A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp

Thực hiện Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ về Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 12/2022, vừa qua, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp Bộ Công an đã tiếp thu, hoàn chỉnh Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng (CNQP), an ninh (AN) và động viên công nghiệp (ĐVCN).

        Theo nội dung tờ trình, hiện nay, cơ sở pháp lý cao nhất điều chỉnh lĩnh vực CNQP là Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng năm 2008, điều chỉnh lĩnh vực ĐVCN là Pháp lệnh Động viên công nghiệp năm 2003. Tuy nhiên, trong thời gian qua, Quốc hội đã thông qua nhiều luật, nghị quyết có tác động đến CNQP và ĐVCN như: Hiến pháp năm 2013, Luật Quốc phòng năm 2018, Luật Công an nhân dân năm 2018, Luật Đầu tư công năm 2019, Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, Luật Doanh nghiệp năm 2020,… đòi hỏi phải xây dựng Luật để điều chỉnh những quy định về CNQP và ĐVCN đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Ngoài ra, một số quy định về ĐVCN liên quan đến quyền con người, quyền công dân nhưng chưa được quy định bằng văn bản luật nên chưa đảm bảo nguyên tắc hiến định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp 2013.

Thượng tướng Phạm Hoài Nam và Trung tướng Lê Quốc Hùng đồng chủ trì phiên họp.

Lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Bộ Công an đồng chủ trì phiên họp triển khai lập đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp (Ảnh: Sơn Bình)

Đối với CNAN, hiện đang được điều chỉnh bởi Nghị định số 63/2020/NĐ-CP ngày 08/6/2020 của Chính phủ (hướng dẫn thi hành Điều 34 Luật Công an nhân dân 2018) nên tính pháp lý chưa cao, đòi hỏi phải điều chỉnh CNAN tầm văn bản Luật để đảm bảo tính ổn định, đồng bộ, thống nhất của các quy định cho phát triển CNAN.

Qua tổng kết 15 năm thực hiện Pháp lệnh Động viên công nghiệp, 12 năm thực hiện Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng trên phạm vi toàn quốc cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, đến nay việc thực thi các Pháp lệnh về CNQP, ĐVCN đã xuất hiện nhiều vướng mắc, bất cập như:

- Việc thực hiện chức năng giúp Chính phủ quản lý nhà nước về CNQP và ĐVCN của Bộ Quốc phòng chưa phát huy tối đa hiệu lực, hiệu quả; chưa tập trung và còn phân tán ở nhiều đầu mối cơ quan trực thuộc. Chức năng, nhiệm vụ các khối: Đặt hàng - giao nhiệm vụ; nghiên cứu, sản xuất - sửa chữa; khai thác sử dụng chưa được phân định rõ. Hệ thống các cơ sở CNQP tuy nhiều về số lượng (79 cơ sở CNQP nòng cốt, 37 cơ sở công nghiệp động viên) nhưng phần lớn có quy mô nhỏ, tính quy tụ về công nghệ, sản phẩm chưa cao. Sự gắn kết giữa nghiên cứu thiết kế với sản xuất, sản xuất với sửa chữa chưa chặt chẽ. Chuyển đổi hoạt động của các Viện nghiên cứu sang mô hình tự chủ về tài chính còn vướng mắc. Chưa có cơ chế phát huy vai trò chủ lực của các cơ sở CNQP nòng cốt để kết hợp chặt chẽ với công nghiệp dân sinh trong ĐVCN; chưa khai thác thế mạnh của từng vùng, từng địa phương để thực hiện ĐVCN gắn với thế bố trí tác chiến chiến lược và khu vực phòng thủ.

- Cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu và quản lý sản xuất quốc phòng, thực hiện nhiệm vụ ĐVCN chưa đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành. Đối tượng doanh nghiệp và lĩnh vực công nghệ được ĐVCN còn hẹp, chưa sát với thực tiễn (chưa phù hợp với xu thế hội nhập thế giới để tiếp cận tích cực hơn nữa nguồn lực công nghiệp của các thành phần kinh tế, trong đó có các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; lĩnh vực còn bó hẹp chỉ gồm cơ khí, luyện kim, hoá chất và điện tử). Sự thu hút, tạo động lực để huy động và tận dụng năng lực sẵn có của doanh nghiệp ngoài lực lượng vũ trang nhân dân, các thành phần kinh tế dân sinh tham gia sản xuất quốc phòng, thực hiện nhiệm vụ ĐVCN còn hạn chế; cơ chế ưu tiên sử dụng các sản phẩm do CNQP sản xuất chưa được hoàn thiện (thiếu văn bản quy định hướng dẫn thực hiện cụ thể dẫn đến chưa áp dụng hiệu quả trong thực tiễn). Mức độ tham gia phát triển kinh tế đất nước của CNQP chưa tương xứng tiềm năng.

- Cơ chế ưu tiên nguồn lực cho xây dựng và phát triển CNQP, ĐVCN còn hạn chế; chưa có chính sách hiệu quả để thúc đẩy KHCN trở thành động lực cho phát triển CNQP; các chính sách về đào tạo, gìn giữ, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, huy động và đầu tư nâng cao tiềm lực cho CNQP chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, hiệu quả chưa cao. Việc áp dụng Luật Sở hữu trí tuệ trong nghiên cứu, thiết kế, chế tạo mới vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ còn lúng túng. Thiếu các quy định đặc thù trong mua sắm vật tư kỹ thuật (vật tư, linh kiện, thiết bị, máy móc chuyên dụng) phục vụ cho nhiệm vụ CNQP (do những sản phẩm này thường là các sản phẩm đặc thù, được nước ngoài bảo mật và quản lý chặt chẽ, nhiều trường hợp không thực hiện được theo luật đấu thầu và các quy định về nhập khẩu hàng hóa).

- Hợp tác quốc tế về CNQP chủ yếu vẫn diễn ra một chiều, phần lớn là nhập khẩu vũ khí trang bị kỹ thuật từ các nước; sản phẩm CNQP chưa thâm nhập sâu rộng vào thị trường xuất khẩu vũ khí. Hoạt động xuất khẩu vũ khí trang bị quân sự và xúc tiến thương mại quân sự chưa được quy định trong Pháp lệnh. Sản phẩm quốc phòng xuất khẩu, năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế của nhiều doanh nghiệp CNQP còn hạn chế.

Bên cạnh đó, từ kết quả tổng kết quá trình xây dựng và phát triển CNAN từ Đại hội Đảng lần thứ XI đến nay đã chỉ ra nhiều vướng mắc, bất cập như:

- Việc thực hiện chức năng giúp Chính phủ quản lý nhà nước về CNAN của Bộ Công an chưa tập trung và còn phân tán ở nhiều đầu mối cơ quan trực thuộc; thẩm quyền, trách nhiệm, phân cấp, phân quyền trong xây dựng, phát triển CNAN chưa đồng bộ, kịp thời và hiệu quả. Hệ thống cơ sở CNAN chủ yếu là đơn vị sự nghiệp công lập (09 doanh nghiệp, 58 cơ sở nghiên cứu, cơ sở sản xuất) lại bố trí phân tán, chưa hình thành hệ thống độc lập. Khả năng tự chủ tài chính của một số cơ sở nghiên cứu còn thấp ảnh hưởng đến chuyển đổi hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập sang mô hình tự chủ về tài chính.

- Kinh phí ngân sách nhà nước đầu tư cho CNAN còn hạn hẹp; việc huy động các nguồn lực để đầu tư cho CNAN có nhiều hạn chế; nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ còn thấp. Nhiều dây chuyền sản xuất của cơ sở CNAN đã dần lạc hậu, xuống cấp nhưng chưa được đầu tư, đổi mới thiết bị, công nghệ, dẫn đến năng lực sản xuất của các doanh nghiệp an ninh hạn chế, sản phẩm CNAN có chất lượng chưa cao, chưa đồng đều, thiếu tính cạnh tranh, dẫn đến tỷ lệ cung ứng sản phẩm CNAN thấp.

