A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh báo thủ đoạn trộm cắp tiền và thông tin tài khoản từ máy rút tiền tự động ATM

 

Theo thông báo từ Cục Đối ngoại– Bộ Công an, hiện nay, trên địa bàn cả nước đã có nhiều vụ trộm cắp tiền từ máy ATM xảy ra, gây thiệt hại lớn cho ngân hàng và chủ tài khoản thẻ ATM. Thủ đoạn trộm cắp tiền từ máy ATM rất đa dạng và tinh vi. Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm mới này, Cục Đối ngoại – Bộ Công an cảnh báo một số phương thức, thủ đoạn trộm cắp tiền và thông tin tài khoản từ máy ATM như sau:

1. Thủ đoạn cài đặt Bảng mạch in (PCB) làm lây nhiễm phần mềm độc hại vào máy ATM để trộm cắp thông tin tài khoản người sử dụng ATM. Hành vi phạm tội của các đối tượng được thực hiện bằng cách cài đặt thêm một bảng mạch có tích hợp một số nút vào khe cắm thẻ của máy ATM và kết nối vào một bộ nhớ máy tính nội bộ. Thiết bị này sẽ làm lây nhiễm phần mềm độc hại vào hệ điều hành Windows Xp của máy ATM và lưu trữ lại dữ liệu thẻ của khách hàng. Khi máy đã bị nhiễm phần mềm độc, các đối tượng sẽ gỡ bảng mạch để máy ATM hoạt động bình thường, phần mềm độc hại sẽ tự động lưu trữ thông tin của người rút tiền trên máy mà họ không hề hay biết. Sau đó, chúng sẽ quay trở lại, cài thêm một thẻ sim được dùng để sao lưu dữ liệu của khách hàng đã bị xâm nhập. Chính những dữ liệu thẻ bị lấy cắp này là chìa khóa để các đối tượng sử dụng, sản xuất thẻ giả và rút tiền ở một quốc gia khác.


alt

Máy ATM đang là đích ngắm mới của bọn tội phạm. Ảnh minh họa


2. Thủ đoạn cài đặt đĩa CD làm lây nhiễm vi rút “uslsm.exe” vào máy ATM để rút tiền. Các đối tượng phạm tội sẽ mở bảng phía trên của máy ATM, sử dụng một “khóa ATM thông thường” và đặt một đĩa CD vào trung tâm xử lý của máy ATM để làm máy ATM nhiễm vi rút “uslsm.exe”. Khi xâm nhập, vi rút làm cho hệ thống của máy ATM khởi động lại. Lúc đó, các đối tượng đóng tấm bảng và rút tất cả số tiền trong máy ATM bằng cách gõ mã pin mà chúng nhận được từ một đồng phạm qua điện thoại. Theo điều tra, mục tiêu mà chúng nhắm tới là các máy ATM nhãn hiệu NCR 8577.

3. Thủ đoạn trộm cắp tiền từ máy ATM bằng bàn phím và khe cắm thẻ giả mạo. Các đối tượng sử dụng bàn phím giả có tích hợp các chíp điện tử che lên bàn phím thật của máy ATM để ghi lại mã pin và một thiết bị được đặt trên khe cắm thẻ để ghi lại thông tin trên thẻ. Khi chủ thẻ ATM thực hiện giao dịch, dữ liệu chủ tài khoản thẻ ATM và mã pin sẽ được lưu lại. Bằng cách này, chúng có thể sử dụng những dữ liệu trên để rao bán qua mạng hoặc sao chép lên thẻ trắng để rút tiền bất hợp pháp.

4. Thủ đoạn dùng dây xích sắt buộc máy ATM nối với ô tô tải để kéo đổ máy ATM. Các đối tượng buộc máy ATM bằng một sợi dây xích sắt, sau đó móc xích sắt vào ô tô tải và dùng xe kéo bật máy ATM ra ngoài. Khi bị phát hiện, chúng sẵn sàng tấn công nhân viên an ninh để thực hiện hành vi phạm tội của mình, đồng thời kéo máy ATM ra ngoài, đặt lên ô tô và tẩu thoát.

5. Thủ đoạn sử dụng “skimmer card” để lấy cắp thông tin tài khoản thẻ. Các đối tượng trộm cắp gắn các thiết bị “skimmer card” lên tấm bảng quảng cáo trên bàn phím ATM và tấm bảng chỉ dẫn gần khe cắm thẻ ATM. Tấm bảng quảng cáo có 1 thiết bị giống như con chíp được gắn kèm 2 cục pin (tương tự như pin điện thoại di động) và có 01 đèn LED ánh sáng xanh cho thấy thiết bị đang hoạt động. Một thấu kính được đặt qua lỗ nhỏ trên bảng nhựa ( đây là một dạng máy ảnh chụp qua lỗ nhỏ để ghi lại mật khẩu của người dùng ATM). Các thiết bị đọc thẻ cùng với pin được gắn bên trong máy ATM thông qua một lỗ khoét dưới khe cắm thẻ. Thông qua những thiết bị này, các đối tượng phạm tội dễ dàng lấy cắp thông tin tài khoản của người dùng thẻ ATM khi giao dịch tại máy ATM.

Để phòng ngừa không để tội phạm này xảy ra trên địa bàn tỉnh Kon Tum, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội đề nghị mọi người dân hãy nêu cao tinh thần cảnh giác khi giao dịch rút tiền tại máy ATM. Khi phát hiện có dấu hiệu nghi vấn của tội phạm, cần báo ngay đến Cơ quan Công an nơi gần nhất để giải quyết theo Pháp luật.

 

Danh Thịnh (Phòng CSĐTTP về TTXH)