A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kết quả công tác đấu tranh ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản

Tình hình khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh Kon Tum giảm mạnh so với giai đoạn trước, toàn tỉnh không có điểm nóng về khai thác khoáng sản trái phép, không xảy ra tình trạng các băng nhóm tội phạm “bảo kê”, cưỡng đoạt tài sản tại các điểm khai thác khoáng sản; tình hình an ninh trật tự trong hoạt động khai thác, kinh doanh khoáng sản nói chung và cát sỏi nói riêng cơ bản ổn định.

https://images.tintaynguyen.com/2019/04/kon-tum-de-nghi-lap-dat-camera-giam-sat-khai-thac-khoang-san.jpg

Một tàu khai thác trái phép cát, sỏi trên địa bàn tỉnh Kon Tum (ảnh minh họa)

Theo Báo cáo của Bộ Công an, sau 03 năm (2016 – 2019) triển khai Kế hoạch số 102/KH-BCA-C41 ngày 12/4/2016 về tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, kinh doanh cát, sỏi trên sông và cửa biển; Kế hoạch số 237/KH-BCA-C41 ngày 17/8/2016 về tăng cường phối hợp quản lý nhà nước đối với khoáng sản và đấu tranh với các hành vi khai thác khoáng sản trái phép, đặc biệt là cát, sỏi lòng sông, Công an các đơn vị, địa phương đã xây dựng, triển khai các kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật để Nhân dân và các tổ chức, cá nhân kinh doanh, khai thác cát chấp hành nghiêm quy định về khai thác tài nguyên khoáng sản, khai thác cảng, bến thủy nội địa và vận tải đường thủy nội địa trên các tuyến sông. Đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương đưa 1.474 lượt phóng sự, tin bài tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên khoáng sản; tổ chức gần 11.500 đợt tuyên truyền phổ biến, phát trên 31.000 tờ rơi tới các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia lên án, tố cáo các hành vi vi phạm trong lĩnh vực khai thác cát…

Về công tác đấu tranh, xử lý vi phạm, Công an các tỉnh, thành phố đã đấu tranh phát hiện 17.527 vụ/17.909 đối tượng (trong đó 5.067 vụ khai thác cát, sỏi trái phép). Kết quả khởi tố hình sự 74 vụ/153 bị can; xử lý vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt hơn 196 tỷ đồng; tịch thu, tạm giữ 494 tàu, thuyền, 357 ô tô các loại, 274 máy đào, máy hút, 12 tàu cuốc, 64 ống bơm, gần 39.500 tấn than và gần 12.000 tấn quặng các loại…

Thông qua thực hiện các kế hoạch, đã tuyên tuyền nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về bảo vệ môi trường và tài nguyên khoáng sản ngày càng nâng cao. Nhiều thông tin về hành vi khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh được người dân phản ánh, cung cấp giúp các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương nắm được tình hình, trên cơ sở đó có kế hoạch và biện pháp tổ chức kiểm tra, xử lý hiệu quả các vi phạm về khai thác, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản đặc biệt là khai thác cát, sỏi lòng sông.

Trên địa bàn tỉnh Kon Tum, từ tháng 4/2016 đến nay, Công an tỉnh đã trực tiếp phát hiện, xử lý 40 vụ vi phạm trên lĩnh vực khoáng sản với tổng số tiền xử phạt trên 1,3 tỷ. Trong đó: Từ tháng 5/2016 đến năm 2017, Công an tỉnh đã trực tiếp phát hiện, phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý 24 vị vi phạm trên lĩnh vực khai thác cát; năm 2018 phát hiện, xử lý 05 vụ vi phạm (03 vụ khai thác cát trái phép, 01 vụ khai thác đất trái phép; 01 vụ khai thác vàng trái phép); năm 2019 phát hiện, xử lý 11 vụ vi phạm (06 vụ khai thác cát trái phép, 05 vụ khai thác đất trái phép).

