A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giới thiệu dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh

         Nhằm giúp cán bộ, chiến sĩ (CBCS), các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức chính trị xã hội và các tầng lớp Nhân dân hiểu đúng về tầm quan trọng, sự cần thiết ban hành các dự án Luật đối với đời sống xã hội và trong công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tạo sự đồng thuận, ủng hộ trong cả hệ thống chính trị đối với các dự án Luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, Trang thông tin điện tử Công an tỉnh đăng tải nội dung Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

1. Sự cần thiết xây dựng, ban hành Luật

2.1. Căn cứ chính trị

Trong thời gian qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị (Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày 05/9/2019 của Bộ Chính trị về chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia; Nghị quyết số 27/NQ-TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp luật Xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới) để yêu cầu các cơ quan nhà nước chủ động ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với mục tiêu “Phấn đấu đến năm 2030, hoàn thành xây dựng Chính phủ số, đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ ba trong khu vực ASEAN về Chính phủ điện tử, kinh tế số” (Khoản 1 Mục II và khoản 1 Mục IV Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 – 2030 Văn kiện Đại hội XIII của Đảng). Đồng thời, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, qua rà soát các quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam chưa đáp ứng được các chủ trương, chính sách của Đảng nên cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi để kịp thời thể chế hóa các chủ trương, chính sách đó.

2.2. Căn cứ pháp lý

- Nghị quyết số 76/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV; trong đó, Quốc hội đã đồng ý bổ sung thông tin “nơi sinh” vào hộ chiếu cấp cho công dân Việt Nam và giao Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để triển khai thực hiện; khẩn trương nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi khoản 3 Điều 6 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

- Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030. Theo đó, đã xác định công tác cải cách hành chính phải được tiến hành một cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thành phần hồ sơ và tối ưu hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; bãi bỏ các rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch; đổi mới và nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử để người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện dịch vụ mọi lúc, mọi nơi, trên các phương tiện khác nhau.

- Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023 đã nêu nhiệm vụ, giải pháp “tiếp tục hoàn thiện chính sách tạo thuận lợi về nhập cảnh, xuất cảnh và đi lại cho khách du lịch quốc tế”.

- Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; trong đó, một trong những nhiệm vụ, giải pháp kiến tạo thể chế xác định cần rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực chuyên ngành để đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các mối quan hệ mới phát sinh trong tiến trình chuyển đổi số, khuyến khích đổi mới, sáng tạo.

- Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ; trong đó, trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh có thủ tục trình báo mất hộ chiếu phổ thông sẽ được phân cấp giải quyết từ cấp Cục Quản lý xuất nhập cảnh về Công an cấp tỉnh, từ Công an cấp tỉnh về Công an cấp huyện, từ Công an cấp huyện về Công an cấp xã…

3. Căn cứ thực tiễn

Qua nghiên cứu, rà soát, tổng kết thực tiễn thi hành Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Bộ Công an thấy rằng đã phát sinh một số tồn tại, hạn chế và yêu cầu của tình hình thực tiễn cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, cụ thể như sau:

a) Đối với Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam

- Khoản 1 Điều 15 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam quy định “Người đề nghị cấp hộ chiếu nộp tờ khai theo mẫu đã điền đầy đủ thông tin, 02 ảnh chân dung và giấy tờ liên quan theo quy định tại khoản 2 Điều này; xuất trình Chứng minh nhân dân, Thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng”. Như vậy, theo quy định trên thì người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nuớc phải trực tiếp thực hiện đề nghị cấp hộ chiếu tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh; do vậy, để bảo đảm cơ sở pháp lý thực hiện việc cấp hộ chiếu phổ thông cho công dân ở dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cần bổ sung quy định về hình thức, trình tự và thủ tục thực hiện đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông trên môi trường điện tử.

- Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 28 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam thì trong thời hạn 48 giờ kể từ khi phát hiện hộ chiếu phổ thông bị mất, người bị mất hộ chiếu trực tiếp nộp hoặc gửi đơn báo mất theo mẫu cho Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh nơi thuận lợi, cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu hoặc cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nơi thuận lợi. Như vậy, cũng cần nghiên cứu bổ sung quy định về hình thức, trình tự và thủ tục thực hiện báo mất hộ chiếu phổ thông trên môi trường điện tử để bảo đảm cơ sở pháp lý thực hiện.

- Theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam thì người đề nghị khôi phục giá trị sử dụng hộ chiếu phổ thông trực tiếp nộp tờ khai và hộ chiếu tại cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an hoặc cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi thuận lợi. Để tạo điều kiện thuận lợi công dân trong việc thực hiện đề nghị khôi phục giá trị sử dụng của hộ chiếu phổ thông trên môi trường điện tử cần nghiên cứu, bổ sung quy định này vào Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

- Điểm a khoản 2 Điều 15 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam quy định giấy tờ liên quan đến cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nước phải có bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh đối với người chưa đủ 14 tuổi. Hiện nay, Bộ Công an đã hoàn thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh, nên các cơ quan quản lý xuất nhập cảnh có thể tra cứu thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, không cần thiết phải đề nghị công dân cung cấp bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh đối với người chưa đủ 14 tuổi. Ngoài ra, khoản 2 Điều 28 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam quy định thủ tục báo mất hộ chiếu của công dân chưa có quy định báo mất trên môi trường điện tử và chưa phân cấp triệt để cho Công an các cấp trong thực hiện thủ tục tiếp nhận đơn báo mất hộ chiếu của công dân. Do đó, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 15 và khoản 2 Điều 28 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam để tạo cơ sở pháp lý thực hiện việc phân cấp giải quyết thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo các Quyết định nêu trên.

- Theo quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Bộ Công an là đơn vị chủ trì ký kết thỏa thuận quốc tế trong việc tiếp nhận công dân Việt Nam không được phía nước ngoài cho cư trú theo phân công của Chính phủ (Điều 45); Bộ Ngoại giao là đơn vị chủ trì trong việc ký kết điều ước quốc tế liên quan đến xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và tiếp nhận công dân Việt Nam không được phía nước ngoài cho cư trú (Điều 46). Như vậy cùng một vấn đề ký kết hợp tác quốc tế về nhận trở lại công dân nhưng có 02 Bộ chủ trì nên cần phải điều chỉnh lại, theo hướng chỉ giao một Bộ chủ trì.

Theo quy định của Luật Cư trú và Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Bộ Công an là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cư trú và xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Công tác tiếp nhận công dân Việt Nam không được nước ngoài cho cư trú là một trong những nội dung của công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Bộ Công an là đơn vị trực tiếp tổ chức thực hiện các hiệp định, thỏa thuận về nhận trở lại công dân Việt Nam không được nước ngoài cho cư trú, như: tổ chức xác minh, cấp giấy tờ đi lại, thực hiện tiếp nhận công dân khi nước ngoài trao trả… Do đó, nếu giao cho Bộ Ngoại giao đề xuất đàm phán ký kết, Bộ Công an tổ chức thực hiện sẽ thiếu tính thống nhất, không bảo đảm tính kịp thời và không bám sát được thực tiễn.

Về việc thực hiện công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài, trên thực tế Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài chỉ thực hiện công tác bảo hộ trong giai đoạn công dân đang bị tố tụng (bị bắt giữ, xét xử), sau khi đã có quyết định xét xử, trục xuất của cơ quan chức năng nước ngoài thì việc xác minh, tổ chức tiếp nhận công dân Việt Nam bị nước ngoài trục xuất hoàn toàn do các cơ quan chức năng của Bộ Công an thực hiện.

Trong các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về nhận trở lại công dân Việt Nam đã ký kết đều quy định Bộ Công an (Cục Quản lý xuất nhập cảnh) là đầu mối thực hiện. Nhận trở lại công dân là một hoạt động trong công tác phòng, chống đưa người di cư trái phép. Qua nghiên cứu, nhận thấy hầu hết các quốc gia thành viên Nghị định thư về chống đưa người di cư trái phép bằng đường bộ, đường biển và đường hàng không, bổ sung Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia đều chỉ định các đơn vị An ninh, Cảnh sát là cơ quan đầu mối trao đổi thông tin.

Trên thực tế, gần đây Bộ Công an đã chủ trì đàm phán 03 thỏa thuận về nhận trở lại công dân Việt Nam không được nước ngoài cho cư trú; kết quả đàm phán đảm bảo đáp ứng yêu cầu chính trị, đối ngoại.

