A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Ngày 25/6/2020, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Kon Tum đã ban hành Kế hoạch số 2246/KH-UBND về thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25 tháng 5 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

https://congankontum.gov.vn/wp-content/uploads/2019/09/word-image-15.png

Lực lượng chức năng Công an tỉnh phát động Phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ (nguồn: congankontum.gov.vn)

Nhằm kịp thời phổ biến, quán triệt nội dung Chỉ thị số 21-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp và người dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật nói chung, phòng ngừa, tố giác hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng; kịp thời ngăn chặn, đấu tranh và xử lý nghiêm đối với các hoạt động phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND các huyện, thành phố triển khai nhiều biện pháp công tác; trong đó, giao Công an tỉnh thực hiện các nhiệm vụ công tác sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật có liên quan và các phương thức, thủ đoạn, hậu quả do hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây ra để nâng cao ý thức cảnh giác của các tổ chức, cá nhân và người dân trên địa bàn tỉnh. Phối hợp chặt chẽ các sở, ngành, đoàn thể, địa phương làm tốt công tác phòng ngừa xã hội; tiếp tục xây dựng, phát triển phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với phát triển kinh tế – xã hội và phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng.

Thứ hai, tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc tỉnh kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác phòng ngừa và kịp thời xử lý nghiêm đối với hành vi, hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn.

Thứ ba, phối hợp với các Sở, ban, ngành và địa phương kiểm tra, rà soát và xác định những hạn chế, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và các quy định của pháp luật liên quan gây ảnh hưởng trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản để tham mưu, đề xuất các giải pháp xử lý, khắc phục kịp thời.

Thứ tư, chỉ đạo Công an các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác nắm tình hình, quản lý chặt chẽ các đối tượng có biểu hiện nghi vấn liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản; mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, trong đó có tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản; đặc biệt là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Tập trung điều tra, khởi tố và xử lý các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, triệt để thu hồi tài sản bị chiếm đoạt.

Thứ năm, thực hiện nghiêm quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; nhất là các nguồn tin liên quan đến tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, mỗi người dân cần nâng cao nhận thức, nắm bắt các phương thức, thủ đoạn, hậu quả của tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là lừa đảo trên không gian mạng để phòng tránh; chủ động thông báo ngay đến các cơ quan chức năng nếu phát hiện các hành vi vi phạm để kịp thời ngăn chặn, xử lý có hiệu quả.

Thái Ngân