A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tình hình tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên trong 6 tháng đầu năm

Theo con số thống kê cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2014, trên địa bàn tỉnh Kon Tum tình hình tội phạm trong thanh, thiếu niên có chiều hướng giảm,  tuy nhiên, tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên (dưới 18 tuổi) lại tăng lên nhiều so với 6 tháng đầu cùng kỳ năm 2013.

Trong 6 tháng đầu năm, Cơ quan điều tra các cấp trong tỉnh đã khởi tố hình sự 351 bị can là thanh, thiếu niên phạm tội, giảm 81 bị can, tức giảm 18,75%  so với cùng kỳ năm 2013 (6 tháng đầu năm 2013 khởi tố 432 bị can) trong đó: tội phạm là người chưa thành niên gây ra bị khởi tố là 31 vụ/46 bị can, tăng 02 vụ, tăng 03 bị can so với cùng kỳ năm trước. Đối với riêng người chưa thành niên phạm tội, trong tổng số 31 vụ/46 bị can khởi tố hình sự thì nổi lên: trộm cắp tài sản 08 vụ/16 bị can; cố ý gây thương tích 07 vụ/16 bị can; Cướp tài sản 03 vụ/05 bị can; Hiếp dâm 02 vụ/02 bị can số còn lại là các vụ giết người, gây rối trật tự công cộng. Tình trạng tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên hoạt động chủ yếu là: tụ tập thành băng, nhóm tại nơi công cộng, uống bia, rượu say không làm chủ được bản thân, sử dụng các loại hung khí tự tạo để đánh nhau gây thương tích, cướp tài sản, giết người, hủy hoại tài sản, trộm cắp tài sản vẫn còn tiếp diễn. Có lúc, có nơi hoạt động của số đối tượng này rất phức tạp, hậu quả tác hại do hành vi của số vị thành niên gây ra rất nghiêm trọng, có những vụ đặc biệt nghiêm trọng. Điển hình như :

 Vụ án xảy ra ngày 22/01/2014 tại tổ 1, thị trấn Đắk Hà, huyện Đắk Hà do mâu thuẫn cá nhân, đối tượng Trần Văn Quyết (sinh năm 1995, trú tại tổ 8, thị trấn Đắk Hà, huyện Đắk Hà) dùng dao đâm 02 nhát làm chết anh Nguyễn Văn Duy (sinh năm 1995, trú tại tổ 10, thị trấn Đắk Hà, huyện Đắk Hà). Trần Văn Quyết bị khởi tố hình sự về tội danh giết người, khi gây án mới chớm 19 tuổi; điều đáng nói là Quyết và Duy có mâu thuẫn từ trước, đều là những thanh niên quậy phá hay gây gổ, đánh nhau. Hay vụ gần đây nhất xảy ra ngày 3/6/2014, đối tượng Lê Hoàng Anh Tuấn – sinh ngày 14/2/2000 – trú tại tổ 2, phường Nguyễn Trãi, học sinh lớp 7 tại Trường THCS Lương Thế Vinh (Tp. Kon Tum) đang chơi game tại quán nét “Sân Phơi” thuộc tổ 2, phường Nguyễn Trãi (Tp. Kon Tum) thì gặp Lê Kim Nghĩa cùng một số bạn khác cũng đến quán nét này để chơi game. Vì đã có mâu thuẫn nhỏ từ trước, nên khi thấy Tuấn, Nghĩa có cử chỉ đánh dọa vào đầu Tuấn, Tức giận cho rằng mình bị  bắt nạt  và bị “coi thường” nên không nói gì,Tuấn lẳng lặng bỏ ra ngoài tìm mua một con dao thái lan (7 nghìn đồng) giấu vào túi quần. Sau đó Tuấn quay trở lại quán nét “Sân Phơi” rồi tiến thẳng đến nơi Nghĩa đang ngồi lạnh lùng rút dao và đâm một nhát chí mạng vào lồng ngực trái của Nghĩa, làm Nghĩa tử vong tại chỗ. Sau khi gây án Lê Hoàng Anh Tuấn đã mang theo hung khí gây án bỏ trốn.

