A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một số điều cần biết và những tác hại của cần sa

 

          Cây cần sa có tên khoa học là Cannabis – Satina L. Nó còn có tên khác là: Cây gai dầu, cây lanh mèo, cây lanh mán, cây gai mèo, cây đại ma, cây hỏa ma, cây bồ đà. Cần sa thuộc nhóm thảo mộc, mọc hàng năm cao từ 2- 3 mét, thân vuông, có rãnh dọc, mọc thẳng đứng. Lá xẻ ra từ 5- 7 thùy hình chân vịt, mép khía răng cưa. Phía dưới  lá mọc đối, cuống dài, phía trên lá mọc so le, cuống ngắn, có lá kèm. Hoa cần sa là loại hoa đơn tính, mọc riêng gốc, màu xanh nhạt, hoa đực mọc rủ xuống, hoa cái mọc thành bông. Hạt hình cầu, dập nát ngửi có mùi thơm, trong đó có nhân dẹt, nôi nhũ.  

 

alt

alt

Cây, hoa cần sa (ảnh minh họa)


            Cần sa là loại cây có chứa chất gây nghiện (hay gọi là chất ma túy), có hại cho sức khỏe con  người. Do vậy, Nhà nước cấm mọi hoạt động liên quan đến cây cần sa (trừ trường hợp trồng để phục vụ nghiên cứu khoa học đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép).

            Tình trạng sử dụng cần sa trong thời gian qua chủ yếu tập trung ở các đối tượng thanh thiếu niên. Cần sa là một loại ma túy có độc tính và gây nghiện rất cao không thua kém gì so với hêrôin chỉ khác về mặt tác dụng lên hệ thần kinh trung ương, hêroin thì có tác dụng gây cho người sử dụng có cảm giác êm dịu đê mê còn cần sa thì lại làm cho người sử dụng có những ảo giác. Tác dụng nguy hiểm nhất của cần sa là gây ảo giác, tức làm cho sai lệch về tinh thần. Tùy thuộc vào thần kinh của từng người nghiện cụ thể mà cần sa có những tác động gây ảo giác khác nhau. Ví dụ: Có những thanh thiếu niên khi hút cần sa thì bỗng cười to dữ dội, lăn ra mà cười, bò quanh dưới đất mà cười. Nhưng cũng có những người khác lại khóc lóc, than thở hoặc có nhiều hành vi hoạt động rất vô nghĩa khác.

 

alt

alt

Cây cần sa trồng trái phép trong nhà và trên sân thượng (ảnh minh họa)


Qua nghiên cứu khi sử dụng cần sa người nghiện có những ảo giác khác thường, màu sắc xung quanh họ trở nên chói chang, rực rỡ hơn, những người đứng trước họ trở nên to hơn, đẹp hơn, hay hung tợn hơn, Các cơn ác mộng với những cảnh tượng kinh khủng như đâm chém nhau, người đứt thành từng đoạn rồi bay lơ lửng trên những đám mây nhiều màu, tràn trề ánh sáng. Nguy hiểm hơn người nghiện có những cơn hoang tưởng giống như bệnh nhân mắc bệnh tâm thần hoang tưởng. Người nghiện cảm thấy bản thân mình rất anh hùng, dũng cảm.. Ví dụ: Có thể nhảy từ nhà cao tầng xuống đất hoặc lao đầu vào xe lửa đang chạy nhưng không có cảm giác sợ… Việc sử dụng cần sa gây ra rất nhiều tác hại cho xã hội, gia đình và chính bản thân người nghiện, nhưng đặc biệt nhất là chính bản thân người nghiện khi đã đưa cần sa vào trong cơ thể của mình:

            – Thứ nhất, nó là chất độc tác động lên hệ thần kinh trung ương gây ra những ảo giác rất nguy hiểm, không làm chủ được hành vi có thể chém giết người khác, tự chém bản thân hoặc dẫn đến tự tử.

          – Thứ hai, do cần sa có tính kích thích mạnh, lúc sử dụng thì làm cho con người không có cảm giác đau đớn, mơ mộng hảo huyền nhưng khi hết tác dụng bản thân trở nên yếu ớt, mệt mỏi, suy nhược thần kinh, suy dinh dưỡng,…

            – Thứ ba, cần sa có tính gây nghiện rất cao nhất là các nguyên liệu khô từ cần sa, hoa và quả cần sa, tinh dầu cần sa chỉ cần sử dụng lần đầu nó đã có những tác động lên khu thần kinh trung ương, tùy theo thể trạng của từng người sẽ có tác dụng nhanh hay chậm, có trường hợp dùng thử cần sa ban đầu thấy không có tác dụng gì, cũng có trường hợp lại cảm thấy khó chịu, bức rức nên đã lầm tưởng rằng dùng cần sa không gây nghiện, nhưng thật chất cần sa nói riêng và các chất gây nghiện khác sau khi sử dụng đều có một phần nằm lại vỏ não dưới dạng tiềm thức thúc đẩy con người sẽ sử dụng thêm ở những lần tiếp theo (nếu cần sa ở trước mắt họ), tính chất nghiện của cần sa cũng giống như hêrôin người sử dụng càng ngày càng muốn tăng liều lượng (do vỏ nảo bị “chay”) và tìm mọi cách để có cảm giác “phê” nhất đó là tiêm chích và cuối cùng là căn bệnh nguy hiểm nhất hiện nay là HIV/AIDS.

           Theo quy định của Chính phủ thì cần sa là chất ma túy rất độc hại và nó được xếp vào danh mục I là danh mục các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội; việc sử dụng các chất này trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm theo quy định đặc biệt của cơ quan có thẩm quyền (Theo Nghị định số 82/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ).

           Qua những tác hại trên mong rằng người dân chúng ta sẽ có nhận thức đúng đắn hơn về tác hại của cần sa đối với bản thân, gia đình cũng như xã hội. đừng nghe theo những lời dụ dỗ của các đối tượng xấu rằng “sử dụng cần sa không nguy hiểm”, đừng vì một phút chơi “ngông” thiếu hiểu biết của bản thân mà đánh đổi cả cuộc đời. Mọi người cần quan tâm đến con em, người thân trong gia đình mình hơn khi thấy có những biểu hiện bất thường có liên quan đến ma túy cần kịp thời ngăn chặn và liên hệ với Công an địa phương để tạo điều kiện cho con em mình được đi cai nghiện để kéo họ quay về với cuộc sống, mặt khác khi phát hiện thấy có người tụ tập hút cần sa hoặc sử dụng các chất ma túy khác cần kịp thời trình báo với lực lượng Công an để xử lý./.

                                                                

Phùng Quế (Phòng Kỹ Thuật Hình Sự sưu tầm)