Do đó, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam theo hướng quy định Bộ Công an chủ trì thực hiện đàm phán, ký kết điều ước quốc tế về nhận trở lại công dân Việt Nam không được nước ngoài cho cư trú để phù hợp với phạm vi chức năng của Bộ Công an và đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Trước đây theo quy định của Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17/8/2007 của Chính phủ thì Phó Tùy viên Quốc phòng tại cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài được cấp hộ chiếu ngoại giao, tuy nhiên, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam không quy định trường hợp này thuộc đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao đã gây khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng, ảnh hưởng đến vai trò, vị thế của Cơ quan Tùy viên Quốc phòng Việt Nam ở nước ngoài. Do vậy, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam để đảm bảo phù hợp với thực tế công tác của Cơ quan Tùy viên Quốc phòng Việt Nam ở nước ngoài.

- Thời gian qua, tình trạng công dân đề nghị cấp hộ chiếu khi đến hẹn nhận kết quả nhưng không đến nhận hộ chiếu (không đề nghị trả hộ chiếu qua bưu chính công ích) dẫn đến nhiều khó khăn trong công tác trả hộ chiếu cho công dân, cũng như việc quản lý hộ chiếu đã cấp cho công dân mà không đến nhận (từ 01/7/2020 đến 24/3/2023 đã có 975 trường hợp công dân đã được cấp hộ chiếu nhưng không nhận kết quả). Do vậy, cần nghiên cứu bổ sung quy định về việc hủy giá trị sử dụng hộ chiếu phổ thông (Điều 27) đối với các trường hợp đã được cấp hộ chiếu mà không đến nhận kết quả để bảo đảm hiệu quả công tác cấp giấy tờ xuất nhập cảnh nói riêng, công tác quản lý xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam nói chung.

- Điều 18 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam đã quy định các trường hợp được cấp hộ chiếu rút gọn, tuy nhiên, chưa bao hàm được nhiều diện đối tượng không có hộ chiếu mà cần về nước ngay, như: người không được phía nước ngoài cho cư trú, nạn nhân mua bán người, ngư dân… Do vậy, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về việc cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, cũng như phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

b) Đối với Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam

- Qua thực tiễn thi hành cho thấy Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2020) đã có những quy định góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nước ngoài vào Việt Nam du lịch, đầu tư…, trong đó, đặc biệt là việc luật hóa chính sách thị thực điện tử sau thời gian thí điểm. Tuy nhiên, các quy định sửa đổi, bổ sung của Luật năm 2020 có hiệu lực vào thời điểm cả thế giới phải đối mặt với đại dịch Covid-19, Việt Nam đang áp dụng các biện pháp đặc biệt nhằm tăng cường phòng chống dịch, do đó, hiệu quả trong việc đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của các chính sách còn hạn chế.

Từ ngày 15/03/2022, sau khi Chính phủ khôi phục các chính sách xuất nhập cảnh, cho phép mở cửa du lịch, các hoạt động xuất nhập cảnh đã dần trở lại trạng thái bình thường, lượng người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trong năm 2022 tăng gấp 6,6 lần so với năm 2021 nhưng vẫn còn rất thấp so với thời điểm trước dịch, chỉ bằng 32,6% so với năm 2019. Đến nay, dịch bệnh Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát, nhiều nước đã gỡ bỏ các biện pháp phòng chống dịch nhằm phục hồi nền kinh tế, tuy nhiên hậu quả của đại dịch đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động cơ bản trên tất cả các lĩnh vực, nhất là ngành du lịch. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các Cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam, Hiệp hội thương mại, doanh nghiệp nước ngoài (EuroCham, AmCham Việt Nam); Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF); Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) và Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) có nhiều kiến nghị cần thông thoáng hơn trong chính sách thị thực của Việt Nam nhằm góp phần nâng cao tính cạnh tranh, thu hút khách du lịch quốc tế trong thời gian tới.

