A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những điểm mới về tội mua bán người theo quy định trong Bộ Luật hình sự năm 2015 (Sửa đổi, bổ sung năm 2017)

Những năm gần đây, tội phạm mua bán người có chiều hướng gia tăng về số vụ, tính chất nghiêm trọng với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình ANTT. Để phù hợp với yêu cầu của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và đáp ứng yêu cầu của Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị tội buôn bán người, Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã có nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung về tội mua bán người.

images1149537-1969anh-10-1428143006295.jpg

Ảnh minh họa

Những điểm mới cơ bản quy định về tội mua bán người theo quy định BLHS 2015: Quy định cụ thể hơn các dấu hiệu cấu thành tội phạm trên tinh thần khái niệm buôn bán người của Nghị định thư về phòng chống mua bán người mà Việt Nam là thành viên; Tách tội ghép “mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em” được quy định tại Điều 120 BLHS năm 1999 thành 03 tội danh độc lập là tội mua bán người dưới 16 tuổi (Điều 151), tội đánh tráo người dưới 01 tuổi (Điều 152) và tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi (Điều 153) nhằm phân hóa trách nhiệm hình sự đối với từng tội phạm trên cơ sở tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội; Khung tăng nặng của các điều luật được tách thành 2 khung tăng nặng khác và sắp sếp lại cho hợp lý, đồng thời, có sự phân hóa trong chính sách xử lý; Bổ sung các tình tiết tăng nặng mới, đồng thời bỏ một số tình tiết tăng nặng của BLHS năm 1999 không còn phù hợp; Chính sách xử lý hình sự tội danh này được điều chỉnh theo hướng nghiêm khắc hơn.

Tội mua bán người, tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp, người thực hiện tội phạm đã xâm phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự, quyền tự do, quyền làm người của nạn nhân, coi con người như một món hàng hóa để mua, bán, trao đổi nhằm mục đích kiếm lợi nhuận…

– Về hành vi khách quan: Điều 150 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về Tội mua bán người: “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc bằng thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm…”, nội hàm “mua” và “bán” quy định trong điều luật đã được chỉ rõ bằng những hành vi cụ thể mà tội phạm thường hay thực hiện như: “Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc bằng các thủ đoạn khác” để có được nạn nhân trong quá trình: “Tuyển mộ”, “vận chuyển”, “chứa chấp” và “chuyển giao”, “tiếp nhận người” nhằm thực hiện hành vi mua bán người.

Thời gian qua, quá trình đấu tranh với loại tội phạm này, nhiều trường hợp cán bộ thực thi pháp luật chưa có cơ sở pháp lý vững chắc để phân biệt, làm rõ giữa tội phạm mua bán người và các loại tội phạm khác có liên quan như: Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài, chứa mại dâm, môi giới mại dâm hay môi giới kết hôn, môi giới lao động. Do vậy, việc làm rõ trước và trong quá trình thực hiện tội phạm mua bán người, đối tượng đó đã có những hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc bằng các thủ đoạn khác là cần thiết, sẽ giúp cơ quan điều tra xác định rõ đâu là hành vi mua bán người vốn đặc trưng bởi yếu tố bạo lực, hăm dọa, cưỡng ép hoặc lừa gạt và đâu là các hành vi phạm tội khác mà các yếu tố về bạo lực thường không tồn tại hoặc nếu có thì tính chất cũng rất khác.

– Mặt chủ quan: Tội phạm mua bán người được quy định ở Điều 119, BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp, có mục đích chủ yếu là vụ lợi, “đổi người lấy tiền”, nhưng ở BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), ngoài tính vụ lợi, yếu tố chủ quan được cụ thể hóa và thể hiện rõ tính nguy hiểm của tội phạm mua bán người bằng việc bổ sung yếu tố mục đích của tội phạm là nhằm bóc lột: “Để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác”. “Lợi ích” mà tội phạm hướng tới khi thực hiện hành vi phạm tội này không chỉ là khoản tiền lợi ích thu được từ việc mua bán người mà là những lợi ích lớn hơn, lợi ích lâu dài thu được từ việc “bóc lột” nạn nhân. Mặt khác, quy định yếu tố mục đích “bóc lột” còn là một trong những dấu hiệu quan trọng để phân biệt tội phạm mua bán người với một số tội phạm khác như: Tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân quy định tại Điều 120 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Thực tế điều tra, truy tố, xét xử thời gian qua cho thấy, có những trường hợp môi giới lao động, môi giới kết hôn có yếu tố nước ngoài, về hình thức thì có dấu hiệu cấu thành tội mua bán người tại Điều 199 BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), nhưng “nạn nhân” trong những trường hợp này không bị thiệt hại gì, cũng như không bị “bóc lột”. Đối với trường hợp này, nếu xử lý về tội mua bán người là không hợp lý, không phục vụ được mục đích đấu tranh phòng, chống tội phạm.

– Về hình phạt: Điều 119 BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định khung hình phạt đối với Tội mua bán người như sau: Khoản 1 có khung hình phạt từ 2 năm đến 7 năm; Khoản 2 có khung hình phạt từ 5 năm đến 20 năm. Mức phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm. Điều 150 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định mức hình phạt cao hơn (Khoản 1 có khung hình phạt từ 5 năm đến 10 năm tù; khoản 2 có khung hình phạt từ 8 năm đến 15 năm tù và khoản 3 có khung hình phạt từ 12 năm đến 20 năm tù. Mức phạt tiền cũng tăng từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, người phạm tội có thể còn bị tịch thu tài sản.

Như vậy, BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã có những sửa đổi, bổ sung quan trọng về tội mua bán người. Việc sửa đổi này phù hợp với nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị tội phạm buôn bán người của pháp luật quốc tế, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong phòng, chống lọai tội phạm này thời gian vừa qua.

Duy Hòa