A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Báo động tai nạn giao thông ở vùng nông thôn

 

Phải nói rằng, không ít người vẫn nghĩ rằng, tai nạn giao thông thường chỉ xảy ra trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ nên có phần chủ quan khi tham gia giao thông trên các tuyến đường giao thông nông thôn. Tuy nhiên, thực tế, tai nạn giao thông tại vùng nông thôn ở địa bàn tỉnh ta đang gia tăng đến mức báo động.

Theo thống kê của đơn vị chức, trên địa bàn tỉnh trong gần 9 tháng đầu năm 2014 (từ 16/11/2013 đến 11/9/2014) toàn tỉnh xảy ra 20 vụ tại địa bàn nông thôn, làm chết 16 người, 15 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước tăng cả 3 mặt, tăng 4 vụ, tăng 4 người chết và 11 người bị thương. Một trong những địa bàn tai nạn ở vùng nông thôn cao là Ngọc Hồi, Đăk Tô, Kon Plông…Đây thực sự là con số đáng báo động.       

Đặc biệt, chỉ trong vòng nửa đầu tháng 9 này, tai nạn ở vùng nông thôn trên địa đã làm 4 người chết và 2 người bị thương. Điển hình như vụ gần đây nhất xảy ra vào ngày 13/9/2014 tại thôn Măng Đen, xã Đăk Long (huyện Kon PLông) giữa xe mô tô mang BKS 82K8 – 1794 do A Nút (26 tuổi, trú tại thôn Kon Năng, xã Măng Cành, huyện Kon PLông) điều khiển, phía sau chở sau cha ruột là A Môn (51 tuổi, cùng trú tại thôn Kon Năng) đã va chạm với 2 xe mô tô đi ngược chiều. Hậu quả, A Nút tử vong. Hay vụ ngày 1/9, tại xã Đăk Nên (huyện Kon Plông), xe ô tô tải biển kiểm soát 82K – 2925 đã mất lái lao xuống khu vực lòng hồ thủy điện Đăk Đrinh. Hậu quả, 2 người trên xe là Phạm Văn Yên (27 tuổi  ở Thanh Hóa) và Tô Đình Hải (26 tuổi quê ở  Bình Định)  tử vong tại chỗ và 2 người khác bị thương…

Tại nạn giao thông ở vùng nông thôn gia tăng có nhiều nguyên nhân nhưng qua phân tích của đơn vị chức năng TNGT ở vùng nông thôn cao nằm ở 3 khía cạnh: hạ tầng giao thông, phương tiện và ý thức người tham gia giao thông. Bởi vì trên thực tế, nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã đã cải tạo mở rộng, nâng cấp nhưng điều nguy hiểm nhất là trên những tuyến đường này có nhiều đường ngang, đường nhánh nối với các đường tỉnh, hơn nữa đường lại có nhiều đèo dốc, quanh co, khuất tầm nhìn…Trong khi đó, người tham gia giao thông chủ quan, phóng nhanh vượt ẩu dẫn đến tai nạn. Ngoài ra, nhiều xe mô tô, xe máy đang lưu hành ở nông thôn không bảo đảm an toàn, xe máy cũ từ các đô thị lớn dồn về, xe tự chế còn phổ biến; người điều khiển phương tiện chưa nắm vững Luật Giao thông đường bộ, kỹ năng điều khiển phương tiện của người dân khu vực nông thôn chưa cao. Cùng với đó là tình trạng sử dụng rượu bia phóng nhanh lại không đội mũ bảo hiểm… do đó khi tai nạn giao thông xảy ra, hậu quả để lại rất nặng nề.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Ngọc Doãn- Phó trưởng Phòng CSGT tỉnh nhận xét: Ngoài nguyên nhân ý thức chấp hành của người dân ở vùng nông thôn chưa cao; lực lượng chức năng chưa chú trọng nhiều đến việc tuần tra, kiểm soát ở địa bàn này thì thực trạng hệ thống hạ tầng giao thông chưa đáp ứng nhu cầu đi lại, đường xấu, quanh co, đèo dốc là nguyên nhân dẫn đến TNGT ở vùng nông thôn gia tăng trong thời gian qua. Hơn nữa các cấp chính quyền cơ sở cũng chưa thực sự quan tâm đến công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn; lực lượng cảnh sát giao thông các huyện mỏng nên chưa tổ chức nhiều việc tuần tra kiểm soát tại địa bàn nông thôn…  

