A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tuyên truyền kết quả kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV diễn ra trong bầu không khí cả nước phấn khởi, hăng hái thi đua lập thành tích chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên phủ, mốc son chói lọi bằng vàng của lịch sử dân tộc; kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; Hội nghị lần thứ 9 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thành công tốt đẹp. Đây là kỳ họp có ý nghĩa quan trọng về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.  Vừa qua, Ban Tuyên giáo Trung ương đã phối hợp Văn phòng Quốc hội soạn thảo “Đề cương tuyên truyền kết quả kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV” phục vụ công tác tuyên truyền sau kỳ họp.

Tại kỳ họp, Quốc hội đã thông qua 11 luật, 21 nghị quyết, cho ý kiến lần đầu đối với 11 dự án luật khác; xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền, các vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”; xem xét báo cáo về tổng hợp kiến nghị của cử tri và Nhân dân, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, cùng một số nội dung quan trọng khác.

Trong đó, Quốc hội đã thông qua và cho ý kiến đối với các dự án luật do Bộ Công an chủ trì tham mưu, bao gồm: 

Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được ban hành nhằm khắc phục những bật cập, hạn chế sau 15 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008; tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, chặt chẽ để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Luật gồm 09 chương, 89 điều, với một số nội dung cơ bản như: (i) Quy tắc giao thông đường bộ; (ii) Phương tiện tham gia giao thông đường bộ; (iii) Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; (iv) Tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; (v) Chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; (vi) Giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; (vii) Quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ…

Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) được Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình tại 01 kỳ họp; nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật sử dụng các loại vũ khí tự chế, dao, kiếm, mã tấu và nhiều loại công cụ nguy hiểm khác; đồng thời sửa đổi các quy định về trình tự, thủ tục quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Luật gồm 8 chương, 75 điều, trong đó, có một số nội dung mới quy định “dao có tính sát thương cao” thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành, khi sử dụng vào mục đích thực hiện hành vi phạm tội, gây rối, làm mất trật tự công cộng hoặc chống đối cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, người thi hành công vụ thì xác định là vũ khí thô sơ, khi sử dụng với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật thì xác định là vũ khí quân dụng; đồng thời, giao Chính phủ quy định các biện pháp bảo đảm an toàn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, sử dụng, vận chuyển hoặc mang dao có tính sát thương cao nhằm tăng cường quản lý các hoạt động này, phòng ngừa nguy cơ lợi dụng để vi phạm pháp luật...

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ được Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình tại 01 kỳ họp; nhằm cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về cảnh vệ; bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận; bảo đảm hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với tiến trình hội nhập, mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế; góp phần xây dựng lực lượng Cảnh vệ đáp ứng yêu cầu phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Luật gồm 02 điều, sửa đổi, bổ sung 15 điều thuộc 04 chương của Luật Cảnh vệ hiện hành, trong đó đã sửa đổi, bổ sung một số quy định về: (i) Đối tượng cảnh vệ; (ii) Chế độ cảnh vệ; (iii) Biện pháp cảnh vệ; (iv) Lực lượng cảnh vệ, nhiệm vụ của lực lượng Cảnh vệ; (v) Quyền hạn của Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Cục trưởng Cục Bảo vệ an ninh Quân đội…

Dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) được xây dựng nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tương thích với điều ước quốc tế; phát huy vai trò phòng, chống mua bán người từ cơ sở và giải quyết những tồn tại, khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người hiện hành.

Tại Kỳ họp, Quốc hội đã phân tích, đánh giá những tồn tại, vướng mắc trong thực tiễn và đề xuất phương án chỉnh lý, hoàn thiện nhiều nội dung trong dự thảo Luật về các hành vi mua bán người; chính sách của Nhà nước về phòng, chống mua bán người; quy định miễn trách nhiệm hình sự và xử lý hành chính đối với nạn nhân bị ép buộc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; đối tượng và chế độ hỗ trợ, trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn cho nạn nhân; các biện pháp bảo vệ và thẩm quyền áp dụng; thông tin tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mua bán người…; đồng thời, đề nghị nghiên cứu bổ sung một số quy định liên quan đến hành vi mua bán thai nhi trong bụng mẹ; nghiêm cấm cố tình báo tin, tố giác, tố cáo hay khai báo sai sự thật về phòng, chống mua bán người; quy định cụ thể về việc thành lập, quản lý, vận hành những cơ sở tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân trên cơ sở đáp ứng nhu cầu giới, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ; quy định giao trách nhiệm cho cơ quan nơi nạn nhân về cư trú trong việc theo dõi, hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập, hỗ trợ hiệu quả nhất cho nạn nhân đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, người chưa thành niên; trách nhiệm của Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong việc phòng, chống mua bán người...

Dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được xây dựng nhằm tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; khắc phục hạn chế, vướng mắc, bất cập của pháp luật hiện hành; đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác bảo đảm an ninh, trật tự, bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, tài sản của nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân; tạo môi trường an toàn phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và hội nhập quốc tế.

Quốc hội tập trung thảo luận, cho ý kiến về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; nguyên tắc phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến giáo dục, huấn luyện nghiệp vụ, việc huy động lực lượng, phương tiện, tài sản tham gia phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; giải pháp và biện pháp phòng cháy; trách nhiệm chữa cháy; quyền, trách nhiệm của người chỉ huy cứu nạn, cứu hộ; nhiệm vụ của lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, chuyên ngành; thẩm tra, thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy…; đồng thời, góp ý về bố cục dự thảo Luật; đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về các nhiệm vụ đã được xác định tại Kết luận số 02-KL/TW ngày 18/5/2021 của Ban Bí thư; các chính sách cụ thể nhằm ưu tiên và tạo điều kiện xây dựng lực lượng và trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; làm rõ hơn điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh…

Tại hướng dẫn, Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị tuyên truyền làm nổi bật những kết quả tốt đẹp và thành công của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, đặc biệt công tác lập pháp, góp phần hoàn chỉnh hệ thống xây dựng pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của đất nước; Quốc hội đã phát huy tinh thần dân chủ, sáng tạo, trách nhiệm, các đại biểu Quốc hội tập trung đánh giá sâu sắc, phân tích thấu đáo, khách quan về những kết quả kinh tế - xã hội trong thời gian qua, từ đó chỉ ra những tồn tại, yếu kém, đưa ra các giải pháp kịp thời, hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho những năm tới.

Tập trung tuyên truyền, khẳng định các dự án luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua, cho ý kiến bám sát thực tiễn của đất nước; làm rõ ý nghĩa Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15; Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Nghị quyết về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW trong khu vực công theo lộ trình; điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%) từ ngày 01/7/2024 và tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ quy định tại điểm a mục 1.1 khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội,… nhằm thể chế hóa kịp thời các chủ trương, nghị quyết của Đảng đi vào thực tiễn, cuộc sống, phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, chung sức, đồng lòng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tạo tiền đề vững chắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho nhiệm kỳ Đại hội XIV của Đảng, hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) và 80 năm Ngày cách mạng tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2025) và Ngày Quốc khánh nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2025).

Bên cạnh đó, nắm chắc tình hình, diễn biến tư tưởng cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, kịp thời định hướng dư luận xã hội. Tăng cường đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những nội dung được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.


Tác giả: BBT