A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lực lượng Công an nhân dân với Ngày Quốc tế Hạnh phúc

Ngày 28-6-2012, Đại hội đồng LHQ đã thông qua nghị quyết lấy ngày 20-3 hằng năm là Ngày Hạnh phúc cho toàn thế giới nhằm gia tăng nhận thức của dư luận thế giới trong việc công nhận hạnh phúc là một trong những chỉ tiêu phát triển toàn cầu. Từ tháng 6/2012 đến nay, đã có trên 200 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam cam kết ủng hộ ngày này.

 

Lịch sử, ý nghĩa ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3

  Liên Hợp Quốc quyết định kỷ niệm ngày này theo đề xuất của Vương quốc Bhutan, một quốc gia nhỏ bé nằm ở khu vực Nam Á, phía đông dãy Himalaya. Quốc gia Bhutan có tên đầy đủ là Vương quốc Phật giáo Bhutan. Diện tích chỉ chiếm 47.500km2. Dân số (phỏng đoán) năm 2006 là khoảng 2.279.723 người. Đây là quốc gia có địa hình với toàn bộ địa hình đều là đồi núi ngoại trừ một dải đồng bằng cận nhiệt đới ở vùng viễn nam bị phân cắt bởi các thung lũng được gọi là Duars. Quốc gia này thuộc Nam Á, nằm giữa hai quốc gia: Ấn Độ và Trung Quốc. Thimphu, thủ đô với dân số khoảng 98.676 (theo điều tra năm 2005), là trung tâm lớn nhất quốc gia này. Bhutan là một trong những quốc gia biệt lập nhất thế giới nằm ẩn mình trên dãy Himalaya. Để giữ gìn bản sắc văn hóa, Bhutan chú trọng hai vấn đề chính: Bảo vệ môi trường tự nhiên (băng tuyết trên dãy Himalya ở phía Bắc và rừng ở phía Nam) và niềm tin tôn giáo. Chính vì vậy, quốc gia Bhutan nổi tiếng về sự vô danh, bí ẩn và truyền thống của mình. Bhutan theo chế độ quân chủ lập hiến. Có vua, thủ tướng và một Hội đồng bộ trưởng gồm 10 người. Bhutan đã trở thành nước dân chủ nghị viện vào năm 2008.

Bắt đầu từ những năm 1970, nhà Vua của vương quốc này đã đưa ra một cách thức mới đánh giá sự thịnh vượng của xã hội, đó là thông qua Chỉ số hạnh phúc quốc gia bên cạnh các chỉ số về kinh tế thường được dùng để đánh giá về sự giàu có vật chất. Chỉ số này được tính toán dựa trên các yếu tố về sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi trường, chất lượng quản lý và mức sống của người dân.

  Bhutan là nước duy nhất lấy Tổng Hạnh phúc Quốc gia thay cho Tổng Sản phẩm quốc nội. Nhiều người đánh giá, với quan niệm này, Bhutan dường như đã đi trước những khám phá gần đây của các nhà tâm lý học kinh tế phương Tây, gồm cả người đoạt giải thưởng Nobel năm 2002 Daniel Kahnemam, vấn đề liên quan giữa mức độ thu nhập và hạnh phúc. Nó cho thấy cam kết của nhà Vua trong việc xây dựng một nền kinh tế thích hợp cho nền văn hóa độc nhất của Bhutan, dựa trên các giá trị tinh thần Phật giáo, và là định hướng thống nhất cho nền kinh tế. Chính sách này đã gặt hái được những kết quả mong muốn khi Bhutan được xếp là nước hạnh phúc thứ 8 trên thế giới. Khẩu hiệu của Bhutan là: Hạnh phúc tự nhiên cho dân tộc

  Còn về lý do chọn ngày 20-3 thì đây là ngày đặc biệt trong năm khi mặt trời nằm ngang đường xích đạo nên trong ngày này, ngày và đêm có độ dài bằng nhau. Vì thế ngày này còn là biểu tượng cho sự hài hòa, cân bằng của vũ trụ. Thế nên chọn ngày 20-3 là Ngày Quốc tế Hạnh phúc cũng truyền tải thông điệp cân bằng, hài hòa là một trong những chìa khóa để mang đến hạnh phúc.

Ngày 20 tháng 3 năm 2013, lần đầu tiên nhân loại tổ chức Ngày Hạnh phúc Thế giới - ngày để tất cả chúng ta quan tâm đến vấn đề cốt lõi nhất trong sự tồn tại của mình: Làm sao để tìm được thật nhiều niềm vui trong cuộc sống.

