A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người dưới 18 tuổi phạm tội và những quy định mới áp dụng tại Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)

Thời gian qua, tình trạng người chưa thành niên phạm tội đã gióng lên hồi chuông đáng báo động với nhiều loại tội phạm nguy hiểm như cướp giật, lừa đảo, tội phạm về tệ nạn ma túy, thậm chí là giết người… Vấn đề này không chỉ tạo ra mối lo cho toàn xã hội mà đòi hỏi các cơ quan, ban, ngành chức năng cần có nhiều biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn. Trong đó, sửa đổi quy định của pháp luật, siết chặt chế tài xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội đảm bảo yêu cầu giáo dục, răn đe là một bước phát triển quan trọng.

Description: C:UsersAdministratorDesktopphat duoi 18 tuoi.jpg_Fix1,777778.jpg

Chính sách xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được quy định tại Chương XII với 18 điều luật (từ Điều 90 đến Điều 107), BLHS năm 2015

Theo thống kê gần nhất của Bộ Công an, tỷ lệ gây án theo lứa tuổi ở tuổi vị thành niêntrên địa bàn cả nước là 5,2% đối với người dưới 14 tuổi, 24,5% đối với người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và 70,3% đối với người từ 16 đến dưới 18 tuổi. Từ đánh giá tổng thể có thể thấy, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật do trẻ vị thành niên gây ra tiếp tục diễn biến phức tạp với tính chất, mức độ phạm tội nguy hiểm hơn, gây hậu quả nghiêm trọng. Đặc biệt, tại các thành phố lớn, tỉ lệ trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật và phạm tội chiếm tỷ lệ cao hơn và có chiều hướng tăng nhanh hơn. Chính vì vậy, việc siết chặt cũng như nới lỏng chính sách xử lý hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội một cách phù hợp, đủ sức răn đe, giáo dục là hết sức cần thiết, vừa đáp ứng yêu cầu kéo giảm tội phạm, vừa phù hợp với quan điểm chung của cộng đồng quốc tế.

Theo BLHS năm 2015, chính sách xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được quy định tại Chương XII với 18 điều luật (từ Điều 90 đến Điều 107). So với BLHS năm 1999, BLHS năm 2015 đã tiếp tục hoàn thiện chính sách hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nhằm đảm bảo sự phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước ta về tăng cường bảo vệ người chưa thành niên, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội được ghi nhận trong Nghị quyết số 48-NQ/TW và Nghị quyết số 49-NQ/TW, đồng thời bảo đảm sự phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em và các chuẩn mực pháp lý quốc tế về tư pháp đối với người chưa thành niên. Nội dung sửa đổi, bổ sung về chính sách xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội tập trung vào các vấn đề sau đây: (1) Tiếp tục hoàn thiện quy định về nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội; (2) Bổ sung, hoàn thiện các biện pháp giám sát, giáo dục trong trường hợp người dưới 18 tuổi được miễn trách nhiệm hình sự; (3) Hoàn thiện hệ thống chế tài đối với người chưa thành niên phạm tội theo hướng tăng cường khả năng áp dụng các chế tài không tước tự do; (4) Bổ sung các chế định pháp lý về quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt, tổng hợp hình phạt, miễn chấp hành hình phạt tù còn lại; (5) Hoàn thiện quy định về xóa án tích đối với người chưa thành niên bị kết án theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho các em tái hòa nhập cộng đồng.

1. Nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội có những điểm mới sau (Điều 91): Bổ sung nguyên tắc “Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải đảm bảo lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi” (khoản 1), nguyên tắc “Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa” (khoản 6) và sửa đổi nguyên tắc “Khi xét xử, nếu thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội, thì Tòa án áp dụng một trong các biện pháp tư pháp được quy định tại Điều 70 của Bộ luật này” tại khoản 4, Điều 69 BLHS năm 1999 thành “Khi xét xử, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nếu xét thấy việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 hoặc việc áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng quy định tại Mục 3 Chương này không đảm bảo hiệu quả giáo dục, phòng ngừa” (khoản 4).

