A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

An ninh sinh học, tiếp cận dưới góc độ an ninh phi truyền thống

Dịch bệnh COVID-19 khởi phát từ tháng 12-2019 tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc và nhanh chóng lan rộng đến mức chưa thể kiểm soát. Cho đến nay, dịch bệnh đã lan đến hơn 80 nước và bùng phát nhanh ở nhiều quốc gia.

Dịch bệnh làm chết hơn 3.000 sinh mạng, gần 100.000 người lây nhiễm, uy hiếp sự sống của bất kỳ ai cũng như cộng đồng xung quanh nếu không có giải pháp hữu hiệu. Bên cạnh đó, nó còn tác động sâu sắc đến mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của mỗi đất nước. Từ đó đặt ra vấn đề cần có cách tiếp cận, tư duy mới về an ninh sinh học dưới góc độ an ninh quốc gia, an ninh phi truyền thống.

Trải qua các giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa của dân tộc, vấn đề bảo vệ an ninh quốc gia không ngừng được Đảng ta phát triển về mặt tư duy, từng bước hoàn thiện trên phương diện lý luận thông qua các nhiệm kỳ đại hội, nghị quyết chuyên đề về chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia.

Có thể khái quát, lý luận về an ninh quốc gia là quá trình nhận thức ở trình độ lý luận có tính khái quát cao nhằm tìm ra bản chất, quy luật bảo vệ an ninh quốc gia thể hiện ở hệ thống các khái niệm, quan điểm, mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, chủ thể, biện pháp, phương tiện, xác định đối tượng bảo vệ, đối tượng đấu tranh, phương châm, nguyên tắc… bảo vệ an ninh quốc gia trong những giai đoạn cách mạng cụ thể; là sự cộng hưởng, tổng hợp tư duy của Đảng, tư duy lập pháp của Nhà nước, tư duy lý luận nghiệp vụ bảo vệ an ninh quốc gia.

Trong bối cảnh mới thực tiễn đặt ra, chúng ta đều thừa nhận quan điểm an ninh quốc gia và bảo vệ an ninh quốc gia cần hiểu theo nghĩa rộng, dựa trên sự tổng hợp các yếu tố truyền thống (vũ trang) và phi truyền thống (phi vũ trang); các yếu tố, nguy cơ đe dọa từ bên ngoài lãnh thổ và bên trong nội địa, nội bộ; tổng thể an ninh trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, cuộc sống người dân.

Mỗi yếu tố, phương diện của an ninh quốc gia (an ninh chính trị, kinh tế, tư tưởng, thông tin, địa bàn, lãnh thổ…) có sự liên hệ chặt chẽ, tác động qua lại, chuyển hóa linh hoạt lẫn nhau, tác động trực tiếp, gián tiếp đến an ninh quốc gia theo phương châm: Ở đâu có lợi ích quốc gia dân tộc Việt Nam thì ở đó có an ninh quốc gia và hoạt động bảo đảm an ninh quốc gia. Ngoài ra, an ninh quốc gia Việt Nam gắn liền, quan hệ mật thiết, biện chứng, đặt trong tổng thể hòa bình, an ninh khu vực và thế giới.

Trên cơ sở thống nhất như vậy, dịch bệnh hay rộng hơn, những yếu tố sinh học tác động trực tiếp, uy hiếp sinh mạng con người, cộng đồng người (như dịch bệnh đậu mùa, COVID-19, chiến tranh sinh học…) có thể khái quát đó là khía cạnh, phạm vi của an ninh sinh học dưới góc độ tiếp cận an ninh phi truyền thống. Vấn đề này không phải bây giờ mới xuất hiện, đồng thời khái niệm an ninh sinh học có lẽ cũng không phải bây giờ mới có dưới góc độ của công tác Công an.

Tuy nhiên, thực tiễn đời sống diễn ra những hiện tượng cướp đi sinh mạng, sự sống con người hàng loạt như SARS 2003, COVID-19… thì an ninh sinh học cần phải được đặt vấn đề, tư duy đúng với tính chất phức tạp, mức độ nguy hiểm mà nó đem lại, do thực tiễn cuộc sống xuất hiện và những dịch bệnh tương tự diễn ra trong tương lai. Từ đó có nhận thức, phương châm hành động, biện pháp, nhiệm vụ, lực lượng, phương tiện… để ngăn chặn, bảo vệmạng sống, an ninh con người, an ninh quốc gia.

Khi một dịch bệnh xuất hiện trên khu vực địa lý rộng lớn là một vùng, quốc gia, hoặc toàn cầu, ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khoẻ của nhiều người, nó sẽ trở thành đại dịch. Trên thực tế, sự ảnh hưởng của dịch bệnh đã có lúc góp phần làm thay đổi lịch sử nhân loại. Theo nhiều tài liệu, bệnh dịch hạch đầu tiên xuất hiện năm 541 ở Ai Cập. Bệnh lây lan nhanh chóng vì mầm bệnh nằm trong chuột và bọ chét, những con vật có mặt ở khắp nơi.

Theo ước tính, căn bệnh này có thể là nguyên nhân gây tử vong cho 1/4 dân số ở phía Đông Địa Trung Hải, khiến tổng số nạn nhân lên đến hơn 50 triệu người (chiếm 26% dân số thế giới khi đó). Lịch sử cũng từng ghi nhận nhiều đại dịch như đậu mùa, cúm, tả… cướp đi sinh mạng của hàng trăm triệu người trên toàn thế giới.