“ Thực sự mà nói thì lực lượng công an xã cũng chưa mấy quan tâm đến việc gìn giữ TTATGT. Đặc biệt, cái khó là ở địa bàn nông thôn, cùng thôn, cùng xã, hầu hết là quen biết nên dẫn đến nể nang trong việc xử lý lý vi phạm. Vì vậy, việc ý thức chấp hành của người dân chưa cao…”- Đại tá Nguyễn Ngọc Doãn cho biết thêm.

Ông Dương Chuyện- Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết: Thời gian qua, tình hình TNGT trên địa bàn nông thôn ở tỉnh có chiều hướng gia tăng mà nguyên nhân chủ yếu do ý thức chấp hành của người dân còn thấp, phóng nhanh, vượt ẩu, thiếu chú ý quan sát…Vì vậy, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban An toàn giao thông tỉnh đã ban hành kế hoạch tăng cường giải pháp đồng bộ bảo đảm TTATGT trên địa bàn nông thôn giai đoạn 2014- 2015; tổ chức đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, kết hợp công tác tuần tra, xử nghiêm các trường hợp vi phạm. Đặc biệt, Ban ATGT tỉnh yêu cầu Ban ATGT các huyện, thành phố, đơn vị chức năng, công an tỉnh chỉ đạo công an huyện, xã tiến hành rà soát lại địa bàn thường xảy ra tai nạn để lắp đặt các biển pa nô tuyên truyền, biển cảnh báo; xác định điểm đấu nối làm gờ giảm tốc từ đường phụ với đường chính. Đặc biệt, tiến hành rà soát những thanh thiếu niên hư, đối tượng quậy phá thường vi phạm TTATGT và có biện pháp giáo dục, răn đe…nhằm nâng cao ý thức chấp hành, góp phần hạn chế tình hình TNGT tại địa bàn nông thôn.

Với tình hình đó, công tác bảo đảm TTATGT ở vùng nông thôn trên địa bàn tình cần được chú trọng hơn nữa trong thời gian tới. Trong đó, cần đề ra các giải pháp, trong đó tập trung tuyên truyền, vận động người dân khu vực nông thôn tự giác chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, thực hiện các biện pháp phòng tránh tai nạn như đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy; tuân thủ tốc độ quy định, giảm tốc độ quan sát an toàn khi đi từ đường phụ ra đường chính; đã uống rượu bia thì không lái xe… Đồng thời, huy động các lực lượng tham gia bảo đảm TTATGT mà nòng cốt là lực lượng công an huyện, công an xã, đội tự quản các thôn trong việc tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm ở các tuyến đường tai nạn thường xảy ra. Đặc biệt là không chỉ kết hợp tuyên truyền, nhắc nhở… mà phải xử lý vi phạm để nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân…nhằm hạn chế TNGT tại các vùng nông thôn.


alt

Một vụ TNGT ở vùng nông thôn 


alt

Người dân vi phạm không đội MBH


Đại tá Nguyễn Ngọc Doãn- Phó Trưởng Phòng CSGT tỉnh cho hay: Nhiều người vẫn lầm tưởng rằng, TNGT chủ yếu xảy ra ở các tuyến đường Quốc lộ mà ít xảy ra ở địa bàn nông thôn thì đó là một suy nghĩ sai lầm. Chính ở vùng nông thôn lại tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao, bởi ý nghĩ chủ quan ít phương tiện qua lại, nhưng họ chưa ngờ được chính tại vùng nông thôn nhiều đường ngang, ngõ hẻm từ trong nhà đi ra, trong khi trên đường lại có nhiều khúc cua gấp, khuất tầm nhìn nếu không chú ý quan sát sẽ rất dễ xảy ra tai nạn….


Bài và ảnh: Văn Phương