A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sự thật đằng sau những khóa học bán hàng online

Trong thời đại công nghệ phát triển, bán hàng online ngày càng trở nên phổ biến và thông dụng bởi nhu cầu mua sắm trực tuyến của con người cực cao. Lợi dụng nhu cầu này, các đối tượng xấu dùng các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo làm công cụ quảng cáo với chiêu trò mở lớp dạy học online (trực tuyến) miễn phí, khóa đào tạo về kinh doanh để dụ dỗ người dân tham gia với mục đích cuối cùng là lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nhiều mánh khóe lừa đảo

Thời gian gần đây, các chương trình dạy học kiểu bán hàng online được giới thiệu tràn lan trên các diễn đàn mạng xã hội Facebook bởi hàng hàng trăm hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm chốt nghìn đơn hàng. Phần lớn trong số này được thành lập, điều hành bởi những người tự nhận mình là “thầy giáo”, “chuyên gia” trong lĩnh vực bán hàng, chạy quảng cáo, chốt đơn trên các nền tảng thương mại điện tử. Những bài đăng phổ biến nhất trong các nhóm là khoe doanh thu, doanh số khủng kèm lời giới thiệu về độ uy tín, hiệu quả của một khóa học nào đó. Hầu hết khóa học này đều online để đáp ứng nhu cầu học mọi lúc mọi nơi của học viên, đa số là những người làm hai công việc cùng lúc.

Những tiêu đề hấp dẫn, thu hút người dân như cam kết mức thu nhập mỗi tháng lên đến hàng nghìn đô. Được dạy bởi những chuyên gia hàng đầu hay thậm chí hoàn lại tiền nếu như kết quả không như mong đợi. Người dân có thể đăng kí học bán hàng online hoặc offline tùy vào thời gian rảnh. Không ít người dân đã bị những lời quảng cáo đẹp đẽ này qua mắt. Bởi vì họ đã đánh trúng tâm lí luôn muốn làm giàu nhanh chóng của số đông con người.

Cụ thể, các khóa học “Dạy bán hàng online” được các đối tượng quảng cáo với nhiều lời lẽ “có cánh” như:  hình thức học trực tiếp 1:1 và online, với cam kết học trong 2 tháng mà không kiếm gấp đôi (tức là 100 triệu đồng) thì sẽ hoàn trả lại 100% học phí đã đóng. Nội dung khóa học gồm: Xây dựng thương hiệu cá nhân; Học về sản phẩm mình đang bán và phát triển sản phẩm khác; Xây dựng lộ trình chiến lược kinh doanh cho từng cá nhân; Định hướng sản phẩm, viết nội dung quảng cáo sản phẩm trên mạng xã hội, giúp facebook tương tác… những khóa học này có nhiều mức giá khác nhau từ 500.000 đồng cho đến 5-6 triệu đồng. Một số nơi giới thiệu “hoàn toàn miễn phí”, nhưng sau đó thường yêu cầu người học đóng tiền từ vài trăm cho đến 1 triệu đồng để mua các loại tài liệu hoặc được nghe giảng từ các "chuyên gia uy tín".

Tuy nhiên, khóa học có thể chỉ diễn ra duy nhất 1 buổi trực tiếp, người dân sa đó phải ngồi tự nghiên cứu tài liệu khóa học “Hè siêu tốc”. Sau buổi đó, các “thầy giáo”, “chuyên gia” cũng không dạy trực tiếp 1:1 như cam kết.

Các đối tượng có thể còn hứa hẹn trả lại tiền nếu người học cảm thấy không hiệu quả hay không bán được hàng trên nền tảng. Tuy vậy, vì chỉ là cam kết bằng miệng, học viên hiếm khi đòi lại được khoản tiền đã đóng.

Dụ dỗ người dân mua giáo trình “dỏm”

Bên cạnh những trò lừa đảo về khóa học, một số người dân còn bị mắc bẫy bởi chiêu dụ mua tài liệu tổng hợp giáo trình của các “chuyên gia”.