Điển hình: Ngày 24/01/2018, Phòng Cảnh sát môi trường phối hợp cùng Sở Tài nguyên và môi trường phát hiện, bắt quả tang 01 vụ khai thác vàng trái phép tại xã Đăk Kan, huyện Ngọc Hồi, Công an tỉnh đã đề xuất Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 08 đối tượng với tổng số tiền phạt là 510.000.000 đồng.

Nhìn chung, tình hình khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã giảm mạnh so với các giai đoạn trước, toàn tỉnh không có điểm nóng về khai thác khoáng sản trái phép, không xảy ra tình trạng các băng nhóm tội phạm “bảo kê”, cưỡng đoạt tài sản tại các điểm khai thác khoáng sản; tình hình an ninh trật tự trong hoạt động khai thác, kinh doanh khoáng sản nói chung và cát sỏi nói riêng cơ bản ổn định.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đấu tranh ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh cũng gặp những khó khăn, vướng mắc như: Việc nắm tình hình, phát hiện, bắt, xử lý các đối tượng khai thác trái phép, các công ty được cấp phép nhưng khai thác cát, sỏi ngoài vị trí cho phép gặp rất nhiều khó khăn, vì hiện nay tỉnh chưa có lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy, Thanh tra giao thông đường thủy để phối hợp, trong khi vấn đề trưng dụng tàu của cá nhân, tổ chức phục vụ cho bắt khai thác cát trái phép gặp nhiều khó khăn vì người dân lo ngại bị trả thù; xuất hiện phương thức, thủ đoạn mới trong hoạt động khai thác trái phép – thủ đoạn này rất khó theo dõi, phát hiện (các đối tượng chuyển từ phương thức đặt dàn máy hút cát tại vị trí cố định dễ bị phát hiện, xử lý sang đặt dàn máy hút lên xe ô tô có tính cơ động cao, rồi di chuyển đến khu vực sông, suối sau đó đưa máy xuống hút cát, khi hút xong các đối tượng đưa cả dàn máy lên xe cùng với cát đi khỏi hiện trường khai thác); trang thiết bị phục vụ công tác phát hiện, xử lý vi phạm trên lĩnh vực khoáng sản còn thiếu; công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng còn thiếu đồng bộ, chưa hiệu quả…

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh, vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành văn bản về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản trong Nhân dân; kiểm tra, rà soát, đánh giá tình hình cấp phép thăm dò, khai thác đối với các khu vực khoáng sản đã được khoanh định, công bố là khu vực khoáng sản phân tán nhỏ, lẻ; chỉ đề xuất khoanh định, công bố là khu vực khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ đối với các khu vực đáp ứng tiêu chí theo quy định; kiên quyết dừng khai thác, đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường những khu vực khai thác không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với công tác bảo vệ môi trường trong khai thác, chế biến khoáng sản; rà soát, kiểm tra công tác đóng cửa mỏ đối với các giấy phép khai thác khoáng sản hết hiệu lực; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đảm bảo an toàn lao động, ngăn chặn hiệu quả và xử lý nghiêm theo quy định các hành vi khai thác khoáng sản trái phép, nhất là khoáng sản cát, sỏi lòng sông…

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, UBND tỉnh, thời gian tới Công an tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 149/KH-BCA-PC49 ngày 10/5/2016 của Công an tỉnh về tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, kinh doanh cát, sỏi trên cửa sông và cửa biển, Kế hoạch số 361/KH-CAT-PC49 ngày 22/9/2016 của Công an tỉnh về tăng cường phối hợp quản lý nhà nước đối với khoáng sản và đấu tranh với các hành vi khai thác khoáng sản trái phép, đặc biệt là cát, sỏi lòng sông; thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công tại Quyết định số 07/2018/QĐ-UBND ngày 12/02/2018 của UBND tỉnh về Quy chế quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh; thực hiện tốt công tác nghiệp vụ, nắm tình hình, chủ động phát hiện, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, chế biến, kinh doanh, tập kết khoáng sản nói chung, đặc biệt đối với cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành các quy định pháp luật về khoáng sản, đất đai đối với doanh nghiệp và Nhân dân…

Thái Ngân