A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn ứng phó với cơn bão số 5 và mưa lớn trên địa bàn tỉnh

Tại Công điện số 07/CĐ-UBND ngày 17/9/2020 về ứng phó với cơn bão số 5 và mưa lớn trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân chỉ đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh sẵn sàng các phương án, lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời triển khai ứng cứu khi có yêu cầu.

C:\Users\Admin\Desktop\bao-so-5_piyp_thumb.png

Chủ động ứng phó với cơn bão số 5 và mưa lớn trên địa bàn tỉnh. Ảnh minh họa

Trước tình hình cơn bão số 5 diễn biến phức tạp, nguy cơ bão đổi hướng, ảnh hưởng đến ven biển và đất liền sớm hơn dự báo, gây ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, để chủ động ứng phó với bão và mưa lũ, hạn chế thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, chủ động chỉ đạo và triển khai công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ” phù hợp với diễn biến của bão, mưa lũ và tình hình cụ thể tại địa phương, tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Bên cạnh đó, giao nhiệm vụ cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

– UBND các huyện và thành phố Kon Tum:

Phân công thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện, thành phố bám sát địa bàn các xã xung yếu để kịp thời phối hợp với chính quyền địa phương chỉ đạo công tác phòng, ứng phó bão, mưa lớn; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu.

Kiểm tra, rà soát và sẵn sàng các phương án ứng phó với bão, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, nhất là các hồ xung yếu, thông báo cho người dân biết, chủ động phòng tránh, ứng phó.

Rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở, lũ quét và có phương án sơ tán, di dời khẩn cấp, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản Nhân dân. Tổ chức cắm các biển báo, cảnh báo, nghiêm cấm người, phương tiện lưu thông qua khu vực bị ngập lụt, nguy hiểm khi có tình huống thời tiết xấu xảy ra.

Tổ chức kiểm tra hệ thống cầu treo dân sinh bị hư hỏng, các tuyến đường bị sạt lở trên địa bàn để có giải pháp xử lý, khắc phục sửa chữa kịp thời theo thẩm quyền quản lý nhằm đảm bảo giao thông phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trên địa bàn.

Tổ chức trực ban 24/24 giờ để theo dõi diễn biến của bão, mưa lũ, kịp thời chỉ đạo phòng chống, ứng phó thiên tai.

– Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh sẵn sàng các phương án, lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời triển khai ứng cứu khi có yêu cầu.

– Sở Giao thông vận tải rà soát, chuẩn bị phương tiện, nhân lực, vật lực, phương án ứng phó khắc phục, đảm bảo giao thông trên các tuyến Quốc lộ, Tỉnh lộ… khi xảy ra sạt lở, tắc đường; đồng thời, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức khắc phục các sự cố trên các tuyến đường giao thông quan trọng, một số tuyến đường xung yếu đảm bảo giao thông thông suốt.

– Sở Công Thương (đối với các hồ chứa thủy điện), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đối với các hồ chứa thủy lợi) theo chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo các chủ hồ, chủ đập thủy điện, thủy lợi triển khai thực hiện bảo đảm công tác vận hành hồ chứa theo quy trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; triển khai các biện pháp bảo vệ hồ đập và công trình thủy lợi, bảo đảm an toàn hệ thống truyền tải điện và lưới điện; chuẩn bị lực lượng, vật tư phương tiện sẵn sàng xử lý khi có sự cố, tình huống phức tạp xảy ra.

– Các sở, ban ngành là thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh bám sát địa bàn được phân công, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương chỉ đạo công tác phòng, ứng phó bão, mưa lũ; kịp thời báo cáo tình hình thiên tai về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

– Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, Báo Kon Tum cập nhật, đưa tin kịp thời về diễn biến của bão, mưa lũ; các chỉ đạo ứng phó của Trung ương, của Ủy ban nhân dân tỉnh để các cơ quan và người dân biết, chủ động ứng phó, tránh tư tưởng chủ quan.

– Đài Khí tượng Thuỷ văn tỉnh Kon Tum cung cấp kịp thời các thông tin, diễn biến của cơn bão, mưa lũ để các đơn vị, địa phương liên quan và Nhân dân biết, chủ động phòng, tránh kịp thời.

– Chủ đầu tư các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện các Phương án phòng, chống lụt bão, bảo đảm an toàn hồ đập đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tổ chức vận hành liên hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Sê San theo quy trình vận hành đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 215/QĐ-TTg ngày 13/02/2018.

– Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh tổ chức trực ban 24/24h, nắm chắc tình hình diễn biến bão, mưa lũ, kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh các biện pháp xử lý khi có tình huống xấu xảy ra; theo dõi tình hình ở các địa phương, tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh định kỳ vào lúc 15giờ hàng ngày.

Khánh Vi