Chỉ cần đăng bài hỏi về các khóa học bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo, Tiktok, người dân sẽ nhận được hàng tá bình luận, inbox giới thiệu về “bộ giáo trình tổng hợp” từ chương trình dạy của các “chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng thương hiệu, marketing, kinh doanh online”.

Đa số khóa học được các đối tượng giới thiệu đều tốn tiền triệu và mất rất nhiều thời gian để theo học. Nhiều người dân sợ bản thân không có thời gian theo được cả tháng nên đã quyết định mua thử một bộ tài liệu với giá rẻ hơn giao động từ 200.000 đến 500.000 đồng. Tuy nhiên khi người dân chuyển tiền, các đối tượng có thể chặn liên lạc và cao chạy xa bay trên con đường tìm kiếm con mồi mới. Trường hợp người dân nhận được thì chất lượng của “bộ giáo trình tổng hợp” kiểu này không khác gì những thứ có thể tìm miễn phí trên mạng.

Nguyên nhân khiến những khóa học biến thành trò lừa đảo

Kiếm tiền nhanh từ bán hàng online là mong muốn của rất nhiều người dân

Kiếm tiền nhanh qua bán hàng online là điều mà đại đa số ai cũng muốn. Đánh trúng tâm lí này của số đông mọi người nên những khóa học dễ dàng thu hút người dân. Người tổ chức ra khóa học khả năng cao cũng là một trong những người muốn kiếm tiền nhanh như vậy. Thực chất, một thời gian ngắn ngủi, với những kiến thức suông khó thể giúp được người dân thành công ngay sau vài ba tháng.

Ngoài ra, nhiều người dân vì muốn học thêm kiến thức để thúc đẩy doanh số bán hàng nhưng thực tế lại không dễ dàng như vậy. Cuộc sống thay đổi từng ngày nhưng giáo trình của nhiều thầy lại không cập nhật kịp. Đồng nghĩa với việc học xong người dân cũng không thể áp dụng được gì nhiều.

Bên cạnh đó rất nhiều nơi lựa chọn người giảng dạy không có sự chọn lọc. Hay một trường hợp khác đó là thầy dạy giỏi chưa chắc có thể đào tạo ra những học viên giỏi. Đó là chưa nói tới những trường hợp giảng viên thiếu trách nhiệm, không quan tâm đến học viên của mình, chỉ tới dạy để lấy thù lao rồi ra về đúng giờ. Những điều này vô tình khiến người học mang tâm lý mình bị lừa đảo bởi vì mọi thứ diễn ra không được như những gì đã kì vọng.

Người dân cần chủ động tố cáo

Với tâm lý e ngại đa số nạn nhân chấp nhận mất tiền và im lặng không trình báo với cơ quan công an hoặc thông báo các thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng cho mọi người biết. Điều này vô tình thúc đẩy các hành vi phạm tội liên quan đến việc “dạy bán hàng online”. Do đó khi người dân phát hiện hành vi có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần tố cáo ngay với cơ quan công an để kịp thời điều tra, ngăn chặn vi phạm.

Về các khóa đào tạo online làm giàu, người dân nên cẩn trọng vì việc quảng cáo trên mạng xã hội chưa được kiểm soát nghiêm ngặt, nhiều đối tượng đã lợi dụng điều đó để lừa đảo khách hàng. Bên cạnh đó, các đối tượng còn có thể mở khóa đào tạo online lợi nhuận cao nhằm mục đích kêu gọi người tham gia góp vốn đầu tư liên tục rồi phía kêu gọi đầu tư bất ngờ sụp đổ, biến mất.

Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Kon Tum khuyến cáo người dân khi có nhu cầu khóa học “dạy bán hàng online” trên mạng xã hội cần tìm hiểu kỹ lưỡng và nâng cao cảnh giác nhằm tránh rơi vào các chiêu trò của những kẻ lừa đảo. Khi phát hiện trường hợp nghi vấn, đề nghị báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc liên hệ qua fanpage An Ninh Mạng Và Phòng Chống Tội Phạm Công Nghệ Cao Tỉnh Kon Tum (https://www.facebook.com/anninhmangkontum) để được hướng dẫn, xử lý kịp thời.


Tác giả: Khánh Vi