A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Để tội phạm phát sinh từ mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân không còn là nỗi lo

 

Thời gian gần đây, tình hình tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe do nguyên nhân xã hội, xuất phát từ mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân có nhiều diễn biến phức tạp; nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ mâu thuẫn trong đời sống sinh hoạt, nội bộ gia đình, mâu thuẫn tình cảm, trong việc thăm nuôi, chăm sóc con…, gây dư luận xấu trong xã hội.

Ảnh: Tập huấn công tác nghiệp vụ cho lực lượng Cảnh sát khu vực trên địa bàn tỉnh Kon Tum vào tháng 5 năm 2023

Trước thực trạng trên, bám sát sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công an, Lãnh đạo Công an tỉnh về nâng cao hiệu quả công tác nắm tình hình, giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân, không để mâu thuẫn kéo dài, phức tạp theo phương châm “từ mâu thuẫn to thành nhỏ, từ nhỏ thành không còn mâu thuẫn”, Công an tỉnh Kon Tum đã có kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện đến Công an cấp huyện, cấp xã và giao Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH) chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ liên quan theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện của các đơn vị. 

Trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 82 vụ việc mâu thuẫn với 160 người liên quan (trong đó đã giải quyết ổn định 81 vụ với biện pháp giải quyết hòa giải 55 vụ; hình sự 16 vụ; hành chính 10 vụ; 01 vụ đang giải quyết). Qua đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh chỉ xảy ra 03 vụ việc mâu thuẫn với 09 người liên quan đều đã được giải quyết ổn định và có chuyển biến tích cực.

Để phòng ngừa tội phạm phát sinh từ mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân theo chức năng của lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an cơ sở (Cảnh sát khu vực, Công an xã) mở chuyên đề nâng cao trách nhiệm, hiệu quả công tác nắm tình hình, phát hiện và giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân; trong đó, tập trung làm tốt công tác nắm tình hình để kịp thời phát hiện, giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ quần chúng Nhân dân, nhất là mâu thuẫn trong gia đình, tranh chấp đất đai, vay mượn tài sản... nhanh chóng giải quyết thấu đáo từ những việc nhỏ, ngay từ cơ sở, không để xảy ra các mâu thuẫn bức xúc, kéo dài dẫn đến giải quyết bằng bạo lực, phát sinh thành những "điểm nóng" về an ninh, trật tự.

Ảnh: Thực hiện công tác an sinh xã hội cho nhân dân tại cơ sở

Công an cấp xã đẩy mạnh công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự an toàn xã hội; thực hiện tốt các tiêu chí về an ninh trật tự trong xây dựng nông thôn mới và các đề án xây dựng khu dân cư, tổ dân phố an ninh, an toàn; thực hiện có hiệu quả công tác lập hồ sơ quản lý, giáo dục đối tượng tại xã, phường, thị trấn; thường xuyên kiểm danh, kiểm diện..., các đối tượng côn đồ hung hãn, có tiền án, tiền sự về các tội liên quan đến hành vi bạo lực, giết người, đặc biệt là các đối tượng có biểu hiện đòi nợ thuê, bảo kê, đâm thuê, chém mướn; làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm. Cảnh sát khu vực, Công an xã thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức gặp gỡ, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ, giúp đỡ Nhân dân, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, người không có việc làm, lao động tự do… để nắm tâm tư, nguyện vọng, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, từ đó kịp thời xử lý các vụ việc tiềm ẩn nguy cơ phát sinh mâu thuẫn, ảnh hưởng đến ANTT trên địa bàn.

Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát khu vực, Công an xã cũng đổi mới công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trong cộng đồng dân cư, giúp người dân thực sự hiểu biết quyền và nghĩa vụ khi tham gia các quan hệ xã hội, quyền và nghĩa vụ pháp lý trong đấu tranh tội phạm do nguyên nhân xã hội; tuyên truyền về giá trị đạo đức truyền thống trong gia đình, xóm làng, khu phố...; phát huy sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của mỗi gia đình và toàn xã hội, góp phần nâng cao nhận thức trong giải quyết các vấn đề phát sinh trong sinh hoạt, không để xảy ra mâu thuẫn. Củng cố, kiện toàn hoạt động của các “Tổ hòa giải”, “Tổ tự quản về an ninh trật tự” và các mô hình quần chúng khác nhằm nắm tình hình những mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân để giải quyết kịp thời, dứt điểm ngay từ cơ sở không để mâu thuẫn trở thành thù tức, phức tạp kéo dài làm phát sinh tội phạm.

Với những kết quả đạt được, lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH, trực tiếp là Cảnh sát khu vực, Công an xã đã và đang phát huy vai trò phòng ngừa tội phạm phát sinh từ mẫu thuẫn trong nội bộ Nhân dân, kịp thời nắm và giải quyết ban đầu các vụ việc, hạn chế việc phát sinh thành mâu thuẫn lớn, kéo giảm các vụ việc tranh chấp, đơn thư khiếu nại, góp phần giữ vững tình hình an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở./.

 


Tác giả: Kiều Trinh