A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường công tác đảm bảo An ninh trên lĩnh vực Văn học – Nghệ thuật

Văn học, nghệ thuật là tinh hoa của văn hóa đem lại những giá trị tinh thần cho xã hội với thiên chức thiêng liêng là bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm con người hướng tới chân, thiện, mỹ. Những tác phẩm trường tồn với thời gian đều mang nội dung nhân văn sâu sắc, giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ cao, mang đậm dấu ấn thời đại của một quốc gia, một dân tộc. Văn nghệ sỹ (VNS) – chủ thể sáng tác văn học nghệ thuật, những con người có trí thức, hiểu biết và đặc biệt nhạy cảm trước những biến động của tình hình chính trị, kinh tế, xã hội. Trong công cuộc đổi mới đất nước, văn học, nghệ thuật phát triển đa dạng hơn, phong phú hơn, văn nghệ sỹ có điều kiện tự do sáng tác, vận dụng đa dạng về đề tài, nội dung, phương pháp sáng tác, sự tìm tòi thể nghiệm. Tuy nhiên, số lượng tác phẩm ngày càng nhiều nhưng còn ít tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, chưa thật sự có ý nghĩa xã hội rộng lớn trở thành tấm gương phản chiếu của thời đại. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch luôn coi văn học, nghệ thuật là mục tiêu để thực hiện âm mưu “Diễn biến hòa bình”, tìm cách tác động, lôi kéo số văn nghệ sỹ thành lực lượng xung kích trong các hoạt động phá hoại tư tưởng, tạo dựng “ngọn cờ dân chủ”, lũng đoạn nền văn hóa, nghệ thuật cách mạng, thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, tiến tới chuyển hóa chế độ “XHCN” ở nước ta theo khuynh hướng tư bản chủ nghĩa. Các trung tâm văn hóa nước ngoài tại Việt Nam đã liên tục tổ chức nhiều hoạt động VHNT phức tạp. Nổi lên là hoạt động của các tổ chức nước ngoài thường xuyên thông qua các hoạt động tài trợ, biểu diễn, triển lãm, tọa đàm, hội thảo, giao lưu văn hóa, văn học, điện ảnh, mỹ thuật, sân khấu để tuyên truyền ảnh hưởng, trực tiếp tác động, tập hợp, móc nối, lôi kéo số văn nghệ sỹ có quan điểm cực đoan, quá khích; tạo sân chơi, hướng lái số văn nghệ sỹ này vào các hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; kích động tư tưởng đa nguyên, đòi tự do sáng tác, lợi dụng những sơ hở của ta trong công tác quản lý để thâm nhập nội bộ, lôi kéo, kích động số văn nghệ sỹ có quan điểm cực đoan, quá kích, thu thập tình hình nội bộ, tình hình các vùng dân tộc, tôn giáo nhạy cảm; tuyển chọn một số cá nhân xuất sắc đi nước ngoài đào tạo, để tác động mua chuộc chuyển hóa về tư tưởng nhằm sử dụng vào các hoạt động chống phá ta lâu dài. Một số VNS, tri thức tỏ thái độ hoài nghi vào sự lãnh đạo của Đảng, không đồng tình trước một số chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ. Một số khác đã và đang có một số khuynh hướng sáng tác phức tạp, một số tác giả khai thác, tìm hiểu sâu các vấn đề thuộc về lịch sử nhằm phê phán sự lãnh đạo của Đảng. Xu hướng ly khai trong một bộ phận VNS càng ngày càng bộc lộ rõ, hoạt động có sự tác động, liên kết, móc nối của một số VNS người Việt ở nước ngoài. Công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật thời gian qua còn một số vấn đề chưa giải quyết được như: hoạt động lý luận phê bình văn học, nghệ thuật bộc lộ sự yếu kém, chưa chỉ ra được định hướng của Đảng về sáng tác văn học, nghệ thuật trong tình hình hiện nay, chưa có tiêu chí chuẩn mực để thẩm định tác phẩm văn học, nghệ thuật; các văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực văn học, nghệ thuật chưa đồng bộ, thiếu chế tài xử lý vi phạm. Công tác đấu tranh chống quan điểm sai trái trong văn học nghệ thuật gần như chưa triệt để. Nhiều tác phẩm của một số văn nghệ sỹ trong nước và lưu vong có nội dung sai trái nhưng công tác tổ chức đấu tranh phản bác của các cơ quan chức năng còn rời rạc, yết ớt.

