A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh giác với tội phạm giả mạo công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản

 

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là loại tội phạm đang diễn ra khá phổ biến hiện nay. Lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của người dân, bằng những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, một số đối tượng đã thực hiện hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền và nhiều loại tài sản có giá trị khác. Và nổi lên gần đây, đó là tình trạng giả mạo Công an gọi diện thoại để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thời gian gần đây, ở nước ta liên tiếp xảy ra nhiều vụ lừa đảo bằng thủ đoạn gọi điện thoại, giả danh cán bộ Công an để chiếm đoạt tài sản của người bị hại lên đến hàng tỷ đồng. Điều này đã gây ra hậu quả nghiêm trọng về tài sản đối với công dân, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Thủ đoạn mà các đối tượng thường sử dụng đó là gọi vào máy điện thoại cố định đặt tại nhà của người bị hại, tự xưng là cán bộ Công an và thông báo về việc thông tin cá nhân của người bị hại bị lộ, lọt, hoặc người bị hại đang liên quan đến vụ án đặc biệt nghiêm trọng, tội phạm có tổ chức, rửa tiền, ma túy… mà cơ quan chức năng đang điều tra. Khi người bị hại đã tin tưởng và lo sợ, các đối tượng tiếp tục yêu cầu rút toàn bộ số tiền trong tài khoản của người bị hại để nộp hoặc chuyển khoản vào một tài khoản do đối tượng cung cấp, nếu không thì sẽ bị bắt giữ. Sau khi người bị hại nộp hoặc chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng, chúng nhanh chóng rút tiền ra để chiếm đoạt. Các đối tượng thường nhắm vào các gia đình có lắp đặt máy điện thoại cố định tại nhà, người bị hại thường là người lớn tuổi, làm nghề nội trợ, hưu trí hoặc người ít va chạm xã hội, nhẹ dạ, cả tin, thiếu cảnh giác với tội phạm. Thời gian gọi điện lừa đảo thường vào giờ hành chính, người bị hại ở nhà một mình, ít có điều kiện kiểm tra lại thông tin do các đối tượng cung cấp. Trong khi đó, đối tượng thường sử dụng phương thức gọi điện thoại qua Internet, gắn số ảo, số giả, khó có khả năng truy ngược lại thông tin về cuộc gọi.

 

Giả mạo Công an gọi điện vào điện thoại cố định của người dân để lừa đảo

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet


Trên địa bàn tỉnh Kon Tum thời gian qua cũng đã xuất hiện loại tội phạm này với thủ đoạn tương tự như trên. Chỉ tính trong tuần cuối tháng 5/2017 đã liên tiếp xảy ra 05 vụ với cùng phương thức, thủ đoạn phạm tội là đối tượng gọi điện thoại đến số máy của người bị hại tự xưng là cán bộ của Bộ Công an và Công an tỉnh Kon Tum đang trực tiếp điều tra các vụ án ma túy, rửa tiền có liên quan số tiền hiện có trong tài khoản tại các ngân hàng của người bị hại và đe dọa nếu muốn không bị bắt thì phải chuyển ngay cho chúng vào các tài khoản khác nhau mà chúng đang sử dụng tại các tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh, TP.Hồ Chí Minh. Những vụ việc trên đã  gây thiệt hại với tổng số tiền bị mất hơn 2 tỷ 300 triệu đồng. Điển hình như ngày 24/5/2017, bà Ngô Thị H. (trú tại đường Trần Phú, TP.Kon Tum) nhận được cuộc gọi với số điện thoại 0869xxxxxxx gọi vào điện thoại bàn của nhà bà tự xưng là đại tá, Cục trưởng Cục phòng chống ma túy của Bộ Công an thông báo bà H. có số tiền 3.100.000.000 đồng trong tài khoản là tiền trong đường dây buôn bán ma túy và rửa tiền, nếu không giao nộp thì sẽ bị Bộ Công an bắt khẩn cấp trong chiều nay. Bà H. trả lời không có số tiền trên mà trong tài khoản chỉ có 100.000.000 đồng. Đối tượng đã yêu cầu bà phối hợp với cơ quan Công an gửi 100.000.000 đồng vào số tài khoản 800xxxxxxxxx, chủ tài khoản tên là Lê Văn M., số CMND: 174xxxxxx tại ngân hàng A, chi nhánh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh thì bà H.sẽ không bị bắt giữ. Ngay sau đó bà H. đến ngân hàng A chi nhánh Kon Tum chuyển 100.000.000 đồng vào số tài khoản trên rồi đi về nhà và gọi điện thoại thông báo cho đối tượng M. thì không gọi được. Bà nghi ngờ đến ngân hàng kiểm tra thì được biết số tiền trên đã bị rút hết.

Thời gian tới, để hạn chế tình trạng tội phạm này xảy ra, người dân trên địa bàn tỉnh cần nâng cao tinh thần cảnh giác với các cuộc gọi lạ vào số điện thoại bàn của gia đình; bình tĩnh, tỉnh táo đánh giá thông tin, không vội sơ hở, lo sợ mà cung cấp thông tin cá nhân hoặc nghe, làm theo yêu cầu của đối tượng. Một vấn đề quan trọng người dân cần chú ý rằng, cơ quan Công an cũng như các cơ quan tố tụng, các cơ quan bảo vệ pháp luật khác luôn nêu cao tinh thần làm việc theo nguyên tắc nghề nghiệp, trách nhiệm, có căn cứ pháp lý, trình tự, thủ tục rõ ràng, công minh, đảm bảo bí mật nên không bao giờ có hành động gọi điện thoại để trao đổi công việc, yêu cầu người dân nộp tiền hoặc chuyển tiền qua tài khoản cá nhân nếu như người dân đó thực sự có liên quan đến một vụ án nghiêm trọng đang điều tra.


Khánh Vi (Phòng Tham mưu)