A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kon Tum: Tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống xuất huyết

Theo nhận định của ngành Y Tế, từ nay đến hết năm 2019, tình hình bệnh sốt xuất huyến Dengue (SXHD) diễn biến phức tạp, sẽ bùng phát dịch bệnh trên toàn tỉnh, nhất là trên địa bàn thành phố Kon Tum, các huyện Đăk Hà, Đăk Tô, Ngọc Hồi, Đăk Glei, Sa Thầy.

http://image.baolongan.vn/news/2015/20150707/fckimage/134-2015-14.jpg

Đoàn viên, thanh niên phát quang bụi rậm, diệt lăng quăng (ảnh V.Đát)

Theo báo cáo của Sở Y tế, tình hình bệnh SXHD khu vực Tây Nguyên nói chung, trên địa bàn tỉnh Kon Tum nói riêng đang diễn biến phức tạp. Hiện nay toàn tỉnh ghi nhận 341 ổ dịch (thành phố Kon Tum 139; Đăk hà 54, Đăk Tô 21, Ngọc Hồi 27, Đăk Glei 18, Tu Mơ Rông 04, Kon Rẫy 07, Kon Plong 03, Sa Thầy 64, Ia H’Drai 04). Tính đến hết ngày 23/8/2019, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 868 trường hợp mắc bệnh SXHD (thành phố Kon Tum 417; Đăk Hà 126, Đăk Tô 74, Ngọc Hồi 46, Đăk Glei 56, Tu Mơ Rông 04, Kon Rẫy 09, Kon Plong 03, Sa Thầy 127, Ia H’Drai 06), tăng 770 ca so với cùng kỳ năm 2018. Tỷ lệ mắc bện/100.000 dân là 162,2. Theo địa bàn: Có 10/10 huyện/thành phố với 62/102 xa, phường, thị trấn có ca bệnh.

Trước tình hình trên, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống bệnh SXHD như xử lý các ổ dịch, diệt lăng quăng (bọ gậy), đẩy mạnh công tác truyền thông và điều trị… Tuy nhiên, tình hình bệnh SXHD vẫn diễn biến phức tạp và theo nhận định của ngành Y Tế, từ nay đến hết năm 2019, tình hình bệnh SXHD diễn biến phức tạp, sẽ bùng phát dịch bệnh trên toàn tỉnh, nhất là trên địa bàn thành phố Kon Tum, các huyện Đăk Hà, Đăk Tô, Ngọc Hồi, Đăk Glei, Sa Thầy.

Để tiếp tục triển khai thực hiện đạt hiệu quả công tác phòng, chống bệnh SXHD trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của UBND tỉnh trong công tác này, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh môi trường, các biện pháp phòng, chống bệnh SXHD ngay tại gia đình và cộng đồng; UBND các huyện, thành phố tổ chức và duy trì Chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy) một cách hiệu quả; đối với các địa bàn trọng điểm (thành phố Kon Tum, các huyện Đăk Hà, Đăk Tô, Ngọc Hồi, Đăk Glei, Sa Thầy) cần diệt lăng quăng (bọ gậy) 1 lần/tuần vào thứ 7 hoặc chủ nhật.

Đồng thời, UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở Y tế tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan, chính quyền địa phương vận động và cùng người dân tham gia phòng chống dịch bệnh SXHD tại các địa bàn. Tăng cường và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, truyền thông phòng, chống dịch bệnh. Huy động mọi nguồn lực, chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện, bảo hộ… để điều trị kịp thời và đáp ứng với các tình huống dịch bệnh. Tăng cường các biện pháp giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để khoanh vùng xử lý ổ dịch, cách ly, điều trị kịp thời, hạn chế tỷ lệ mắc và tử vong. Thực hiện tốt công tác kiểm tra về phòng, chống SXHD.

Bên cạnh đó, để phòng, chống bệnh SXHD có hiệu quả, mỗi người dân, mỗi gia đình cần thực hiện phòng bệnh ngay tại gia đình mình như diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy tại nhà và khu dân cư sinh sống; loại bỏ nơi sinh sản của muỗi (đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng, thau rửa các dụng cụ chứa nước…); thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá…, dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến; phòng chống muỗi đốt như ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày, dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi… Đồng thời, tích cực phối hợp với chính quyền địa phương và ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng chống dịch bệnh.

Thái Ngân