A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chai nước phát sáng như bóng đèn

Năm 2002 một người thợ cơ khí người Brazil tên là Alfredo Moser dùng chai nhựa được đổ đầy nước, chất tẩy trắng và nguyên lý của phản xạ ánh sáng để lắp đặt ở mái nhà sao cho một phần của chai nước tiếp xúc với ánh sáng mặt trời dùng chiếu sáng các căn phòng thiếu ánh sáng trong cả ngày. Phụ thuộc vào cường độ của ánh sáng mặt trời, chiếc đèn Moser này có thể chiếu sáng tương đương với một bóng đèn 40 đến 60W.

Chai mặt trời (The Solar Bottle Bulb) là một dự án cộng đồng có mục tiêu đưa giải pháp về ánh sáng cho cộng đồng thu nhập thấp, được xây dựng từ mô hình “Ánh sáng từ chai nước” ở Brazil năm 2008 xuất phát từ sáng kiến trên, ngay trong những năm tiếp theo đã được nhân rộng tại Phillipines. Việt Nam là quốc gia thứ ba tiếp nhận sáng kiến này.

Về Việt Nam, ý tưởng này được Thanh niên tình nguyện một số tỉnh phổ biến rộng rãi cho bà con những nơi thiếu điện sinh hoạt, nhất là vùng cao. Kinh phí hầu như không tốn kém cùng với việc lắp đặt cực kỳ đơn giản, đây có thể là một giải pháp hữu hiệu để chiếu sáng được đông đảo người dân ủng hộ.

Những chai mặt trời này không chỉ cung cấp ánh sáng từ nguồn sáng hoàn toàn miễn phí, giúp mỗi hộ gia đình giảm được khoảng 40% chi phí tiền điện hằng tháng, mà còn giúp giảm nguy cơ cháy nổ, giảm rác thải, giảm lượng phát thải CO2 hằng năm lên tới 7%, và giảm áp lực lên hệ thống điện lưới của địa phương. Những chai ánh sáng với chi phí đầu tư rất thấp này lại có tuổi thọ khá cao và với cách lắp đặt rất đơn giản, các hộ dân đều có thể tự thực hiện và tiếp tục nhân rộng với những gia đình quen biết.

Chai nước đã qua sử dụng được đổ đầy nước và thêm vào một lượng chlorine theo tỷ lệ nhất định lắp đặt ở mái tôn sao cho một phần của nó tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, thì phần còn lại tiếp xúc với không gian sống sẽ phát sáng với độ quang phổ tương đương một bóng đèn 55 – 60W. Chlorine là nước tẩy javen (tẩy quần áo). Chất này chỉ giúp cho chai nước khi bị phơi sáng trong thời gian dài không bị lên rêu hoặc đục nước làm giảm độ quang phổ. Nguyên lý của chai mặt trời cực kỳ đơn giản dựa trên hiện tượng khuếch tán ánh sáng: ánh sáng thông qua 1/3 chai nước ở phía trên mái tôn sẽ khuếch tán 360o xuống không gian sống phía dưới của người dân. Nếu đó là một lỗ thủng thông thường thì ánh sáng sẽ chiếu xuống theo chiều thẳng đứng, chứ không lan tỏa ra khắp gian nhà.

alt


Các bước thực hiện:

1. Chuẩn bị

Vật liệu: chai nhựa 1,5 lít chứa gần đầy nước lọc, một ít thuốc tẩy javel.

Nơi lắp đặt: mái nhà bằng tôn hoặc thép mỏng.

2. Lắp ráp

Bước 1: Cắt một mảnh tôn nhỏ có diện tích 30cmx30cm (loại tôn thẳng hay lượn sóng tùy thuộc mái nhà nơi lắp đặt).

Bước 2: Cắt trên tấm tôn một vòng tròn nhỏ có đường kính nhỏ hơn khoảng 2cm so với đường kính lớn nhất của chai nhựa. Để cắt chuẩn, bạn nên chuẩn bị một miếng cắt mẫu hình tròn.

Bước 3: Cắt nhiều đường rãnh dài khoảng 2mm ở phía trong vòng tròn này rồi bẻ các mảnh (tạo từ các đường cắt) vuông góc hướng lên trên.

Bước 4: Lồng tấm tôn vào chai nhựa từ trên xuống dưới sao cho 1/3 thân chai ở phía trên. Gắn nhựa dẻo hoặc keo chống thấm vào phần các mảnh tôn nhỏ ôm lấy thân chai.

Bước 5: Đổ nước lọc gần đầy vào chai rồi sau đó cho khoảng 10ml thuốc tẩy javel vào. Vặn chặt nắp chai.

Bước 6: Trét keo phủ kín nắp chai để hạn chế nước bốc hơi và bảo quản nắp chai.

alt


3. Gắn lên mái nhà

Bước 1: Cắt một hình vuông nhỏ trên mái tôn sao cho có thể đặt chai nhựa vào. Hình vuông này có diện tích nhỏ hơn diện tích mảnh tôn rời có gắn chai nhựa.

Bước 2: Đặt mảnh tôn có gắn chai nhựa lên mái nhà, dùng keo dán kín để mái nhà không bị rỉ nước khi trời mưa.

Bước 3: Dùng sáu đinh tán ghim mảnh tôn có gắn chai nhựa dính chặt vào mái nhà giúp chai vững chắc.


alt


Điểm hạn chế của chiếc đèn chai này là khoảng một năm phải thay chai nước vì bị đục, mờ; chai mặt trời nên chỉ phát sáng vào ban ngày khi có nắng, ban đêm phải dùng thiết bị chiếu sáng khác. Tuy nhiên, với sự hữu dụng của nó, rất cần cho đồng bào vùng sâu vùng xa còn nghèo đói và chưa có điện như một số địa bàn vùng núi trong tỉnh Kon Tum. Thiết nghĩ, nên nhân rộng mô hình chai mặt trời này trên địa bàn và Thanh niên Công an tỉnh cần phát huy vai trò xung kích của mình, không chỉ trong đấu tranh phòng chống các loại tội phạm mà cả trong việc chăm lo đời sống của nhân dân, thúc đẩy tình đoàn kết, gắn bó giữa người dân và lực lượng Công an tỉnh nhà.

Ngọc Ân (Phòng kỹ thuật nghiệp vụ)

(Tổng hợp từ các nguồn)