A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Du kích Kon Tum trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Với truyền thống anh dũng, kiên cường, tình yêu nước nồng nàn, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân Kon Tum theo tiếng gọi của Đảng đã đứng lên tham gia kháng chiến. Già trẻ, gái trai tham gia dân quân, du kích, bố phòng chống địch, góp phần làm nên chiến thắng chói lọi của mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Năm 1954, nhân dân Kon Tum chưa được hưởng niềm vui chiến thắng bao lâu, thực hiện Hiệp định Giơnevơ, hầu hết cán bộ, chiến sĩ phải tập kết ra Bắc. Toàn tỉnh chỉ còn lại hơn 130 cán bộ được Đảng phân công bí mật trụ bám địa bàn, vận động nhân dân đấu tranh. Những năm 1954-1959, là giai đoạn chuyển hướng đấu tranh, giữ gìn lực lượng. Đây cũng chính là giai đoạn khó khăn nhất toàn miền nói chung, tỉnh Kon Tum nói riêng, nhất là những năm 1955 – 1956, do phương thức hoạt động chưa phù hợp, nhiều cán bộ và cơ sở ta bị địch bắt giết dã man.

Ánh sáng của Nghị quyết 15 (Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng, tháng 1/1959) mở ra giai đoạn mới cho cách mạng miền Nam. Quá trình phát triển phong trào đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị của quần chúng nhân dân công kích từng phần, khởi nghĩa từng vùng, giành và giữ chính quyền ở nông thôn, cũng là quá trình phong trào du kích chiến tranh được xây dựng và từng bước  phát triển. Phong trào du kích chiến tranh nổ ra lẻ tẻ ở một số nơi, nhất là khu vực H30 (địa bàn phía Đông huyện Đăk Glei ngày nay), nhân dân bí mật đào hầm, vót chông bố phòng, sẵn sàng đánh trả một khi địch tấn công vào làng. Chỉ trong thời gian ngắn (từ cuối năm 1959 đến cuối năm 1960), lực lượng du kích xã, thôn trong tỉnh đã có 814 đồng chí. Trong đợt nổi dậy tháng 10/1960, lực lượng du kích đã phối hợp với lực lượng vũ trang của Khu và của tỉnh tấn công tiêu diệt hàng loạt đồn bốt của địch: Đăk Tảh, Đăk Rú, Đăk Glei, Đăk Bung, Măng Bút, Măng Đen.

http://baokontum.com.vn/uploads/Image/2020/04/26/20200426170229du-kich-kon-tum-dung-vu-khi-tho-so-danh-dich-bao-ve-buon-lang.jpg

Du kích Kon Tum dùng vũ khí thô sơ đánh địch bảo vệ buôn làng (Ảnh tư liệu)

Qua gần 5 năm (1961-1964) xây dựng, củng cố, phong trào chiến tranh du kích phát triển cả về số lượng và chất lượng. Du kích cùng quần chúng nhân dân bố phòng xây dựng làng chiến đấu và cùng lực lượng tập trung đánh càn, bắn máy bay của địch. Số lượng du kích tăng lên, chiếm tỷ lệ 1/9 dân số vùng căn cứ. Làng chiến đấu được hình thành nhiều nơi. Vùng căn cứ ngày càng mở rộng, lực lượng du kích ngày một tăng lên. Lực lượng du kích xã, thôn qua thử thách được trưởng thành hơn. Nhân dân đóng góp hàng trăm ngày công, tham gia cùng lực lượng du kích xây dựng làng chiến đấu ở khắp vùng căn cứ với hàng trăm triệu cây chông, gần 2 triệu cọc chống nhảy dù, hàng trăm nghìn hầm chông, giàn thò, ụ chiến đấu. Du kích toàn tỉnh độc lập tác chiến 234 trận lớn nhỏ; phối hợp với các lực lượng vũ trang khác đánh 242 trận, diệt 1.289 tên địch, làm bị thương 784 tên, bắt sống 500 tên, bắn rơi 5 máy bay, bắn bị thương 10 máy bay khác, thu 740 khẩu súng các loại. Tại Đại hội chiến sĩ thi đua các lực lượng vũ trang và bán vũ trang năm 1964, nhiều xã được chọn là điển hình, được Mặt trận, chính quyền tỉnh khen thưởng. Xã Xốp (H30) và xã Đăk Ui (H16) được tặng thưởng Huân chương Giải phóng Hạng Ba; đồng chí Dương – cán bộ du kích xã Tân Túc (H30) hy sinh anh dũng trong trận chống càn trên quê hương được truy tặng Huân chương giải phóng Hạng Ba. Những gương chiến đấu, hy sinh ấy đã tô đậm nét son trang sử nhân dân du kích chiến tranh của tỉnh.