2. Thu hẹp phạm vi miễn trách nhiệm hình sự đối với người dưới 18 tuổi. Theo khoản 2, Điều 69 BLHS năm 1999 thì người chưa thành niên phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự nếu người đó phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng (đối với tất cả các tội danh có loại tội phạm này), gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục. Nay, theo khoản 2, Điều 91 BLHS năm 2015, người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng các biện pháp quy định tại Mục 2 Chương XII BLHS năm 2015:

– Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, trừ trường hợp quy định tại Điều 134 (Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác), Điều 141 (Tội hiếp dâm), Điều 171 (Tội cướp giật tài sản), Điều 248 (Tội sản xuất trái phép chất ma túy), Điều 249 (Tội tàng trữ trái phép chất ma túy), Điều 250 (Tội vận chuyển trái phép chất ma túy), Điều 251 (Tội mua bán trái phép chất ma túy), Điều 252 (Tội chiếm đoạt chất ma túy) của BLHS năm 2015.

– Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng, trừ trường hợp quy định tại Điều 123 (Tội Giết người), Điều 141 (Tội hiếp dâm), Điều 142 (Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi), Điều 144 (Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi), Điều 150 (Tội mua bán người), Điều 151 (Tội mua bán người dưới 16 tuổi), Điều 168 (Tội cướp tài sản), Điều 171 (Tội cướp giật tài sản), Điều 248 (Tội sản xuất trái phép chất ma túy), Điều 249 (Tội tàng trữ trái phép chất ma túy), Điều 250 (Tội vận chuyển trái phép chất ma túy), Điều 251 (Tội mua bán trái phép chất ma túy), Điều 252 (Tội chiếm đoạt chất ma túy), Điều 134 (Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác) của BLHS năm 2015.

– Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể trong vụ án.

3. Các biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự: Để thực hiện chủ trương nhân đạo hóa, tăng cường tính hướng thiện trong chính sách xử lý hình sự, nhất là đối với đối tượng cần bảo vệ đặc biệt là người chưa thành niên theo hướng sớm đưa các em ra khỏi vòng tố tụng khi có điều kiện để tránh những tác động tiêu cực không cần thiết, BLHS năm 2015 đã bổ sung một mục (Mục 2 tại Chương XII) với 4 điều luật quy định về 03 biện pháp giám sát, giáo dục đối với người dưới 18 tuổi trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 2, Điều 91 BLHS năm 2015; trong đó có 02 biện pháp hoàn toàn mới là Khiển trách (Điều 93) và Hòa giải tại cộng đồng (Điều 94), còn 01 biện pháp là Giáo dục tại xã, phường, thị trấn được chuyển từ biện pháp tư pháp (theo BLHS năm 1999) thành một trong những biện pháp giám sát, giáo dục khi được miễn trách nhiệm hình sự nhằm tăng khả năng áp dụng các biện pháp có lợi hơn cho người chưa thành niên trong thực tiễn. Đây là các biện pháp mang tính giáo dục-phòng ngừa xã hội được áp dụng nhằm mục đích giúp cho người chưa thành niên phạm tội nhận rõ được lỗi lầm, có thái độ ăn năn, hối cải, khắc phục sai phạm.

Về điều kiện áp dụngcác biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự: Theo tinh thần Điều 92, BLHS năm 2015, để áp dụng biện pháp giám sát, giáo dục đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự thì ngoài các điều kiện quy định tại khoản 2, Điều 91 và các Điều 93, 94, 95 của BLHS năm 2015 bắt buộc phải có sự đồng ý của người đó hoặc của người đại diện hợp pháp của họ về việc áp dụng một trong các biện pháp giám sát, giáo dục này. Quy định này nhằm tránh tình trạng oan sai hoặc việc cán bộ tiến hành tố tụng ép buộc người chưa thành niên phạm tội nhận tội để cho miễn trách nhiệm hình sự. Hơn nữa, biện pháp giám sát, giáo dục được áp dụng đặt ra nhiều nghĩa vụ cho người được giám sát, giáo dục; vì vậy, cần phải được sự đồng ý của họ trước khi ra quyết định áp dụng.

