A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hiểu biết và cách phòng ngừa cúm A/H1N1 như thế nào?

 

Bệnh cúm H1N1 là bệnh truyền nhiễm do virút cúm H1N1 gây ra. Triệu chứng của bệnh giống với hội chứng cúm mùa như sốt, ho, chảy nước mắt, nước mũi, đau người, mệt mỏi; một số rất ít trường hợp có thể diễn biến nặng gây viêm phổi nặng và tử vong.

Đây là dấu hiệu 1 bệnh nhân nữ 37 tuổi, trú tại Thôn 1, xã Hòa Bình,TP Kon Tum đã mắc phải. Khởi bệnh ngày 25/10/2019 với sốt nhẹ, mệt mỏi, chán ăn. Người nhà bệnh nhân đưa đi khám và điều trị tại các phòng mạch tư nhân trên địa bàn không đỡ. Đến ngày 03/11/2019 bệnh nhân thấy khó thở nên đến khám và nhập viện tại bệnh viện đa khoa tỉnh. Qua xét nghiệm của Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên, bệnh nhân (+) dương tính với cúm A/H1N1. Mặc dù được điều trị tích cực nhưng đến ngày 8/11/2019 thì bệnh nhân tử vong do choáng nhiễm trùng, viêm phổi nặng/cúm A/H1N1.

1206h1n1_1

Vi rút Cúm A/H1N1

Năm 2009, bệnh cúm A/H1N1 cũng đã xuất hiện trên địa bàn tỉnh. Gần đây, bệnh cũng đã xuất hiện tại 1 số tỉnh thành trong cả nước. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều có biểu hiện giống với hội chứng cúm mùa và thông thường sẽ khỏi hẳn trong vòng 1 tuần.Tuy nhiên, đối với một số đối tượng có nguy cơ cao như người già, người mắc bệnh mãn tính, suy giảm miễn dịch, sức đề kháng kém thì bệnh có thể có biến chứng nặng và tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Cúm A (H1N1) là bệnh có khả năng lây nhiễm cao và lây truyền nhanh, nhưng người dân cũng không nên quá lo lắng, nếu thực hiện tốt các khuyến cáo phòng chống bệnh cúm A/H1N1 của ngành Y tế

1.Giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng.

2.Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp, sau đó vệ sinh ngay.

3. Tránh tiếp xúc với người bị bệnh đường hô hấp cấp tính. Khi cần tiếp xúc thì phải giảm tối đa thời gian tiếp xúc, giữ khoảng cách ít nhất 1m và đeo khẩu trang y tế khi tiếp xúc gần.

4. Tăng cường sức khỏe. Thường xuyên súc miệng bằng sát khuẩn miệng.

5. Tăng cường thông khí trong nhà ở, trong các cơ sở y tế, công sở bằng cách mở các cửa sổ, cửa ra vào; hạn chế sử dụng điều hòa.

6. Nếu có biểu hiện của hội chứng cúm thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, cách ly và điều trị kịp thời.

7. Bệnh cúm A/H1N1 đã có vắcxin phòng bệnh, khuyến cáo người dân nên chủ động tiêm vắcxin phòng bệnh, đặc biệt cho những đối tượng có nguy cơ cao.

Xuân Duy