A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cuộc sống thực tế của người dân tộc thiểu số trốn đi nước ngoài hiện ở Mỹ

 

Do nghe theo lời tuyên truyền, xúi giục của một số kẻ xấu mà họ đã tham gia hoạt động trốn đi nước ngoài trái phép để tìm đến “miền đất hứa” có cuộc sống “giàu có, nhiều tiền, sung sướng”. Vậy thực hư về cuộc sống “giàu có, nhiều tiền, sung sướng” là như thế nào, có hay không?

Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện nay ở Mỹ có khoảng hơn 80 người dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Kon Tum cư trú, thuộc diện những người từng tham gia hoạt động trốn đi nước ngoài từ các năm trước đây. Đa phần số người này đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, trình độ dân trí thấp, mưu sinh chủ yếu bằng lao động chân tay, làm nông…

Hiện nay thu nhập bình quân của người dân ở Mỹ là khoảng 57.000 đôla/năm, còn thu nhập dưới mức này thì bị coi là thu nhập thấp ở Mỹ. Ở đây ít ai thu nhập 20.000 đôla/năm, chỉ có những người không nói được tiếng Anh, sinh viên mới ra trường hoặc thất nghiệp thì thu nhập thuộc dạng thấp nhất như thế.

Thu nhập của lao động tay chân (rửa bát đĩa, quét rác, khuân vác, cửu vạn…), thư ký (trực điện thoại, thảo văn bản…): 8 đôla/giờ x 40 giờ/tuần x 52 tuần = 17.000 đôla/năm. Thư ký lâu năm, trình độ văn hóa cấp 3 hoặc đại học, đầu bếp, chạy bàn: 20.000 – 25.000 đôla/năm.

 

Hình ảnh minh họa


Còn lao động chân tay lành nghề (sửa xe, sửa nước, điều hòa…), đầu bếp lành nghề, chạy bàn tốt, nông dân nghèo nhất: 25.000-50.000 đôla/năm. Những người vừa tốt nghiệp đại học bình thường, nhân viên chạy bàn nhà hàng cao cấp, dân chài gần bờ, nông dân trang trại nhỏ: 30.000-50.000 đôla/năm.

Ở Mỹ, khi thất nghiệp sẽ có hai dạng: nếu thất nghiệp mà không được trợ cấp thì chỉ được tem phiếu để nhận thực phẩm và các lợi tức từ WIC (chương trình hỗ trợ dinh dưỡng đặc biệt cho phụ nữ, trẻ sơ sinh và trẻ em) và hỗ trợ nhà ở, quy đổi ra tiền: 5.000 đôla/năm; còn nếu thất nghiệp được nhận trợ cấp thất nghiệp và tem phiếu, nhà ở thì tính ra sẽ có 5.000-20.000 đôla/năm.

Thu nhập là vậy, trong khi đó các chi phí trong 1 năm phải thanh toán bao gồm:

Thuê nhà 1 phòng ngủ + bếp + tắm: 3.000 – 10.000 đôla/năm. Thuê nhà 2 đến 4 phòng ngủ + 1 bếp + 3 tắm: 10.000 – 24.000 đôla/năm. Bảo hiểm các loại, điện, nước, tivi, internet: 500 – 10.000/năm. Ăn (tự nấu): 1.000 đôla/năm. Ăn thức ăn nhanh hoặc nhà hàng nguyên cả năm: 5.000 – 20.000 đôla/năm.

Mức thuế dành cho người thu nhập thấp là 0%,  người có thu nhập cao đến 40% hoặc 50% (trung bình khoảng 15%).

Như vậy nếu ai có thu nhập chỉ 20.000 đôla/năm thì sẽ rất chật vật khi sống ở Mỹ.

Vậy, những người trốn đi nước ngoài hiện ở Mỹ, họ có thật sự có được điều họ muốn khi qua Mỹ sống không? Theo thống kê của các cơ quan chức năng, thời gian vừa qua có khoảng trên 10 trường hợp người DTTS thuộc diện trốn về thăm thân trên địa bàn. Qua tiếp xúc với một số trường hợp như A Xuân, A Đoer, A Thiuh, A Thang, A Phâng đều ở xã Ya Xiêr – huyện Sa Thầy tham gia trốn đi nước ngoài trái phép trước đây… đều cho thấy hầu hết số này không có công việc làm ổn định (do không có trình độ, không biết Tiếng Anh…), thu nhập rất thấp khoảng 1000 – 2000 Đôla/tháng (12.000 Đôla – 24.000 Đôla/năm) từ các công việc lao động tay chân như: cắt cỏ, sửa mái nhà, quét rác, lau dọn trong các cơ sở y tế… Những công việc này dân Mỹ không ai muốn làm. Một số trường hợp khi về Việt Nam chỉ mua được vé máy bay một chiều, đến khi xuất cảnh lại qua Mỹ người thân phải lo bán trâu bò, vay mượn tiền để mua vé máy bay chiều ngược lại.

Qua tìm hiểu từ những trường hợp trên, đa phần người DTTS trốn đi nước ngoài tập trung ở các Thành phố Greensboro, Raghlei… thuộc Bang North Carolina đều có cuộc sống rất vất vả, khó khăn trăm bề. Nhiều người trong số đó có tiền gửi về địa phương đa phần là do tằn tiện chi tiêu gửi về, nhưng với số tiền rất ít ỏi.

Như vậy chỉ vì lười lao động, nhẹ dạ, cả tin, nghe theo lời lừa phỉnh của kẻ xấu tuyên truyền, lừa bịp về “cuộc sống giàu có, nhiều tiền, không lao động” để rồi một bộ phận người DTTS ở tỉnh Kon Tum đã tham gia hoạt động vi phạm pháp luật trốn đi nước ngoài trái phép, gây mất an ninh trật tự, gây tâm lý hoang mang cho một bộ phận người dân. Tuy nhiên cái họ nhận được không phải là “cuộc sống giàu có, nhiều tiền” mà là một cuộc sống chật vật khó khăn, thu nhập bấp bênh.

Luận điệu tuyên truyền “không lao động mà lại có cuộc sống sung sướng ở nước ngoài” là hoàn toàn bịa đặt, ở đất nước nào cũng vậy, người dân chỉ có cuộc sống sung sướng khi biết chăm chỉ lao động, sản xuất, để có nhiều tiền, cuộc sống sung sướng không có cách nào khác ngoài con đường lao động chân chính, hợp pháp./.


Tuấn Chi (Phòng CPĐ&CKB)