A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kon Tum: Khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh

Năm 2019, theo dự báo tình hình thời tiết, khí hậu trên địa bàn tỉnh Kon Tum tiếp tục có những diễn biến phức tạp, nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống và sạt lở đất ở khu vực đất dốc hoặc ven sông, suối là rất cao.

https://photo-2-baomoi.zadn.vn/w700_r1/2018/08/17/181/27334885/6_2466786.jpg

Mưa lớn gây sạt lở, ách tắc giao thông ở các tuyến đường trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông-Kon Tum (nguồn: baomoi.com)

Trong những năm qua, biến đổi khí hậu đã và đang diễn biến ngày càng phức tạp, bất thường, khó lường theo chiều hướng cực đoan hơn; mưa lũ cường suất lớn, hạn hán, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, nắng nóng, rét đậm, rét hại tiếp tục diễn ra nhiều hơn; năm 2018, trên địa bàn tỉnh Kon Tum do ảnh hưởng của cơn bão số 3, số 4 và áp thấp nhiệt đới đã xảy ra hiện tượng mưa lớn kéo dài, gây lũ, sạt lở đất đã gây thiệt hại nặng nề đến đời sống, sản xuất Nhân dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các huyện Tu Mơ Rông, Ia H’drai, Đăk Glei, Kon Plong… nhiều công trình, cơ sở hạ tầng bị hư hỏng, một số tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ và các tuyến đường liên xã thuộc các huyện sạt lở gây ách tắc giao thông. Năm 2019, theo dự báo tình hình thời tiết, khí hậu tiếp tục có những diễn biến phức tạp, nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống và sạt lở đất ở khu vực đất dốc hoặc ven sông, suối là rất cao.

Để chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân, Nhà nước trên địa bàn tỉnh, ngày 02/8/2019, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh Kon Tum; theo đó UBND tỉnh yêu cầu:

Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, địa phương trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 13/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng tránh lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; Nghị quyết 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai; Quyết định số 503/QĐ-UBND ngày 17/5/2019 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm 2019…). Rà soát bổ sung Kế hoạch, Phương án phòng, chống thiên tai năm 2019 theo quy định của Luật Phòng, chống thiên tai; kiểm tra, nắm chắc số lượng phương tiện, vật tư dự phòng phục vụ công tác phòng, chống thiên tai ở từng địa phương, đơn vị và có phương án huy động phương tiện, lực lượng ứng cứu, khắc phục kịp thời khi có thiên tai xảy ra; xây dựng lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã, quán triệt, triển khai công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2019 theo phương châm “Bốn tại chỗ” (Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và “Ba sẵn sàng” (Chủ động phòng tránh; đối phó kịp thời; khắc phục khẩn trương có hiệu quả); xây dựng phương án, kế hoạch dự trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu sẵn sàng ứng phó khi thiên tai xảy ra.

Cập nhật thường xuyên bản tin dự báo khí tượng thủy văn, các thông tin liên quan đến dự báo, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, lũ trên các phương tiện thông tin; chủ động sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó với mưa bão, lũ quét, sạt lở đất và đảm bảo an toàn hệ thống công trình hồ đập và khu vực hạ du nhất là các hồ xung yếu, đồng thời thông báo cho người dân biết, chủ động phòng tránh, ứng phó.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động phối hợp với Sở Công thương, UBND các huyện, thành phố theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành quy trình vận hành hồ chứa; phương án phòng, chống lũ bảo đảm an toàn đập và vùng hạ du các công trình thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh…

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ và sơ tán dân khi có thiên tai xảy ra, hỗ trợ chi viện khi có yêu cầu. Xây dựng phương án, kế hoạch phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các đơn vị, ứng phó kịp thời, đồng bộ với mọi tình huống thiên tai, hạn chế đến mức thấp nhất về người và tài sản; đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Các sở, ban, ngành trên cơ sở, chức năng, nhiệm vụ của mình đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn phòng, chống bão lũ trong Nhân dân; tăng cường công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên, tổ chức kiểm tra, tuần tra các điểm xung yếu, đặc biệt là các tuyến đường huyết mạch có nguy cơ xảy ra ách tắc, mất an toàn giao thông trong mùa mưa lũ; chủ động các phương án khắc phục hậu quả, đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt; có kế hoạch, phương án đảm bảo cung cấp, phát điện khi có thiên tai diễn ra, thường xuyên kiểm tra đánh giá chất lượng và sửa chữa kịp thời các hư hỏng của các công trình thuộc ngành; chuẩn bị thuốc, vật tư, phương tiện và bố trí y-bác sĩ thực hiện tốt việc sơ, cấp cứu và chữa trị cho người dân…

UBND các huyện, thành phố chỉ đạo kiểm tra, rà soát những làng, hộ dân sinh sống ở khu vực dễ bị ảnh hưởng trực tiếp của mưa lũ, sạt lở đất (vùng ven sông, ven suối, ven sườn đồi dễ bị sạt lở, vùng trũng…) xây dựng phương án đảm bảo an toàn công trình khi mưa, lũ lớn; bố trí lực lượng giám sát, hướng dẫn an toàn cho người dân tại vùng nguy hiểm; chủ động các biện pháp phòng, tránh, ứng phó, sơ tán, di dời Nhân dân trong trường hợp khẩn cấp; đảm bảo an toàn, ổn định đời sống và sản xuất; rà soát, kiện toàn và phân công thành viên Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện bám sát địa bàn các xã xung yếu để kịp thời phối hợp với chính quyền cấp xã chỉ đạo công tác phòng, ứng phó với thiên tai, tổ chức cắm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực bị ngập sâu, sạt lở đất, lũ quét, các khu vực hồ chứa thủy lợi, thủy điện có nguy cơ mất an toàn để các tổ chức, Nhân dân biết, chủ động ứng phó. Phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời, đúng quy định pháp luật các trường hợp vi phạm Luật Thủy lợi, Luật Phòng, chống thiên tai…

Đài Khí tượng thủy văn Kon Tum thông tin dự báo, cảnh báo kịp thời diễn biến khí tượng thủy văn phục vụ công tác phòng, chống lụt bão, thiên tai trên địa bàn tỉnh để các tổ chức, Nhân dân biết, chủ động ứng phó. Các chủ đập thủy lợi, thủy điện thực hiện nghiêm quy định về quản lý an toàn đập, quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa.

Bên cạnh đó, mỗi người dân cần chủ động cập nhật thông tin thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng; rèn luyện kỹ năng phòng chống, ứng phó phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; thực hiện gia cố, giằng chống đảm bảo an toàn nhà ở trước mùa mưa bão; phối hợp với các lực lượng chức năng trong triển khai các biện pháp công tác.

Thái Ngân