Lực lượng Công an nhân dân với Ngày Quốc tế Hạnh phúc

Đối với Việt Nam, một đất nước có bề dày lịch sử với truyền thống yêu nước, chuộng hòa bình. Đạt đến cái đích của hạnh phúc là mong ước của nhân loại nói chung và người dân Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, để đến được cái đích ấy, nó là cả một quá trình. Lịch sử Việt Nam đã từng ghi nhận những giai đoạn phát triển hưng thịnh của dân tộc: Nếu như triều đại nhà Lý mở đầu cho thời kỳ hưng thịnh của nước Đại Việt thì các triều đại tiếp theo như Trần, Lê… đã đẩy lùi các cuộc xâm lăng của các thế lực ngoại xâm, dần ổn định đất nước, từng bước đưa đất nước phát triển, đem lại cuộc sống ổn định, hạnh phúc cho người dân. Trong xã hội phong kiến, quan niệm về hạnh phúc gắn liền với trách nhiệm gia đình, dòng tộc. Con người trong xã hội phong kiến quan tâm trước hết đến việc giáo dục tinh thần nhân ái, tình yêu thương sâu nặng và bổn phận, trách nhiệm của mỗi con người đối với những người thân trong gia đình. Mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình (giữa ông bà, cha mẹ con cái, giữa các thành viên trong dòng tộc) là mối quan hệ bền chặt. Những giá trị truyền thống của dòng tộc, gia đình luôn được bảo tồn, gìn giữ.

Đó là điều mà chúng ta cần phải trân trọng, giữ gìn trong việc xây dựng gia đình hiện nay. Nếu chúng ta xem nhẹ và buông lỏng quá trình giáo dục lòng nhân ái, khoan dung ngay từ trong môi trường gia đình sẽ góp phần làm gia tăng lối sống ích kỷ, chủ nghĩa cá nhân cực đoan, sự vô trách nhiệm của cá nhân với chính gia đình và xã hội. Trong xây dựng gia đình, trong giáo dục một nền đạo đức mới thì việc giáo dục, hình thành lòng nhân ái, sự gắn bó, yêu thương, tôn trọng, tinh thần trách nhiệm đối với những người thân trong gia đình là một việc làm không thể bỏ qua; bởi lẽ, đó chính là tiền đề cho quá trình hình thành và phát triển những tình cảm đối với tập thể, cộng đồng và xã hội. Tuy nhiên, cũng sẽ là sai lầm nếu tuyệt đối hóa những tình cảm đó, bởi không phải bất kỳ người nào có tình yêu sâu nặng, sự gắn bó bền chặt, có trách nhiệm với người thân cũng sẽ là người có tình thương yêu và tinh thần trách nhiệm cao với quê hương, đất nước.

Thực tế cuộc sống hiện nay cũng cho thấy sự xuất hiện chiều hướng gia tăng những biểu hiện vô trách nhiệm trong quan hệ cha mẹ với con cái. Tình cảm và mối quan hệ gắn bó giữa cha mẹ với con cái bị xem nhẹ, sự kính trọng của con cái đối với cha mẹ có phần suy giảm. Tình trạng bố mẹ đánh đập con cái, con cái ngược đãi ông bà và cha mẹ có chiều hướng gia tăng ở cả thành thị lẫn nông thôn…

Chính vì ý nghĩa đó, hưởng ứng các hoạt động của thế giới về Ngày Hạnh phúc cho toàn thế giới 20-3, Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt đề án Tổ chức các hoạt động nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc 20 tháng 3 hàng năm theo Quyết định số 2589/QĐ-TTg Ngày 26/12/2013. Theo đó Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có công văn hướng dẫn tổ chức các hoạt động hưởng ứng năm Gia đình Việt nam, Ngày Gia đình Việt nam 28/6 và Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 hàng năm; hang năm Bộ Công an có hướng dẫn về tổ chức các hoạt động nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 trong CAND.

  Nằm trong các chuỗi hoạt động này, năm 2023 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch tổ chức kỷ niệm nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 và Tổng kết 10 năm thực hiện Đề án “Tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20 tháng 03 hàng năm” với chủ đề Hạnh phúc cho mọi người cùng các khẩu hiệu: Hưởng ứng ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3!; Hãy hành động vì gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; Xây dựng môi trường sống, học tập và làm việc hạnh phúc hơn, “Lòng nhân ái mang lại hạnh phúc”, “Tôn trọng, lắng nghe và chia sẻ để giữ gìn hạnh phúc gia đình”, “Bảo vệ trẻ em bằng gia đình hạnh phúc, bình yên”, “Gia đình hạnh phúc là nền tảng của quốc gia hạnh phúc”.

Bộ Công an cũng đã nêu chủ đề Xây dựng gia đình cán bộ chiến sỹ Công an hạnh phúc, phát triển bền vững cùng với thông điệp tuyên truyền: Mỗi gia đình chiến sĩ CAND là tấm gương về sự tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc; Cùng hành động vì một gia đình Công an văn hóa, tiên tiến, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của người Việt. Các chương trình hoạt động cụ thể, thiết thực trong CAND sẽ góp phần làm nên thành công cho ngày Quốc tế Hạnh phúc, tạo tiền đề cho thành công cho những năm tiếp theo.


Tác giả: Nguyễn Thị Xuân
Tin liên quan