Trước bối cảnh đó, Chính phủ đã đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, góp phần thúc đẩy phục hồi du lịch, kinh tế xã hội; trong đó, có nhiệm vụ, giải pháp “tiếp tục hoàn thiện chính sách tạo thuận lợi về nhập cảnh, xuất cảnh và đi lại cho khách du lịch quốc tế”. Lãnh đạo Chính phủ đã có các chỉ đạo quyết liệt nhằm tạo điều kiện thuận lợi, thu hút hơn nữa người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan: “khẩn trương nghiên cứu, đánh giá, đề xuất sửa đổi quy định pháp luật về xuất nhập cảnh, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất để tạo điều kiện thuận lợi hơn về thủ tục, thời gian, số lượt nhập cảnh, số ngày lưu trú tại Việt Nam nhằm thu hút khách du lịch quốc tế” ; “tăng cường giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, cải tiến quy trình, cải cách thủ tục hành chính liên quan việc cấp thị thực; rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung các chính sách về thị thực để tạo thuận lợi cho khách du lịch nhập cảnh” (Khoản 1 Mục II và khoản 1 Mục IV Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 - 2030 Văn kiện Đại hội XIII của Đảng). 

Qua quá trình thực hiện thí điểm và triển khai chính thức chính sách thị thực điện tử cho thấy thị thực điện tử với thủ tục hành chính công ở mức độ cao nhất, có tính cạnh tranh vượt trội so với chính sách thị thực của các nước trong khu vực và thế giới về sự thuận tiện, thông thoáng, công khai và minh bạch; đồng thời đảm bảo công tác quản lý. Tuy nhiên, theo quy định của Luật, Chính phủ quyết định danh sách các nước có công dân được cấp thị thực điện tử trên cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện: (1) có quan hệ ngoại giao với Việt Nam; (2) phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của Việt Nam trong từng thời kỳ; (3) không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam. Quá trình triển khai thực hiện, quy định trên ràng buộc việc mở rộng đối tượng được cấp thị thực điện tử, do đó, ảnh hưởng đến việc thu hút nhiều hơn nữa khách quốc tế đến Việt Nam. Do đó, cần nghiên cứu sửa đổi để có thể mở rộng áp dụng nhiều hơn nữa công dân các nước, vùng lãnh thổ nếu bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Bên cạnh đó, thời hạn thị thực điện tử tương đối ngắn (không quá 30 ngày) và chỉ có giá trị nhập cảnh một lần chưa thực sự tạo thuận lợi cho người nước ngoài có nhu cầu vào Việt Nam du lịch, khảo sát thị trường… dài ngày hoặc có nhu cầu nhập xuất cảnh nhiều lần, do đó, cần nghiên cứu, sửa đổi, nâng thời hạn, giá trị của thị thực điện tử.

Do đó, việc tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi một số quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho khách du lịch, chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài… vào Việt Nam nhằm góp phần thúc đẩy du lịch, phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 là cần thiết.

Với việc tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh, dự báo lượng người nước ngoài nhập cảnh sẽ tăng, đặc biệt, số người nhập cảnh bằng thị thực điện tử (không có cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh) sẽ ngày càng nhiều, đòi hỏi công tác quản lý cư trú của người nước ngoài phải được tăng cường hơn nhằm phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng chính sách thông thoáng về nhập xuất cảnh của Việt Nam để hoạt động vi phạm pháp luật. Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, cần thiết bổ sung, sửa đổi một số quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Từ những lý do nêu trên, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5 năm 2023) theo trình tự, thủ tục rút gọn là hết sức cần thiết để giải quyết ngay những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn.

2. Mục đích, quan điểm chỉ dạo xây dựng Luật

2.1. Mục đích

Góp phần đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam trong việc cấp giấy tờ xuất nhập cảnh và người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam; góp phần phát triển kinh tế - xã hội; vừa đảm bảo giữ vững an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Hoàn thiện cơ sở pháp lý, đồng bộ, thống nhất và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

2.2. Quan điểm chỉ đạo xây dựng

Việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam được thực hiện theo các quan điểm chỉ đạo cơ bản sau đây:

- Tiếp tục thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật của Nhà nước và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

- Tiếp tục bảo đảm công khai, minh bạch, đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam trong việc cấp giấy tờ xuất nhập cảnh và người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam.

- Xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định hiện hành còn phù hợp với thực tiễn và giải quyết những vấn đề cần điều chỉnh để góp phần thực hiện tốt hơn đường lối đối ngoại, phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

3. Các nội dung của dự thảo Luật

2.1. Sửa đổi 12 điều, khoản của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 (viết gọn là Luật số 49); tập trung vào 02 nhóm nội dung.

