A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kon Tum: Kết thúc ổ dịch cúm A(H1N1)

Theo báo cáo của Sở Y tế, trên địa bàn tỉnh đã kết thúc ổ dịch cúm A(H1N1).

 

https://quantri.kontum.gov.vn/Images/images/Tin%20so%20nganh/03_12_19%20snn.jpg

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum

Trước đó, vào ngày 25/10, tại thôn 1, xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum đã xảy ra ổ dịch cúm A(H1N1) làm 01 người tử vong (nữ, 37 tuổi).

Ngày 05/11, phát hiện thêm 01 bệnh nhân (nam, 50 tuổi) ở khối 8, thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô mắc bệnh cúm A(H1N1). Bệnh nhân này trong quá trình điều trị bệnh xơ gan mất bù – giãn tĩnh mạch thực quản đã thắt vòng, đã nằm điều trị cùng Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc- Bệnh viện Đa khoa tỉnh với bệnh nhân tử vong do bệnh cúm A(H1N1) trước đó. 8 ngày sau bệnh nhân này tử vong và được chẩn đoán là do hôn mê gan/xơ gan mất bù kèm nhiễm cúm A(H1N1), không phải tử vong do bệnh cúm A(H1N1).

Tính đến hết ngày 24/11, tại nơi cư trú của 2 trường hợp trên chưa ghi nhận ca bệnh tương tự.

Ngay khi phát hiện ổ dịch, các biện pháp phòng chống dịch đã được ngành y tế triển khai đồng bộ từ công tác chỉ đạo, công tác đảm bảo kinh phí, hậu cần, đáp ứng đầy đủ vật tư, kinh phí, trang thiết bị, thuốc điều trị, hoạt động truyền thông đến công tác chuyên môn, ưu tiên huy động tối đa các nguồn lực trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Sở Y tế khuyến cáo, triệu chứng của người mắc bệnh cúm A(H1N1) giống với hội chứng cúm mùa, bệnh diễn biến cấp tính từ nhẹ đến nặng: Từ sốt, ho, đau họng, chảy nước mắt, nước mũi, đau người, đau đầu, rét run, mệt mỏi; một số trường hợp có tiêu chảy, nôn, đến viêm phổi nặng và tử vong. Vì vậy, khi có các dấu hiệu mắc bệnh, người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Đối với các cơ sở điều trị cần phải xây dựng phương án và chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ các khu cách ly, phân luồng bệnh, thuốc, trang bị, … để thu dung, cách ly, điều trị kịp thời các trường hợp nhiễm cúm A(H1N1). Đặc biệt chú ý đối với các trường hợp mắc bệnh cúm trong nhóm nguy cơ cao như phụ nữ có thai, người mắc bệnh mạn tính (bệnh tim mạch, lao phổi, tiểu đường, suy dinh dưỡng, bệnh nhân AIDS…), người già và trẻ em nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong.

Ngoài ra, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tuyên truyền về các biện pháp phòng chống bệnh cúm, hướng dẫn cộng đồng chủ động thực hiện tốt việc phòng bệnh, nhấn mạnh thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng và chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh cúm đối với các chủng cúm đã có vắc xin.

Nguồn: kontum.gov.vn