có tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen". Thường xuyên đăng các tin, bài viết cảnh báo, phòng chống tội phạm và hỗ trợ xác định các website lừa đảo, cảnh báo tin giả; đồng thời chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện việc ngăn chặn hoặc dừng cung cấp dịch vụ đối với các thuê bao liên quan đến hoạt động "tín dụng đen".
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Kon Tum tăng cường công tác quản lý trên địa bàn, tổ chức thanh tra, kiểm tra và giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh của các Tổ chức tín dụng trên địa bàn, nhất là các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như huy động vốn, cấp tín dụng, thanh toán...; thường xuyên thực hiện công tác xác minh, đối chiếu khách hàng tiền vay, tiền gửi nhằm phòng ngừa, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Phối hợp, hỗ trợ Cơ quan điều tra trong việc yêu cầu các tổ chức tín dụng kịp thời cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến các chủ tài khoản phục vụ công tác điều tra, thi hành án. Tập trung phát triển, đa dạng hóa thị trường tài chính, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá tín nhiệm khách hàng để tăng khả năng cho vay không đảm bảo bằng tài sản và tiếp tục nhân rộng mô hình "cho vay lưu động".
Sở Tư pháp phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức, tuyên truyền pháp, phổ biến các quy định của pháp luật về cho vay, thế chấp trong các giao dịch dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự và các quy định; phối hợp với Cục Thi hành án dân sự tỉnh tổ chức phổ biến, tuyên truyền hướng dẫn nghiệp vụ, bồi dưỡng nghiệp vụ cho Chấp hành viên, Thẩm tra viên cấp huyện và công chức liên quan trong công tác thi hành các bản án, quyết định liên quan đến việc vay, mượn dân sự. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động công chứng nhằm phòng ngừa hoạt động “tín dụng đen", lợi dụng hoạt động công chứng để hợp pháp hóa việc chiếm đoạt tài sản; đồng thời phổ biến các quy định của pháp luật về công chứng nhằm nâng cao đạo đức nghề nghiệp của Công chứng viên góp phần trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tăng cường công tác kiểm tra, rà soát việc cấp Giấy phép đăng ký doanh nghiệp và đăng ký hộ kinh doanh ngành, nghề dịch vụ cầm đồ; cung cấp thông tin và phối hợp với Công an tỉnh kiểm tra, xem xét việc cấp Giấy chứng nhận đảm bảo điều kiện về an ninh trật tự và việc chấp hành các quy định pháp luật đối với các ngành, nghề, lĩnh vực kinh doanh có điều kiện.
Tòa án nhân dân tỉnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật dân sự, đồng thời vận động người dân không trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia hoạt động liên quan đến “tín dụng đen", lợi dụng kinh doanh cầm đồ, đòi nợ, kinh doanh tài chính để vi phạm pháp luật.
Công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự được chú trọng:
Các cơ quan, đơn vị liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo lực trong chức năng tăng cường công tác nắm tình hình, nhất là tình hình liên quan đến đời sống, vật chất tinh thần của công nhân, người lao động tại cơ quan, đơn vị, địa phương quản lý để có biện pháp nhằm nâng cao đời sống hạn chế nguy cơ tìm đến "tín dụng đen"; đồng thời phổ biến các phương thức, thủ đoạn hoạt động và những hậu quả, hệ lụy của "tín dụng đen" để công nhân, người lao động biết, phòng ngừa.
Các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai thực hiện các hoạt động hưởng ứng và tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp vận động các đoàn thể, hội viên và nhân dân tham gia phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc"; nâng cao ý thức cảnh giác trong phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật và tích cực tố giác tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen".
Công tác quản lý địa bàn, quản lý đối tượng, phòng ngừa, đấu tranh với các băng nhóm, đối tượng có biểu hiện hoạt động "tín dụng đen":
Công an tỉnh mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen". Tăng cường công tác theo dõi, nắm tình hình và triển khai các biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhằm kịp thời phát hiện, đấu tranh và xử lý nghiệm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm liên quan đến “tín dụng đen" trên địa bàn tỉnh.