- Nhóm nội dung sửa đổi để cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện quy định về việc thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh trên môi trường điện tử:

+ Bổ sung khoản 9 vào Điều 15, sửa đổi khoản 2 Điều 28, sửa đổi khoản 2 Điều 32 Luật số 49 để bổ sung hình thức nộp hồ sơ trên môi trường điện tử đối với thủ tục đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông, báo mất hộ chiếu phổ thông trên môi trường điện tử, khôi phục giá trị sử dụng của hộ chiếu phổ thông.

+ Sửa đổi khoản 2 Điều 15 để bãi bỏ quy định nộp bản chụp Chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân đối với trường hợp có sự thay đổi thông tin về nhân thân so với thông tin trong hộ chiếu đã cấp lần gần nhất và bãi bỏ quy định nộp Bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh đối với người chưa đủ 14 tuổi.

+ Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 28 Luật số 49 để phân cấp giải quyết việc trình báo mất hộ chiếu phổ thông từ cấp Cục Quản lý xuất nhập cảnh về Công an cấp tỉnh, từ Công an cấp tỉnh về Công an cấp huyện, từ Công an cấp huyện về Công an cấp xã.

- Nhóm nội dung sửa đổi để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong việc xin thị thực nhập cảnh nước ngoài, cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật:

+ Sửa đổi khoản 3 Điều 6 Luật số 49 để bổ sung thông tin “nơi sinh” trên giấy tờ xuất nhập cảnh; sửa đổi khoản 11 Điều 8 để bổ sung quy định người giữ các chức vụ từ Phó Tùy viên Quốc phòng trở lên tại cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, phái đoàn thường trực Việt Nam tại các tổ chức quốc tế liên Chính phủ, cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài thuộc trường hợp được cấp hộ chiếu ngoại giao.

+ Sửa đổi khoản 2 Điều 17, khoản 2 Điều 18 Luật số 49 sửa đổi các quy định về các trường hợp, trình tự, thủ tục cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn theo hướng mở rộng đối tượng được cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn, quy định về thủ tục cấp hộ chiếu theo thủ tục rút gọn trong một số trường hợp đặc biệt cấp bách.

+ Sửa đổi khoản 1 Điều 27 để bổ sung quy định về việc hủy giá trị sử dụng hộ chiếu phổ thông đối với các trường hợp đã được cấp hộ chiếu mà không đến nhận kết quả.

+ Sửa đổi quy định tại Điều 45, Điều 46 Luật số 49 để thống nhất cơ quan chủ trì đề xuất đàm phán, ký kết các Điều ước quốc tế, Thỏa thuận quốc tế liên quan đến nhận trở lại công dân Việt Nam không được nước ngoài cho cư trú.

2.2. Sửa đổi 08 điều, khoản của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) (viết gọn là Luật số 47), tập trung vào 02 nhóm nội dung sau:

- Nhóm nội dung sửa đổi các quy định của Luật số 47 để tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài nhập xuất cảnh Việt Nam:

+ Sửa đổi, bổ sung quy định tại các điều 7 và 9 Luật số 47 để nâng thời hạn của thị thực điện tử từ 30 ngày lên 03 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần;

+ Sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 19a để mở rộng cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ và giao Chính phủ quyết định danh sách cụ thể các nước, vùng lãnh thổ trên cơ sở có đi có lại, đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam;

+ Sửa đổi, bổ sung Điều 31 để nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực và được xem xét giải quyết cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo các quy định khác của Luật số 47.

- Nhóm nội dung sửa đổi để quản lý cư trú người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội:

+ Sửa đổi, bổ sung Điều 33 Luật số 47 để bổ sung trách nhiệm của Cơ sở lưu trú;

+ Sửa đổi khoản 2 Điều 44 Luật số 47 để bổ sung nghĩa vụ của người nước ngoài trong việc xuất trình hộ chiếu và giấy tờ có giá trị cư trú tại Việt Nam cho cơ sở lưu trú để thực hiện khai báo tạm trú theo quy định;

+ Sửa đổi tên Chương VII Luật số 47 và bổ sung một Điều quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan hoạt động của người nước ngoài cư trú tại Việt Nam.


Tác giả: Bích Nga
Nguồn:Bộ Công an Copy link
Tin liên quan