A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Bóng bay”, quả bom nổ chậm cực kỳ nguy hiểm!

 

Hiện nay, bóng bay bơm khí Hidro đang ngày phổ biển với mọi người, bố mẹ mua cho con nhỏ chơi, hay đặc biệt là các ngày sắp sửa khai giảng thì số lượng bóng bay được tiêu thụ càng tăng mạnh. Nhưng ít ai biết sự nguy hiểm và mức sát thương cực lớn mà mỗi quả bóng bay để lại khi phát nổ như thế nào?

Muốn cho trái bóng có thể bay lơ lửng trong không trung, chúng ta phải bơm vào đó các chất nhẹ hơn không khí. Ở đây, loại khí phổ biến hơn cả đáp ứng yêu cầu như vậy là heli và hydro.

Cả hai đều là khí nhẹ hơn không khí – tức là với cùng một thể tích heli hoặc hydro so với không khí, trọng lượng của chúng sẽ nhẹ hơn. Vậy là, những trái bóng được bơm đầy 2 loại khí này sẽ lơ lửng trên không, giống như những trái bong bóng trong nước vậy.

Khí heli là một khí hiếm, tức là rất an toàn vì gần như không có tính hoạt động hóa học. Tuy nhiên, giá thành của khí heli khá cao, nên nhiều người lựa chọn loại khí khác rẻ hơn – chính là hydro.

Hydrolại là loại khí khá nguy hiểm vì cực kỳ dễ nổ. Chỉ cần một mồi lửa, nó dễ dàng tác động với oxy trong không khí để tạo thành nước, và phản ứng này tỏa nhiệt rất mạnh. Khí hydro có cấu trúc phân tử rất bé, nên có thể thẩm thấu cực nhanh qua màng bóng bay, dẫn đến chuyện nó có thể nổ mà thậm chí chẳng cần đến lửa. Đôi khi chỉ cần tiếp xúc với bóng đèn, gặp không khí nóng, hoặc đi ngoài trời nắng là đủ để kích hoạt phản ứng, khiến trái bóng nổ tung – một vụ nổ thực sự.

 

Khả năng phát nổ của bóng bay và mức sát thương nguy hiểm khi tiếp xúc


Nhiệt độ tự cháy của hydro trong không khí lên tới 500oC. Do đó, khi nổ, bóng bay có thể gây sát thương nếu để gần mặt, gây cháy tóc, bỏng mặt, mù mắt. Bỏng do khí hydro thường là bỏng nặng và trên diện rộng do khoảng cách cầm bóng gần người.

Tóm lại, để đảm bảo an toàn, các bậc phụ huynh nên cân nhắc khi cho trẻ con chơi bóng bay bơm khí hydro; hạn chế mua bóng bay với số lượng nhiều để trang trí sự kiện hay những bữa tiệc trong nhà và nắm vững cho mình kiến thức cơ bản về sơ cấp cứu bỏng.


Đức Cường – (Phòng CSPCCC&CNCH)st