Qua rà soát đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 05 công ty tài chính, 23 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, 18 đối tượng riêng lẻ có nghi vấn cho vay lãi nặng. Công an tỉnh đã áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, chỉ đạo các lực lượng tăng cường kiểm tra các cơ sở dịch vụ kinh doanh cầm đồ, công ty tài chính...; công tác quản lý cư trú và giải quyết tình hình an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở, nhất là các địa bàn tập trung nhiều cơ sở cầm đồ, cho vay tài chính, nơi nghi vấn có các đối tượng cho vay, đòi nợ thuê trái phép...
Lực lượng Công an các cấp đã gọi, hỏi hơn 50 lượt với khoảng 30 đối tượng là chủ các công ty, cơ sở cầm đồ, các đối tượng nghi vấn cho vay lãi nặng, đối tượng phát tờ rơi, quảng cáo cho vay tiền nhằm răn đe, giáo dục; đồng thời lên danh sách, nhân thân lại lịch của các đối tượng phục vụ công tác phòng ngừa.
Trong kỳ báo cáo, Công an tỉnh đã phát hiện, triệt phá 01 tụ điểm “tín dụng đen” với phương thức thủ đoạn là dán tờ rơi quảng cáo và cho vay tiền với lãi suất cao; khởi tố 01 vụ - 02 bị can về tội "cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự" theo quy định tại Điều 210, Bộ luật Hình sự.
Để tiếp tục đấu tranh, ngăn chặn hoạt động "tín dụng đen" trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã đề ra các nhiệm vụ cần thực hiện như sau:
Tiếp tục chỉ đạo các sở, ban ngành và địa phương quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm Công điện số 766/CĐ-TTg gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25 tháng 4 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen", Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 22 tháng 7 năm 2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25 tháng 4 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 1950/KH-UBND ngày 31 tháng 7 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng; ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động “tín dụng đen” trên địa bản tỉnh.
Thành lập các tổ công tác liên ngành do lực lượng Công an làm nòng cốt, tiến hành kiểm tra hành chính các cơ sở cầm đồ, cho vay, kinh doanh tài chính và các cơ sở kinh doanh khác có biểu hiện hoạt động cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê nhằm phát hiện tội phạm và vi phạm pháp luật để xử lý nghiêm.
Chỉ đạo các sở, ban ngành và địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; tập trung tuyên truyền đối với những người dễ trở thành nạn nhân của "tín dụng đen”; triển khai các giải pháp tín dụng để hỗ trợ người dân có nhu cầu vay vốn chính đáng (như công nhân, lao động thu nhập thấp, thất nghiệp, mất việc làm; sinh viên, người dân tộc thiểu số...); kịp thời phát hiện từ sớm các mâu thuẫn, vụ việc liên quan từ vay nợ, đòi nợ, “tín dụng đen" trên địa bản cơ sở để kịp thời hòa giải, xử lý và phòng ngừa tội phạm nắm, quản lý những người có biểu hiện quẫn bách tài chính, nợ nần, vay lãi nặng có nguy cơ cao phạm tội để thực hiện các biện pháp phòng ngừa.
Theo dõi, quản lý chặt chẽ hoạt động của các công ty tư vấn, hỗ trợ tài chính, hoạt động của các tổ chức tín dụng... kiên quyết không để các đối tượng lợi dụng núp bóng để hoạt động “tín dụng đen” nhằm kịp thời phát hiện các vi phạm để xử lý, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa.
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, nhất là công tác quản lý cư trú, quản lý ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Tăng cường công tác quản lý trong việc cấp Giấy chứng nhận các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, nhất là các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, đòi nợ; kiên quyết xử lý, thu hồi hoặc không cấp mới, cấp đổi Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự đối với các cơ sở kinh doanh không đủ điều kiện về an ninh, trật tự hoặc có vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.
Thực hiện nghiêm các quy định về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, nhất là tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố liên quan đến "tín dụng đen. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tư pháp để điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc liên quan đến hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và các hành vi liên quan đến hoạt động "tín dụng đen đảm bảo nghiêm minh, đúng pháp luật phục vụ công tác phòng ngừa xã hội.