A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công điện phòng, chống cơn bão số 6 trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Ngày 08 tháng 11 năm 2019, Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành Công điện số 05/CĐ-CT chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn tỉnh chủ động ứng phó cơn bão số 6 và những diễn biến khó lường với mưa, lũ lớn trên diện rộng, nhằm giảm thiểu tối đa những thiệt hại về tính mạng, tài sản của người dân.

Công điện yêu cầu:

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

– Theo dõi chặt chẽ thông tin diễn biến của cơn bão số 6, diễn biến mưa lũ,  thông tin, cảnh báo kịp thời đến người dân để chủ động phòng tránh và tùy theo tình hình mưa lũ, bão, chủ động cho học sinh nghỉ học; tổ chức trực ban 24/24 giờ, chủ động triển khai phòng, ứng phó với mưa bão trên địa bàn; thực hiện nghiêm túc phương châm “4 tại chỗ”. Rà soát, nắm chắc số lượng phương tiện, vật tư dự phòng phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, lụt bão ở địa phương và có phương án huy động phương tiện, lực lượng để ứng cứu kịp thời khi có sự cố thiên tai xảy ra.

– Phân công thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN cấp huyện bám sát địa bàn các xã xung yếu để kịp thời phối hợp với chính quyền địa phương chỉ đạo công tác phòng, ứng phó với thiên tai và khắc phục những thiệt hại sau mưa, lũ; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu.

– Kiểm tra, rà soát những làng, các hộ dân sinh sống ở các khu vực dễ bị ảnh hưởng trực tiếp của lũ, lụt, sạt lở đất đá như vùng ven sông, suối, ven sườn đồi, vũng trũng….(đặc biệt là khu vực các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông) để có biện pháp thông báo, cảnh báo kịp thời khu vực nguy hiểm cho nhân dân biết để chủ động đối phó; đối với những khu vực có nguy cơ cao phải có biện pháp kiên quyết di dời, sơ tán đến nơi an toàn.

– Yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố không đi công tác ngoài tỉnh, phân công trực ban 24/24 giờ (kể cả thứ 7, chủ nhật) để kịp thời chỉ đạo công tác phòng, ứng phó thiên tai trên địa bàn.

2. Sở Giao thông vận tải nắm chắc tình hình diễn biến mưa lũ, kịp thời chỉ đạo tổ chức lực lượng khắc phục các tuyến đường Quốc lộ, Tỉnh lộ bị sạt lở, tắc đường…. để đảm bảo giao thông. Đồng thời, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức khắc phục các sự cố trên các tuyến đường giao thông quan trọng khi có yêu cầu của Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng, Phó Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh hoặc đề nghị của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

3. Sở Công Thương (đối với các hồ chứa thủy điện), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đối với các hồ chứa thủy lợi), Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh yêu cầu các chủ hồ, chủ đập thủy điện, thủy lợi triển khai thực hiện công tác vận hành hồ chứa theo quy trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chuẩn bị lực lượng, vật tư phương tiện sẵn sàng xử lý ngay từ ban đầu khi có sự cố, tình huống phức tạp xảy ra.

4. Các Sở, ban ngành là thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh bám sát địa bàn được phân công, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương chỉ đạo công tác phòng, ứng phó khi có mưa lũ xảy ra; kịp thời báo cáo tình hình về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

5. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, Báo Kon Tum cập nhật, đưa tin kịp thời về áp thấp nhiệt đới và mưa lũ, diễn biến thiên tai, dự báo, chỉ đạo ứng phó của Ủy ban nhân dân tỉnh để các cơ quan và người dân biết, chủ động ứng phó, tránh tư tưởng chủ quan.

6. Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh tổ chức trực ban 24/24 giờ, nắm chắc tình hình diễn biến bão số 6, mưa lũ, kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh các biện pháp xử lý khi có tình huống xấu xảy ra; theo dõi tình hình ở các địa phương, định kỳ vào lúc 16 giờ hàng ngày tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

BBT