Hay mới đây là dịch SARS (hội chứng viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra); theo WHO, trường hợp đầu tiên nhiễm bệnh năm 2002 cũng là người Trung Quốc. Trong vòng vài tuần, dịch lây lan sang 37 quốc gia thông qua đường hàng không. Khoảng 8.000 người trên toàn thế giới nhiễm bệnh và 800 người tử vong.

Mặt khác, theo các tài liệu sử học, vũ khí và kĩ thuật chiến tranh sinh học không phải mới được áp dụng ở thời hiện đại, mà vốn thực chất đã được áp dụng cách đây hàng nghìn năm trước. Theo đó, cuộc chiến tranh sinh học kinh hoàng nhất chính là trận công thành Kaffa của quân Tatar vào năm 1346.

Sau khi bị thiệt hại nặng nề bởi bệnh dịch hạch, người Tatar đã dùng máy bắn đá ném xác quân mình qua tường thành vào trong thành phố. Lý do họ làm vậy là bởi họ tin rằng mùi của tử thi sẽ khiến cho nhuệ khí phòng thủ của đối phương bị giảm sút. Tuy nhiên, mọi việc không chỉ đơn giản như thế.

Tác dụng chính của phương thức này đó là: Bệnh dịch hạch bị lan rộng. Người Kaffa phải bỏ trốn khỏi thành phố quê nhà, mang theo căn bệnh đi tứ xứ. Đây chính là cái cáchđược gọi là “Cái Chết Đen” – bệnh than cấp tính lan tới tận châu Âu và giết chết 1/3 dân cư tại đây. Nhìn chung,vũ khí sinh học đưa đến những hậu quả không thể lường trước, tùy thuộc vào khả năng lan truyền của chúng trong cơ thể con người hay động vật, cây trồng. Tuy nhiên, những mầm gây bệnh đó có thể biến mất rất nhanh hoặc gây nên những bệnh dịch không thể kiểm soát hoặc tác động ngược chiều tùy thuộc vào từng hệ loại và các điều kiện khác.

Trong thế giới đương đại, vũ khí sinh học được nghiên cứu, thử nghiệm, sử dụng để dành lợi thế trong chiến tranh, tiêu diệt đối phương được một số quốc gia và nhiều tổ chức cực đoan quốc tế thực hiện, sở hữu là điều không cần bàn cãi. Công nghệ vi sinh học, vi trùng và vi khuẩn học đã được nghiên cứu, phát triển và tăng thêm độ tinh vi cho các chiến thuật sử dụng tác nhân sinh học trong chiến tranh.

Chiến tranh sinh học sử dụng độc tố sinh học hoặc các tác nhân lây nhiễm như vi khuẩn, virus, nấm với mục đích giết người, động vật, thực vật hoặc làm con người mất khả năng hoạt động, như một hành động chiến tranh. Vũ khí sinh học (còn được gọi là “tác nhân đe dọa sinh học” hoặc “tác nhân sinh học”) là sinh vật sống hoặc nhân bản (virus, vi trùng) sinh sản hoặc tái tạo trong cơ thể nạn nhân. Loại vũ khí này được nghiên cứu, sử dụng trong chiến tranh vô cùng nguy hiểm, cũng có thể tạo sự hủy diệt hàng loạt.

Xuất phát từ cơ sở lý luận và thực tiễn như trên, An ninh sinh học được tiếp cận là một yếu tố của an ninh phi truyền thống trong an ninh quốc gia và bảo vệ an ninh quốc gia. Đây là vấn đề đặt ra đối với mỗi người, cộng đồng và không của riêng quốc gia nào. Nó chỉ có khác biệt ở chỗ, nhận thức, ứng xử đối với An ninh sinh học, đối mặt thực tế sự đe doạ, uy hiếp khi tình huống xảy ra ở mức độ nào mà thôi.

Đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, chủ động nhận diện, phòng ngừa, triệt tiêu những nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia từ xa, từ sớm, từ bên ngoài, từ bên trong, sớm có dự báo nguy cơ, xu thế vận động, để đi trước, đón đầu, phát huy sức mạnh tổng hợp quốc gia, dân tộc với sức mạnh thời đại. Trong đó, trọng tâm là lấy phát triển để chủ động phòng ngừa, bảo vệ an ninh quốc gia, ngược lại lấy bảo vệ an ninh quốc gia làm nền tảng cho sự phát triển, ổn định, bền vững của đất nước; không ngừng tăng cường tiềm lực, thế trận, nguồn lực, sức mạnh, đáp ứng vấn đề thực tiễn đặt ra.

Với quan điểm, phương châm, mục tiêu như vậy, vấn đề an ninh sinh học nên chăng cần được nhận diện, nghiên cứu một cách đầy đủ, hoàn thiện về mặt lý luận, nâng cao nhận thức, triển khai trong thực tiễn, xây dựng kịch bản, phương châm, nguyên tắc, phương tiện, lực lượng, hiệp đồng… kịp thời ngăn chặn khi có tình huống xảy ra?

Đúng như Thủ tướng Chính phủ khẳng định: Tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, “Đặt ra tình huống xấu nhất để điều xấu nhất không xảy ra với đất nước chúng ta”. Bước đầu kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh COVID-19 vừa qua là ví dụ, trong đó có sự chủ động nơi tuyến đầu phòng chống dịch của lực lượng Công an, nhân dân, minh chứng sinh động cho sự cần thiết, đặt vấn đề nói trên.

Trung tướng, PGS. TS Trần Vi Dân – Giám đốc Học viện Chính trị CAND

Theo Công an nhân dân online


Tin liên quan