4. Biện pháp tư pháp: Mục 3, Chương XII gồm 02 điều (Điều 96 và Điều 97) quy định về áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội và việc chấm dứt trước thời hạn biện pháp này. Điểm mới về biện pháp tư pháp áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội là theo BLHS năm 2015 thì chỉ còn 01 biện pháp tư pháp, đồng thời tên biện pháp này được đổi từ “Đưa vào trường giáo dưỡng” thành “Giáo dục tại trường giáo dưỡng” cho phù hợp hơn. Về bản chất của biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, điều kiện áp dụng, thủ tục áp dụng, hậu quả pháp lý cũng như việc chấm dứt thời hạn biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng cơ bản được giữ nguyên như quy định của BLHS năm 1999 về biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng.

5. Hình phạt: Mục 4 gồm 04 điều (từ Điều 98 đến Điều 101) quy định về các hình phạt áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Về cơ bản các quy định này của BLHS năm 2015 không thay đổi so với quy định của BLHS năm 1999.

Riêng hình phạt Cải tạo không giam giữ (Điều 100) đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định cụ thể đối tượng bị áp dụng hình phạt này, đó là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do vô ý hoặc phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng hoặc người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng.

So với BLHS năm 1999, phạt tiền được sửa theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng đối với cả trường hợp người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do vô ý và trường hợp người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý nhằm tăng cường khả năng áp dụng chế tài không tước tự do đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

6. Xóa án tích: Điều 107, Mục 5, Chương XII, BLHS năm 2015 quy định xóa án tích đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Điều 107 BLHS năm 2015 mở rộng phạm vi không bị coi là có án tích đối với người chưa thành niên phạm tội: BLHS năm 1999 chỉ coi là không có án tích trong trường hợp người chưa thành niên phạm tội nếu được áp dụng những biện pháp tư pháp thì nay theo BLHS năm 2015, người trường hợp bị áp dụng biện pháp tư pháp, người chưa thành niên là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi hoặc người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý cũng không bị coi là có án tích.

Đối với các trường hợp bị coi là có án tích, BLHS năm 2015 sửa đổi quy định thời hạn xóa án tích theo hướng giảm so với quy định của BLHS năm 2009. Cụ thể: Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng đương nhiên được xóa án tích nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:

+ 06 tháng trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng được hưởng án treo;

+ 01 năm trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;

+ 02 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;

+ 03 năm trong trường hợp bị phạt tù trên 15 năm.

Có thể thấy, chính sách hình sự với người dưới 18 tuổi phạm tội trong BLHS năm 2015 thể hiện ở phạm vi chịu trách nhiệm hình sự và chính sách xử lý đối với người dưới 18 tuổi. Với quan điểm nhất quán trong việc bảo vệ trẻ em, chính sách hình sự của Nhà nước ta về việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên là giúp đỡ, cải tạo, giáo dục để người chưa thành niên nhận ra sai lầm của mình, tạo điều kiện để các em có khả năng tái hòa nhập cộng đồng. Những cải tiến về mặt lập pháp này không chỉ là chế tài quan trọng giúp giảm thiểu tình trạng người chưa thành niên phạm tội mà còn giúp rèn giũa, định hướng các em về mặt nhận thức, qua đó giải quyết, xử lý triệt để vấn đề coi thường pháp luật, coi thường sự nghiêm minh của Nhà nước và hạ thấp các giá trị đạo đức xã hội Việt Nam đối với thế hệ trẻ-người chủ tương lai, lực lượng thành trì xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Khánh Vi


Tin liên quan