A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hướng dẫn truyền thông về quyền con người năm 2023 trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Căn cứ Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam ban hành theo Quyết định số 1079/QĐ-TTg và thực tiễn công tác bảo đảm, đấu tranh về quyền con người và các ưu tiên trong năm đầu tiên Việt Nam là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, vừa qua, Ban Chỉ đạo về Nhân quyền tỉnh Kon Tum đã có hướng dẫn truyền thông về quyền con người năm 2023 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, năm 2023, hoạt động truyền thông về quyền con người tập trung vào các nội dung:

- Thành tựu bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo: Bảo đảm quyền tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum nói riêng và Tây Nguyên nói chung; vấn đề đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, công nhận tổ chức tôn giáo, cấp phép các điểm nhóm tôn giáo; nhận diện, đấu tranh với các hiện tượng “đạo lạ”, “tà đạo”, “hiện tượng tôn giáo mới” xâm phạm an ninh quốc gia như tà đạo Hà Mòn, Hội thánh Tin lành Đấng Christ, Hội thánh Đức Chúa trời, Pháp Luân Công…; chủ động phản bác các thông tin thiếu khách quan, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, tôn giáo trong các báo cáo tôn giáo của Mỹ, phương Tây và các tổ chức NGO.

Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp bỏ phiếu và công bố kết quả thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 (Ảnh: Mạnh Hùng)

- Bảo đảm quyền của đồng bào dân tộc thiểu số: Bảo đảm an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số; quyền tiếp cận, giáo dục, y tế…; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa; quyền bầu cử, ứng cử, tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội; quyền tiếp cận thông tin, thụ hưởng thông tin; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cơ sở làm công tác dân tộc…

- Phòng, chống mua bán người: Nỗ lực và kết quả trong công tác phòng, chống mua bán người; hỗ trợ cho nạn nhân mua bán người trở về; chủ động đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc, thiếu khách quan về tình hình mua bán người ở Việt Nam trong một số báo cáo nhân quyền của quốc tế…

- Bảo đảm quyền của người lao động trong và ngoài nước: Bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động (chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn, bảo đảm tiền lương tối thiểu cho người lao động theo từng vùng, hỗ trợ tạo điều kiện nhà ở cho người lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động, đào tạo, nâng cao trình độ cho người lao động…); bảo đảm quyền cho người lao động làm việc ở nước ngoài (vấn đề đào tạo, giáo dục, định hướng người lao động làm việc ở nước ngoài đến khi hết hợp đồng, hỗ trợ giải quyết các vấn đề phát sinh đối với người lao động ở nước ngoài; hỗ trợ giới thiệu việc làm cho người lao động sau khi trở về nước, vấn đề quản lý doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài…).

          - Bảo đảm quyền không bị tra tấn hoặc đối xử, trừng phạt tàn bạo: Quyền xét xử công bằng, phù hợp chuẩn mực quốc tế; không bị tra tấn trong điều tra, truy tố, xét xử, tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự; vấn đề đặc xá, bảo đảm quyền của phạm nhân, người bị tạm giam, tạm giữ…; xử lý kỷ luật cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức vi phạm Công ước Chống tra tấn.

          - Kết quả triển khai thực thi các cam kết quốc tế về quyền con người: Thực thi các cam kết quốc tế song phương và đa phương mà Việt Nam là thành viên; các ưu tiên, sáng kiến của Việt Nam trong nhiệm kỳ thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 (tham gia các khóa họp Hội đồng tháng 3, tháng 6 và tháng 9); trong đó, chú trọng tuyên truyền 08 nhóm ưu tiên: Nâng cao hiệu quả hoạt động Hội đồng Nhân quyền gắn với đề cao luật pháp quốc tế; Quyền con người trước tác động biến đổi khí hậu; Chống bạo lực và phân biệt đối xử, tăng cường bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương; Thúc đẩy bình đẳng giới; Quyền con người trong bối cảnh chuyển đổi số; Quyền sức khỏe; Quyền việc làm; Quyền tiếp cận giáo dục chất lượng và giáo dục quyền con người…

          - Thông tin, chủ động làm rõ các vụ việc phức tạp, nhạy cảm liên quan an ninh dân tộc, tôn giáo, an ninh nông thôn, vụ việc hình sự, hoạt động điều tra, truy tố, xử lý đối tượng xâm phạm an ninh quốc gia… trên địa bàn tỉnh; trong đó, kịp thời định hướng dư luận thông tin chính thống và xây dựng kế hoạch truyền thông phù hợp, không tạo kẽ hở để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá; đấu tranh, phản bác luận điệu vu cáo, xuyên tạc vụ việc của các thế lực thù địch, phản động, đối tượng chống đối trong và ngoài nước.