Những năm 1966-1968, lực lượng du kích toàn tỉnh luôn ở con số 4.000 đến 4.500 người; đã tiêu diệt 1.276 tên địch, phá hủy 87 trong tổng số 400 máy bay địch bị các lực lượng ta phá hủy trên địa bàn tỉnh, thu về 720 súng các loại.

Năm 1970 đánh dấu bước vươn lên của phong trào chiến tranh du kích. Thông qua các cuộc vận động xây dựng xã, thôn, đội du kích đã được củng cố về số lượng. Tỷ lệ du kích chiếm 1/7 dân số vùng căn cứ. Chất lượng hoạt động của các đội du kích được tăng lên, gắn chặt nhiệm vụ bảo vệ căn cứ, xây dựng làng chiến đấu với tác chiến đánh địch. Mỗi khi địch càn vào căn cứ đều bị lực lượng du kích bám trụ tại chỗ chặn đánh, buộc chúng phải rút lui. Hành lang, kho tàng được bảo vệ. Ngoài ra, du kích còn phối hợp với các đơn vị bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương tấn công địch ở vùng phía trước (vùng tranh chấp và vùng địch kiểm soát).

Đến cuối năm 1973, toàn tỉnh có 4.883 du kích/35.531 dân. Riêng hai huyện H30 và H40 (địa bàn huyện Đăk Glei ngày nay) tỷ lệ du kích chiếm 1/5 dân số, tỷ lệ này ở huyện H29 (Kon Plông ngày nay) là 1/6. Chỉ trong vòng 1 năm (1972 đến 1973), lực lượng du kích đánh 53 trận, diệt 123 tên, loại khỏi vòng chiến đấu 209 tên, thu 25 súng các loại, 3.900 viên đạn các loại, bắn rơi 01 máy bay…

Ngoài nhiệm vụ chính là bố phòng, bảo vệ làng xã vùng căn cứ và vùng mới giải phóng, đánh trả các cuộc hành quân, càn quyét của địch, tham gia hoạt động phá ấp, giành dân, từ năm 1964 trở đi, khi lực lượng chủ lực Mặt trận Tây Nguyên (B3) được thành lập tham gia chiến đấu tại địa bàn tỉnh, du kích đã phối hợp, tham gia những trận đánh, chiến dịch quy mô lớn.

Bên cạnh đó, lực lượng du kích còn được phân công làm công tác dân vận và binh vận. Trong chiến dịch tổng tiến công thị xã Kon Tum năm 1975 có hơn 200 du kích các xã được tăng cường cho thị xã Kon Tum, góp phần làm nên mùa Xuân lịch sử 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Du kích Kon Tum trở thành biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, bất khuất, kiên trung nơi cực Bắc Tây nguyên.

Hòa bình lập lại, những du kích năm xưa tiếp tục có nhiều đóng góp xây dựng quê hương. Nhiều đồng chí giữ những cương vị chủ chốt của huyện, tỉnh, điển hình như đồng chí Y Vêng – nữ du kích xã Đăk Ui năm xưa sau này là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy. Những cống hiến, hy sinh của lực lượng du kích tỉnh Kon Tum được Đảng, Nhà nước ghi nhận và tôn vinh xứng đáng. Nhiều tập thể và cá nhân được phong, truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, như: Xã Đăk Ui (huyện Đăk Hà), xã Đăk Oong (nay là xã Đăk Long, huyện Đăk Glei), xã Đăk Rơ Manh (nay là xã Ngọc Tem, huyện Kon Plông), xã Xốp (huyện Đăk Glei)…; cụ A Tranh, cụ A Mét… Họ đã góp phần viết nên những trang sử hào hùng của quê hương, đất nước.

Trần Thị Sáu

Theo baokontum