Trên địa bàn tỉnh Kon Tum, Hội Văn học, Nghệ thuật (VHNT) được tách ra từ Hội Văn học, Nghệ thuật tỉnh Gia Lai – Kon Tum(cũ) và thành lập theo Quyết định số 113/QĐ-UB, ngày 14 tháng 12 năm 1994 của UBND tỉnh Kon Tum là một tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp của những người hoạt động Văn học – Nghệ thuật, là thành viên của UBMTTQ Việt Nam tỉnh Kon Tum, thành viên của Ủy ban toàn quốc liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam. Với nhiệm vụ bảo tồn, khai thác, kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa, nghệ thuật của địa phương. Phổ biến các tác phẩm Văn học – Nghệ thuật trong tỉnh, trong nước và các giá trị tinh hoa Văn học – Nghệ thuật thế giới nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Văn học nghệ thuật tỉnh Kon Tum đã có góp phần không nhỏ trong nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các bản sắc văn hóa của địa phương, một số tác giả Kon Tum đã đạt thành tích cao, được giải thưởng quốc gia và quốc tế trong lĩnh vực Nhiếp ảnh, Mỹ thuật. Tuy nhiên, kết quả hoạt động sáng tạo VH-NT ở Kon Tum cũng trong tình trạng chung về VH-NT hiện nay, chưa có những tác phẩm đỉnh cao, xứng tầm với những thành tựu của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời gian qua.. Tuy nhiên, qua công tác an ninh đã phát hiện có một số tác phẩm có nội dung lập lờ hai mặt về các vấn đề xã hội, con người và sự đối lập trong cuộc sống với xã hội hiện nay gửi in trên Tạp chí Sông Hương, Tạp chí Văn học Nghệ thuật các địa phương khác.

Để chủ động đảm bảo công tác an ninh trên lĩnh vực văn học nghệ thuật trong thời gian tới, Công an tỉnh đặt ra một số giải pháp như sau: tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, công tác quản lý của chính quyền địa phương trong lĩnh vực VHNT; sớm phát hiện và xử lý nghiêm các bản thảo, các cơ sở in ấn, sao chép trái phép các loại sách văn học có nội dung xấu; xử lý nghiêm các đối tượng sử dụng mạng Internet để tán phát các tác phẩm có nội dung sai trái; tham mưu cho Ban tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch, Sở Truyền thông – Thông tin, các ngành liên quan… đánh giá tình hình hoạt động của các Hội văn học nghệ thuật, củng cố công tác Đảng đoàn, ổn định nội bộ, không để tình hình phức tạp xảy ra. Có biện pháp quản lý chặt các hoạt động giao lưu, trao đổi viết bài của văn nghệ sỹ của tỉnh với các đối tượng chống đảng ở trong và ngoài nước, các diễn đàn ở hải ngoại; làm tốt công tác nghiệp vụ, nắm tình hình An ninh liên quan đến văn học nghệ thuật, qua đó làm rõ âm mưu và thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch đối với văn học nghệ thuật, đồng thời chủ động phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh ngăn chặn hoạt động xâm nhập, chuyển hóa, xây dựng nhân tố chống đối từ bên trong của các thế lực thù địch đối với văn học nghệ thuật; nắm chắc tình hình đội ngũ văn nghệ sỹ có hoạt động phức tạp, sớm phát hiện “tự diễn biến”, các vấn đề liên quan đến các lĩnh vực nhạy cảm, có sự hỗ trợ của nước ngoài; chủ động phát hiện những hoạt động nhằm phục hồi Hội đoàn cũ, cũng như lập các Hội mới của các đối tượng chống đối để kịp thời có đối sách; tăng cường tiếp xúc, tranh thủ số VNS có tên tuổi, VNS đầu đàn, không để các thế lực thù địch bên ngoài tác động, móc nối; phối hợp với các cơ quan chủ quản đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc. Tham mưu cho thủ trưởng cơ quan có kế hoạch bồi dưỡng nhằm nâng cao nhận thức chính trị, ý thức cảnh giác cho văn nghệ sỹ./.

                                         Nguyễn Bá Bằng (Phòng ANCTNB)