Có nhiều nguyên nhân đẫn đến trẻ vị thành niên phạm tội, trong đó đáng kể nhất là sự phát triển của nền kinh tế thị trường ở địa phương gây ra nhiều mặt trái làm ảnh hưởng đến văn hóa, giáo dục, sự tha hóa biến chất, xuống cấp về đạo đức trong xã hội, sự thiếu quan tâm trong vấn đề giáo dục con cái đang ngày một đáng lo ngại. Bên cạnh đó, việc thất học về văn hóa dẫn đến sự non kém về nhận thức các vấn đề xã hội, pháp luật cũng là nguyên nhân phát sinh tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên. Những ảnh hưởng tiêu cực từ phía gia đình như: sự thiếu gương mẫu về đạo đức, lối sống, các hành vi đánh đập, bạo hành, gia đình không hòa thuận, không tôn trọng lẫn nhau, một số thành viên trong gia đình sống buông thả, rượu chè, cờ bạc, thậm chí phạm tội đã tác động trực tiếp đến nhận thức và hành động của thanh, thiếu niên; Một số gia đình thiếu quan tâm đến việc quản lý, chăm sóc, giáo dục con cái; Những gia đình có cấu trúc không cơ bản bền vững, như mồ côi bố hoặc mẹ hay bố mẹ li dị, ly thân không có người chăm sóc dạy dỗ con cái, thiếu tình cảm, thiếu thốn về kinh tế nên dễ bị ảnh hưởng của những hiện tượng tiêu cực và phạm pháp;

Mặc khác, về phía nhà trường, một thực trạng chung của toàn quốc cũng như ở địa bàn tỉnh ta là công tác giáo dục công dân trong nhà trường phổ thông còn chưa được chú trọng đúng mức. Giáo viên còn nặng về dạy chữ, chạy theo thành tích học tập, chưa chú trọng giáo dục công dân và các môn học đạo đức; Nhà trường chưa thực sự đề cao đến sự phối hợp, liên lạc thường xuyên với gia đình học sinh dẫn đến việc quản lý không tốt giờ giấc, thay đổi tâm sinh lý của học sinh… Do đó các em phát triển một cách tự do thái quá mà nhà trường và gia đình không nắm bắt được, không có sự điều chỉnh uốn nắn kịp thời; Các biện pháp xử lý kỷ luật đối với các học sinh vi phạm trong trường học hiện nay còn nhiều bất cập và thụ  động, cứng nhắc, như việc xử lý đối với các học sinh vi phạm kỷ luật ở hình thức buộc thôi học, nhà trường đã từ bỏ trách nhiệm giáo dục và đẩy chúng vào môi trường xã hội, từ đây những hệ lụy của việc thất học, không có việc làm, sống lang thang sẽ là điều kiện “thuận lợi” để bọn xấu rủ rê lôi kéo; Và đây là nguyên nhân quan trọng đẩy người chưa thành niên đến con đường phạm tội.

Trước tình hình trên, trong thời gian tới, các lực lượng Công an tỉnh, tiếp tục tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và Ban Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác quản lý giáo dục thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật tại địa phương mình, coi đây là nhiệm vụ công tác rất quan trọng phải được triển khai thường xuyên và đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của các tổ chức cơ sở, phải có sự phân công phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và các tổ chức xã hội, lấy kết quả việc thực hiện làm tiêu chí để đánh giá kết quả công tác của tập thể, của cán bộ đảng viên. Ngoài ra, thường xuyên nắm tình hình, quản lý đối tượng vị thành niên hư, đặc biệt chú ý số đối tượng thiếu niên đã từng có hành vi vi phạm pháp luật, từ đó chủ động các kế hoạch, phương án phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả; đẩy mạnh việc lập hồ sơ đối tượng vi phạm pháp luật chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự để tham mưu trình xét duyệt đưa vào Cơ sở giáo dục, Trường giáo dưỡng hay đưa ra kiểm điểm, giáo dục tại cộng đồng, khu dân cư.

Tăng cường các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng Công an nhằm kịp thời điều tra khám phá nhanh các vụ án nghiêm trọng do thanh thiếu niên gây ra để xử lý nghiêm minh trước pháp luật, góp phần giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung. Tập trung lực lượng tấn công, truy quét các ổ nhóm tội phạm hình sự nguy hiểm, tội phạm có tổ chức… nhằm từng bước làm trong sạch địa bàn và hạn chế thấp nhất những hành vi vi phạm pháp luật do thiếu niên gây ra, đồng thời tổ chức các Cuộc vận động ‘Toàn dân tham gia phòng chống tội phạm’ và ‘Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư’, thực hiện có hiệu quả các phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc…

 

                                            Minh Quân (Phòng CSĐTTP về TTXH)