- CNAN phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế được giao: việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn đặt ra; trình độ kỹ thuật, công nghệ còn yếu; nguồn nhân lực CNAN thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng, đặc biệt chưa xây dựng được đội ngũ cán bộ, nhà khoa học kỹ thuật đầu ngành, chuyên gia quản trị doanh nghiệp và công nhân lành nghề có trình độ, kinh nghiệm kỹ thuật, tay nghề cao. Công tác nghiên cứu, thiết kế sản phẩm chưa hiệu quả, chưa sản xuất, nghiên cứu được sản phẩm yêu cầu công nghệ, kỹ thuật cao (hiện nay, có rất nhiều sản phẩm CNAN đã được nghiên cứu, sản xuất, nhưng trong đó nhiều sản phẩm có công nghệ đơn giản).

- Hoạt động xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu sản phẩm CNAN chủ yếu vẫn diễn ra một chiều, phần lớn là nhập khẩu phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ từ các nước. Năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế của doanh nghiệp CNAN còn hạn chế.  

Ngoài ra, thực tiễn các cuộc chiến tranh, xung đột trên thế giới những năm qua và dự báo trong tương lai cho thấy, ngoài chiến tranh truyền thống còn xuất hiện chiến tranh phi quy ước, chiến tranh ủy nhiệm, chiến tranh thông tin; tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, chịu sự tác động mạnh của xung đột quân sự Nga - Ucraina. Chi tiêu quốc phòng toàn cầu tăng cao nhất trong lịch sử, nhiều loại vũ khí mới ra đời, trong đó vũ khí công nghệ cao, tác chiến điện tử, tác chiến không gian mạng, tấn công an ninh mạng được sử dụng là chủ yếu; đồng thời, phương thức, quy mô, phạm vi, không gian, thời gian, môi trường, lực lượng và thủ đoạn tác chiến.... để tiến hành chiến tranh rất đa dạng. Tình hình an ninh phi truyền thống, tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao và những hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng ngày càng gia tăng...; các thế lực thù địch triệt để sử dụng môi trường không gian mạng để tiến hành các hoạt động xâm hại an ninh quốc gia, tuyên truyền chống chế độ, kích động biểu tình, bạo loạn, thực hiện “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố” đối với nước ta....

Tình hình trên đòi hỏi phải xây dựng tiềm lực CNQP, AN tự lực, tự cường, hiện đại, lưỡng dụng, quy hoạch sắp xếp các cơ sở CNQP, AN phù hợp với thế trận phòng thủ chiến lược, đáp ứng yêu cầu đảm bảo tại chỗ cho các lực lượng khi có tình huống xẩy ra; thực hiện ĐVCN rộng khắp để chủ động ngăn ngừa từ sớm, từ xa, đẩy lùi và sẵn sàng đối phó thắng lợi trong mọi tình huống, đủ nội lực đánh bại mọi hình thức chiến tranh xâm lược, bảo vệ an ninh quốc gia. Vì vậy, việc xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp là rất cần thiết, nhằm thể chế đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng, hoàn thiện hành lang pháp lý đáp ứng yêu cầu thực tiễn nhiệm vụ CNQP, CNAN và ĐVCN trong tình hình mới, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các quy định pháp luật có liên quan.

Nội dung Luật CNQP, AN và ĐVCN tập trung vào 05 chính sách nổi bật, gồm:

Chính sách 1: Phát triển CNQP, CNAN theo hướng lưỡng dụng, bảo đảm sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong hoạt động CNQP, CNAN.

Chính sách 2: Hoàn thiện, sắp xếp, đổi mới hệ thống tổ chức CNQP, CNAN.

Chính sách 3: Thúc đẩy hoạt động Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển CNQP, CNAN.

Chính sách 4: Huy động nguồn lực cho phát triển CNQP, CNAN.

Chính sách 5: Bảo đảm hiệu quả hoạt động ĐVCN.


Tác giả: Khánh Vi
Tin liên quan