A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một số thủ đoạn giả mạo chữ ký thường gặp

 

         Giả mạo chữ ký là một trong những thủ đoạn của các đối tượng nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và đã xuất hiện từ lâu dưới nhiều hình thức khác nhau. Ngày nay, lợi dụng sự phát triển của khoa học công nghệ mà các đối tượng cũng đã có những thủ đoạn mới. Trong những năm gần đây, việc giả mạo chữ ký có nhiều diễn biến phức tạp, xuất hiện trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội như: tham gia góp vốn, hợp đồng kinh tế, thế chấp, vay mượn, chơi hụi, họ và giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn để vụ lợi…v.v. Qua công tác giám định chữ ký, chúng tôi nêu lên một số thủ đoạn giả mạo chữ ký như sau:

            Một là: (tự thay đổi chữ ký) Đó là việc chính người ký cố tình thay đổi chữ ký đã ổn định của mình dưới các hình thức như thay đổi một phần hoặc toàn bộ chữ ký, ký thêm nét hoặc thiếu nét…so với chữ thường ký. Với thủ đoạn này thì chữ ký sau mỗi lần ký sẽ khác nhau. Đây là trường hợp thường xảy ra trong các giao dịch giữa cá nhân với cá nhân mà họ ít thân quen, cư trú ở địa bàn khác nhau, hoặc thông qua người trung gian, qua mạng viễn thông….để nhằm mục đích không chịu trách nhiệm cá nhân trong các giao dịch.

alt

                          Mẫu chữ thường ký                           Chữ ký đã bị thay đổi       

            Hai là: (giả mạo chữ ký của người khác) Với trường hợp này thì các đối tượng thường sử dụng các hình thức sau:

            – Tập ký theo mẫu chữ ký của người cần giả mạo: Loại chữ ký này có dạng tương đồng với mẫu của người bị giả mạo. Tuy nhiên, chúng thường có những nốt mực trên các nét ký (điểm dừng vô lý), thiếu hoặc thừa nét, nét run, khác nhau về độ nghiêng, về nét kết thúc, về nét phụ gạch chân…. Trường hợp này thường xảy ra trong các loại hồ sơ, văn bằng, chứng chỉ giả.

alt

                                        Chữ ký thật                         Chữ ký giả mạo         

            – Đồ theo mẫu chữ ký: Loại chữ ký giả mạo này được sao chép nên chúng có dạng giống nhau hoàn toàn. Mặc dù vậy, chữ ký giả mạo này cũng thường tồn tại các nốt mực trên nét ký (điểm dừng vô lý), các nét ký có độ hằn sâu, nét run, nét kết thúc thường ngắn và ở cuối có điểm dừng.

            – Photocoppy: Loại chữ ký này có màu mực đen đậm đồng nhất và không có các vết hằn của nét chữ ký. Vì các hạt mực chỉ bám trên bề mặt giấy nên khi dùng kim nhọn khều nhẹ các nét ký dễ bong tróc. Ngoài ra, các nét của chữ ký này thô và thường bị đứt rời, không liền nét.

alt

        

            – In phun màu: Chữ ký giả mạo loại này thường có màu mực không đồng nhất do lẫn các hạt mực khác màu, các nét ký có độ bóng dầu, không có các vết hằn của nét chữ ký, các nét lướt và nét hất thường bị đứt rời, không liền nét, nhìn mặt sau có thể thấy mực ngấm vào giấy.

            – Ký chữ có dạng khác: Loại chữ ký này có dạng hoàn toàn khác với mẫu chữ ký của người bị giả mạo. Thông thường giữa họ không hề quen biết nhau và thường xuất hiện sự giả mạo trên các loại chứng chỉ, hóa đơn, chứng từ…v.v

            Với những thủ đoạn giả mạo chữ ký cùng các đặc điểm được nêu trên, chúng tôi hy vọng sẽ góp được phần nào giúp chúng ta cách nhận biết sơ bộ về thủ đoạn giả mạo chữ ký, đồng thời nêu cao cảnh giác nhằm giảm thiểu rủi ro và thiệt hại gây ra.

                                                                                     Lê Hữu Thảo  (Phòng KTHS)