A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa tranh chấp lao động, đình công; đảm bảo an ninh công nhân trên địa bàn tỉnh

Ngày 18/6/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Công văn số 2130/UBND-KGVX về việc tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa tranh chấp lao động, đình công; đảm bảo an ninh công nhân trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

Các Sở, ban, ngành thuộc tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ tập trung rà soát, tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp và nội dung chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh tại Quyết định số 24/QĐ-UBND ngày 20/01/2024 về ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, Hội đồng nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; Văn bản số 2418/UBND-KGVX ngày 15/7/2021 về việc đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động trên địa bàn tỉnh; Văn bản số 55/UBND- KGVX ngày 09/01/2023 về việc tăng cường các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống người lao động trên địa bàn tỉnh và Văn bản số 247/UBND- KGVX ngày 19/4/2024 về việc triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về nội dung liên quan đến đình công và an ninh công nhân trên địa bàn tỉnh.

Thường xuyên theo dõi, nắm tình hình dư luận, bức xúc trong công nhân, nhất là dư luận liên quan đến sửa đổi, bổ sung Luật BHXH; tranh chấp lao động, đình công, ngừng việc tập thể, tập trung đông công nhân để tham mưu giải quyết, bảo đảm hài hòa lợi ích các bên liên quan, không để lây lan, kéo dài, phức tạp về an ninh trật tự. Đồng thời, chỉ đạo rà soát, giải quyết dứt điểm những vấn đề bức xúc trong nhân dân nổi lên tại địa phương (nếu có).

Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, các địa phương, đơn vị có liên quan đẩy mạnh các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động, bảo đảm việc làm, đời sống người lao động; trong đó chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, góp phần giải quyết việc làm; nâng cao nhận thức của công nhân, lao động về rủi ro đối với việc làm, yêu cầu nghề nghiệp trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để chủ động học nghề, chuyển đổi việc làm phù hợp; tăng cường truyền thông về nhu cầu lao động, hỗ trợ kết nối, giải quyết việc làm cho lao động bị mất việc; thực hiện tốt các chính sách thu hút lao động và chính sách bảo đảm an sinh xã hội đối với lao động nhập cư theo quy định.

Tăng cường công tác hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến, thanh tra, kiểm tra thực thi pháp luật lao động; nhất là thời giờ làm việc, an toàn lao động, điều kiện làm việc trước thời tiết nắng nóng, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý vi phạm, bảo đảm quyền lợi, an toàn công nhân.

Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ, phòng ngừa tranh chấp lao động, đình công; phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn, vướng mắc trong quan hệ lao động (nếu có).


Tác giả: Thái Ngân