A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phải khởi tố để điều tra 100% các vụ có dấu hiệu xâm hại trẻ em

Cơ quan điều tra các cấp bảo đảm tỷ lệ thụ lý tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đối với các vụ xâm hại trẻ em đạt 100%; tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố về xâm hại trẻ em đạt trên 95% là nội dung chỉ đạo nổi bật của Quốc hội tại Nghị quyết số 121/2020/QH về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

http://cdn.kinhtedothi.vn/524/2020/1/8/bao%20luc%20tre%20em.jpg

Tuyên truyền phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em (ảnh: Trần Anh)

Theo Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em từ ngày 01/01/2015 đến ngày 30/6/2019, việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, số vụ Xâm hại trẻ em còn lớn; cả nước phát hiện, xử lý về hình sự và xử lý hành chính 8.442 vụ Xâm hại trẻ em với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Trong đó: Xâm hại tình dục: 6.432 trẻ em, chiếm 73,85% tổng số trẻ em bị xâm hại; bạo lực trẻ em: 857 trẻ em (giết trẻ em: 191 trẻ, cố ý gây thương tích: 666 trẻ), chiếm 9,84% tổng số trẻ em bị xâm hại; mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em: 106 trẻ em, chiếm 1,22% tổng số trẻ em bị xâm hại… Ngoài ra, còn có khoảng 13.489 trẻ em 15 tuổi tảo hôn; nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chậm được đổi mới, chưa phù hợp với một số nhóm đối tượng, đặc điểm địa bàn dân cư, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh nhằm phòng, chống xâm hại trẻ em ở nhiều địa phương chưa được quan tâm đúng mức… Trong thời gian tới, nếu không có các biện pháp phòng ngừa hiệu quả thì tình hình xâm hại trẻ em sẽ vẫn diễn biến phức tạp và có chiều hướng tăng.

Nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; phòng ngừa xâm hại trẻ em, Quốc hội đã chỉ đạo Bộ Công an tiếp tục rà soát, hướng dẫn cụ thể công tác phòng ngừa nghiệp vụ, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố về các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em; ban hành Quy định về điều tra thân thiện trong các vụ án xâm hại trẻ em; đẩy mạnh triển khai mô hình “Phòng điều tra thân thiện” tại Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; ban hành và triển khai kế hoạch phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng giải quyết các vụ án xâm hại trẻ em cho Điều tra viên.

Đáng chú ý, Cơ quan điều tra các cấp phải bảo đảm tỷ lệ thụ lý tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đối với các vụ xâm hại trẻ em đạt 100%; tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố về xâm hại trẻ em đạt trên 95%; 100% các vụ có dấu hiệu tội phạm phải được khởi tố để điều tra theo quy định của pháp luật; điều tra khám phá tội phạm xâm hại trẻ em đạt trên 80%, trong đó các tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt trên 90% tổng số án khởi tố; kiềm chế và kéo giảm từ 5% đến 7% các tội phạm xâm hại trẻ em; xây dựng các mô hình phòng ngừa xâm hại trẻ em, phòng ngừa, giáo dục, trợ giúp người chưa thành niên vi phạm pháp luật.

Tăng cường bảo vệ an toàn cho trẻ em là nạn nhân bị xâm hại; kịp thời đưa nạn nhân đi giám định hoặc phối hợp với cơ sở dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiến hành các biện pháp thu thập kịp thời chứng cứ, dấu vết phục vụ việc giám định, bao gồm cả giám định mức độ tổn hại về sức khỏe tâm thần của trẻ em; nắm đầy đủ, kịp thời thông tin các đối tượng đã có tiền án về xâm hại trẻ em và tiến hành các biện pháp phòng ngừa theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc thực thi chính sách pháp luật liên quan đến trẻ em thì rất cần sự phối hợp hiệu quả giữa gia đình, nhà trường và chính quyền địa phương để công tác chăm sóc, giáo dục, quản lý trẻ em đạt được hiệu quả cao nhất.

Thái Ngân