Hướng dẫn lưu ý các cơ quan, đơn vị không đề cập về những vụ việc “nóng”, nhạy cảm liên quan đến an ninh quốc gia, tạo cớ cho các thế lực thù địch chống phá khi chưa có định hướng thông tin hoặc vào các thời điểm diễn ra các sự kiện lớn của đất nước, của địa phương, thể hiện vai trò và trách nhiệm của Việt Nam khi tham gia các Công ước quốc tế về quyền con người; tránh đưa tin bình luận mang tính chỉ trích, lên án tình hình nhân quyền một nước cụ thể khi chưa có sự xác thực. Có số lượng và tần suất đưa tin phù hợp, không tạo áp lực hoặc khơi dậy truyền thông đối với các vụ việc phức tạp, nhạy cảm xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Về cách thức truyền thông, cần nâng cao hơn nữa hiệu quả “phủ xanh” thông tin tích cực, tác động, thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác về tình hình nhân quyền Việt Nam và trên địa bàn tỉnh, đa dạng, tích hợp dưới các hình thức: Báo in, báo hình, tạp chí; qua mạng xã hội (fanpage, youtube, tiktok…); biên soạn bộ tài liệu truyền thông; sản xuất đăng phát các sản phẩm truyền thông về quyền con người bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài; truyền thông qua trao đổi, tiếp xúc trực tiếp với các đối tác/tổ chức nước ngoài nhân dịp tiếp khách, đón đoàn hay đoàn đi công tác nước ngoài…

Về thời điểm truyền thông, tập trung vào các thời điểm (một hoặc hai tháng) và trong khi diễn ra các sự kiện lớn thể hiện vai trò và trách nhiệm của Việt Nam khi tham gia các Công ước quốc tế về quyền con người:

- Việt Nam bảo vệ Báo cáo quốc gia thực thi Công ước về chống phân biệt chủng tộc (CERD) lần thứ 5 (diễn ra vào tháng 11/2023): Tuyên truyền từ tháng 7 đến tháng 11/2023.

- Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị: Quý III (tháng 7, 8, 9/2023).

- Công ước Chống tra tấn (CAT): Quý III (tháng 7, 8, 9/2023).

- Tuyên truyền về quá trình xây dựng Dự thảo Báo cáo quốc gia theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc (cả năm).

Đặc biệt, xuyên suốt tập trung vào các ưu tiên của Việt Nam khi tham gia Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2205; thực hiện Kế hoạch 75 năm Ngày Nhân quyền thế giới (10/12/1948-10/12/2023) (cả năm). Bên cạnh đó, chủ động cập nhật, đi trước, đón đầu đấu tranh, phản bác báo cáo thường niên của Mỹ và các nước phương Tây xuyên tạc, vu cáo về tình hình nhân quyền Việt Nam trên các mặt: xây dựng pháp luật, cải cách tư pháp, bảo đảm các quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do hội họp và lập hội, xử lý đối tượng vi phạm pháp luật, bác bỏ những đánh giá phiến diện, thiếu khách quan nhằm bôi xấu, hạ uy tín Việt Nam; hoặc thời điểm trên địa bàn tỉnh xảy ra các vụ việc phức tạp, nhạy cảm liên quan dân tộc, tôn giáo, an ninh nông thôn…

Ban Chỉ đạo về Nhân quyền tỉnh yêu cầu các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức truyền thông về quyền con người bám sát hướng dẫn trên; kết quả tổng hợp vào báo cáo công tác nhân quyền năm 2023. Quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, chủ động báo cáo, trao đổi Ban Chỉ đạo về Nhân quyền tỉnh để hướng dẫn, giải quyết.

Giao Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo về Nhân quyền tỉnh (Công an tỉnh) chủ trì theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan thành viên triển khai công tác truyền thông về quyền con người theo hướng dẫn trên; tổng hợp kết quả thực hiện vào Báo cáo tình hình, kết quả công tác nhân quyền năm 2023 gửi Ban Chỉ đạo về Nhân quyền của Chính phủ theo quy định.


Tác giả: Khánh Vi
Tin liên quan