Quốc hội thảo luận về kinh tế – xã hội tại kỳ họp thứ 2
Trong 2 ngày 08 và 09/11/2021 kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã tiến hành thảo luận ở Hội trường về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV… Tại các Phiên thảo luận này, 3 đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Phạm Đình Thanh, Tô Văn Tám và Trần Thị Thu Phước đã cùng 117 đại biểu thuộc 57 đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố tham gia phát biểu, có 2 đại biểu tham gia tranh luận. Ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội tập trung vào những nội dung: Về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022, các đại biểu đánh giá cao kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp; đồng tình với mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022. Bên cạnh đó, các đại biểu tập trung thảo luận về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội năm 2022; việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia; chính sách phục hồi sản xuất, tạo việc làm cho người lao động; cơ chế đổi mới khoa học và công nghệ; công tác dạy và học trực tuyến, tuyển sinh đại học; tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên ở một số địa phương; giải pháp đẩy mạnh chương trình cấp điện đối với khu vực nông thôn, miền núi; phát triển kinh tế – xã hội vùng biên giới, cửa khẩu; công tác giảm nghèo; vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; tháo gỡ những khó khăn trong vấn đề quản lý đất đai; công tác quản lý, bảo vệ rừng, giải quyết vướng mắc liên quan đến đất đai của các công ty nông, lâm nghiệp; việc quản lý thông tin trên không gian mạng; giải pháp phát triển kinh tế số, chuyển đổi số; đẩy nhanh tiến độ đầu tư một số đường cao tốc; mở rộng liên kết vùng; vấn đề bình đẳng giới; chế độ, chính sách đối với công tác cán bộ; nâng mức hỗ trợ đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; chế độ đối với các xã đảo đặc biệt khó khăn; giải pháp phát triển du lịch, thu hút đầu tư nước ngoài sau đại dịch; chính sách đối với người có công với cách mạng; tháo gỡ những điểm nghẽn về thủ tục hành chính; vấn đề cơ cấu lại các tổ chức tín dụng… |
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Phước phát biểu thảo luận |
– Về Báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, các ý kiến đại biểu tập trung phân tích, đánh giá những kết quả đạt được, chỉ rõ tồn tại, hạn chế và đề xuất các giải pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch như: ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch; hoàn thiện hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở; các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch COVID-19; đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin; chính sách hỗ trợ đối với trẻ em mồ côi do đại dịch COVID-19; củng cố, tăng cường tuyến y tế cơ sở, y tế dự phòng, y tế tư nhân; kinh phí cho việc xét nghiệm COVID-19; tình hình thực hiện Nghị quyết số 128/NĐ-CP của Chính phủ quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiếm soát hiệu quả dịch COVID-19”;… – Về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 03 năm 2022-2024, các đại biểu tập trung thảo luận về kết quả thu ngân sách nhà nước; cơ cấu ngân sách nhà nước; chính sách thu ngân sách; chi cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19; tăng điều tiết ngân sách cho các tỉnh, thành bị thiệt hại nặng nề do dịch COVID-19; việc phân bổ nguồn thu từ xổ số kiến thiết tại các địa phương; vấn đề kiểm soát nợ công; rà soát danh mục đầu tư công trung hạn;…. Đại biểu Quốc hội Phạm Đình Thanh đã phát biểu tham gia 5 ý kiến về Mục tiêu, các chỉ tiêu chủ yếu và các nhóm giải pháp để tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022; Công tác phòng, chống dịch COVID-19; Việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và nhân lực cho y tế cơ sở; Sớm chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong xử lý việc sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp đã tồn tại nhiều năm qua ở các tỉnh Tây Nguyên; Sớm xem xét công nhận Sâm Ngọc Linh là loại cây trồng chính để quản lý theo Luật Trồng trọt được cấp phép nuôi trồng;… Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám đã phát biểu tham gia 4 ý kiến về các thành tựu phát triển kinh tế – xã hội năm 2021; Về vấn đề thể chế; Vấn đề quản lý xã hội và giải quyết vấn đề xã hội của chính quyền; Việc triển khai thực hiện Đề án tổng thể Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030;… Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Phước đã phát biểu tham gia 4 ý kiến về Vấn đề an sinh xã hội, đặc biệt đối với trẻ em gia đình hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa; Cần khẩn trương đánh giá hiệu quả học tập trực tuyến của học sinh, sinh viên thời gian qua, xác định những vướng mắc, bất cập và có những giải pháp để giải quyết, phát huy tốt ưu điểm của hình thức giáo dục đào tạo trực tuyến trong thời gian tới; Về tình trạng di dân, việc làm và nhu cầu lao động; Khung pháp lý chính sách phù hợp với các hình thái lao động mới./. |
Theo daibieudancukontum.gov.vn |